Gia công là bất đắc dĩ
Thực tế, đã có không ít DN quy mô vừa và nhỏ khác thậm chí coi việc gia công như “lối thoát” cho DN mình, khi chưa tìm kiếm được đầu ra ổn định. Song, làm gia công chỉ nên coi là biện pháp tình thế…
Chuyên chế biến xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản, hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2013 đối với CTCP Phát triển kinh tế Duyên Hải không có nhiều thuận lợi. Do có nhiều thời điểm bị đứt đơn hàng, để giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động, cũng như tận dụng tối đa công suất, dây chuyền máy móc, công ty đã ký kết thêm đơn hàng gia công cho một số DN trong nước, hoặc chế biến theo từng công đoạn cho đối tác nước ngoài.
Các DN nội vẫn mạnh về gia công
|
Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc công ty cho biết, dù gia công không phải hoạt động chủ đạo của DN, nhưng chính nhờ tích cực nhận làm hàng gia công trong những tháng khó khăn mà Duyên Hải thoát được khó khăn trước mắt. Trên thực tế, đã có không ít DN quy mô vừa và nhỏ khác thậm chí coi việc gia công như “lối thoát” cho DN mình, khi chưa tìm kiếm được đầu ra ổn định.
Cùng cảnh ngộ, ông Huy Thọ, Giám đốc Chi nhánh Satra (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn) tỉnh Đồng Tháp cho biết, do nhu cầu thị trường thế giới sụt giảm, nhiều DN xuất khẩu gạo chưa có đơn hàng xuất khẩu mới nên giải pháp tạm thời là nhận gia công, chế biến xay xát cho DN khác đang còn dư sản lượng, kim ngạch.
Thực tế tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, rất nhiều DN tư nhân, nhà máy chế biến xay xát quy mô nhỏ đang hoạt động chủ yếu dưới hình thức gia công thành phẩm rồi sau đó giao lại cho các DN có năng lực khác xuất khẩu dưới thương hiệu, uy tín của mình.
Theo nhận định của một số chuyên gia, ít DN chế biến xuất khẩu nào muốn làm gia công, vì giá trị thu về không cao, đồng thời không xây dựng được thương hiệu. Nhưng thời gian qua, do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, cũng như nhu cầu tiêu dùng trong nước sụt giảm, khiến cho không ít DN khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng. Điển hình là một số DN hoạt động trong lĩnh vực thu mua, chế biến các mặt hàng nông thủy hải sản.
Lãnh đạo một DN khác cho biết thêm, thông thường một DN khi có đơn hàng sẽ đảm nhiệm từ khâu tìm kiếm, thu mua nguyên liệu, gia công chế biến, đóng gói và xuất đi nước ngoài. Nếu làm trọn gói từ khâu đầu đến khâu cuối, nhất là đối với các DN có uy tín và chú trọng đến giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm thì giá trị thu về cho DN là rất lớn.
Ngược lại, nếu chỉ làm gia công thì giá trị thu về chỉ chiếm một phần nhỏ. Cho nên, không mấy DN tự lựa chọn cho mình con đường này.
Nhưng thực tế trong bối cảnh thiếu đơn hàng vừa qua, ngay cả đến một số DN đã từng chen chân được sang thị trường xuất khẩu nước ngoài đôi khi vẫn phải chấp nhận chọn làm hàng gia công để có việc làm, duy trì sự tồn tại DN cho qua giai đoạn khó khăn. Song, cũng theo vị giám đốc này, việc làm gia công chỉ nên coi là biện pháp tình thế chứ không nên lựa chọn là hướng đi lâu dài. Bởi đối với bất cứ DN nào, hoạt động gia công sẽ khó tạo ra giá trị lợi nhuận bền vững, cũng như làm hạn chế tính năng động, sáng tạo của DN.
Xét trên bình diện rộng hơn, sự phát triển của DN và nền kinh tế không thể chủ yếu dựa vào hoạt động gia công mang lại mà phải dựa trên sự sáng tạo và hàm lượng giá trị gia tăng cao trong mỗi sản phẩm khi đưa ra thị trường...
Nam Phương
thời báo ngân hàng
|