Thiếu thông tin, người dân thụ động thích ứng với hội nhập
Sang năm Giáp Ngọ, xu thế hội nhập tiếp tục lan rộng khắp đời sống kinh tế xã hội, khi mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ đạt thỏa thuận trong năm và bên cạnh đó là những bước chuẩn bị cho việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) của Việt Nam vào năm tới.
Tuy nhiên, phần đông người dân đang biết tới hội nhập với những điều kiện sẽ được thụ hưởng và cho thấy sự thích ứng khá thụ động với sức ép cạnh tranh mà nó sẽ mang lại.
Hồn nhiên "hưởng thụ"
“Hội nhập” trở thành thuật ngữ quen thuộc trong giao tiếp cộng đồng. Các tầng lớp dân chúng ít nhiều đều biết đến và cảm nhận những tác động của hội nhập trong cuộc sống hàng ngày, từ kinh tế, văn hóa, lối sống, tư duy, giáo dục…
Theo Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin, Bộ Công thương, tỷ lệ dân số Việt Nam truy cập Internet chiếm khoảng 36% (tổng số dân số 90 triệu người) đồng thời tính toán của Hãng Visa cho thấy, ước giá trị mua sắm online của người Việt khoảng 150 USD/năm, theo đó quy mô thị trường thương mại điện tử lên tới khoảng 2,77 tỷ USD.
Cùng với thương mại điện tử, sách giáo khoa điện tử cũng được ra đời, trọn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 tới lớp 12 được gói gọn trong một bảng điện tử cùng với hàng chục ứng dụng bổ trợ, những điều kiện học tập tiên tiến không ngừng được cập nhật.
Về cơ bản, hội nhập tạo cơ hội cho người dân được thụ hưởng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chất lượng với giá cả cạnh tranh, được tiếp cận và giao lưu nhiều hơn với thế giới bên ngoài, từ đó có cơ hội phát triển và tìm kiếm việc làm cả ở trong lẫn ngoài nước.
Ông Nguyễn Hải Long, một cán bộ quản lý cấp trung gian trong lĩnh vực truyền thông cho biết, việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định song phương, đa phương đã mở ra một thị trường hàng hóa rộng lớn. Người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, công nghệ hiện đại với các mức giá cả hợp lý đồng thời thúc đẩy chất lượng của các loại hình dịch vụ nội địa cũng dần được nâng cao do sức ép cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài.
“Hội nhập sướng chứ, ngồi một chỗ mà có thể tiếp cận mọi thông tin trên toàn cầu, cơ hội công việc cũng được mở rộng, sự lựa chọn nhiều hơn, mức lương tốt hơn…,” ông Long nói.
Chị Phạm Quỳnh Trang, một viên chức nhà nước tại Hà Nội trong tâm thế hồ hởi, “là người tiêu dùng tôi nôn nóng chờ đợi thời điểm các cam kết được thực hiện. Từ năm 2000 đến nay, mặc dù lạm phát khiến cho các hàng hóa thiết yếu tăng vùn vụt, nhưng rõ ràng các mặt hàng công nghệ, điện tử thì không ngừng được cải tiến mà giá cả lại không bị chao đảo theo mức trượt giá của thị trường trong nước…”
Chị Trang khẳng định, không cảm thấy có áp lực từ hội nhập bởi công việc của chị ổn định không liên quan tới người nước ngoài, những đòi hỏi như phải học tiếng Anh hay nâng cao chất lượng công việc để tiếp cận chuẩn khu vực cũng còn lâu mới bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, chị Trang cũng nhận thức hội nhập tác động đến con gái chị nhiều hơn. Hiện cháu mới học mẫu giáo, song chị Trang đã tìm kiếm những đĩa tiếng Anh cho con nghe và tiếp cận dần. Chị Trang cho biết, vợ chồng chị sẽ dành dụm và ưu tiên cho con tiếp cận với nền giáo dục hiện đại ở mức độ tối đa trong điều kiện kinh tế của gia đình.
Khác chị Trang, anh Long bắt đầu nhận thấy bên cạnh cơ hội thì áp lực từ “thế giới phẳng” cũng lớn dần lên, khi mà tốc độ thông tin phải xử lý hàng ngày thì nhanh và nhiều hơn. Song anh Long cũng nhấn mạnh, “nếu nói mỗi cá nhân cần phải chuẩn bị tinh thần cho hội nhập thì như vậy là quá to tát.”
Theo chuyên gia kinh tế, Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, nhìn chung người dân cảm nhận tính ưu việt của hội nhập nhiều hơn, khi những lợi ích trong mua sắm và sử dụng dịch vụ tác động đến họ hàng ngày.
Thêm vào đó, ông Sơn phân tích, với các cam kết như hiện nay, hội nhập mới ảnh hưởng tới thương mại còn các lĩnh vực khác như đầu tư, tài chính… thì chưa đáng kể. Ngay cả việc gia nhập cộng đồng kinh tế chung ASEAN, song mức độ thâm nhập chủ yếu vẫn là thông thương hàng hóa và trước mắt chưa thể có một làn sóng cạnh tranh về đầu tư, phân bổ lao động, do đó người dân chỉ cảm nhận những áp lực đến từ quá trình hội nhập một cách trừu tượng, không rõ ràng và cụ thể.
Mơ hồ "công dân thời mở cửa"
Việc tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, các doanh nghiệp có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng trong khu vực và toàn cầu đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, theo đó công ăn việc làm và thu nhập của người dân cũng được cải thiện.
Theo Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, so với các nước láng giềng trong khu vực thì mức độ tự do hóa tiếp cận thị trường theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam và Singapore hiện đang lớn nhất.
Ở tầm vĩ mô, hội nhập có thể nhìn nhận rất rõ nét, nhưng đối với cá nhân trong xã hội thì hội nhập dường như vẫn là sự lúng túng, mơ hồ, thiếu vắng những tiêu chí cần thiết cho công dân hội nhập khu vực ASEAN, hay rộng hơn là công dân toàn cầu.
Chị Nguyễn Hồng Vân, một người buôn bán nhỏ khá băn khoăn, theo chị những đứa trẻ muốn thích ứng với xã hội hội nhập thì phải học giỏi, nên ngoài giờ học trên trường chị Vân cho hai đứa con đi học thêm đủ thứ, ngoài các môn chính như toán, văn, Anh, chúng còn học cả đàn, khiêu vũ, kỹ năng giao tiếp… Vấn đề nảy sinh, con chị không có nhiều thời gian tự học và thậm chí là cả vui chơi.
“Để thu xếp một buổi thư giãn cuối tuần cả gia đình cũng không dễ, vì giờ học thêm và học ngoại khóa của hai đứa trẻ lệch nhau. Tuy nhiên điều tôi lo ngại nhất là không hiểu học nhiều như thế, song hai đứa con tôi có trở thành công dân của khu vực ASEAN hay không, khi mà điểm tiếng Anh luôn 9,10 điểm nhưng lại không thể giao tiếp với người nước ngoài. Mỗi khi tiếp xúc với họ là chúng lại lẩn trách đi chỗ khác,” chị Vân nói.
Bạn Nguyễn Hồng Ngọc, sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành PR cũng trong tâm trạng bất an, mặc dù luôn đạt học bổng trong trường và đã tham gia khóa học thiết kế đồ họa, nhưng Ngọc thú thật không thể đọc được các giáo trình tham khảo bằng tiếng Anh. Do đó, gia đình Ngọc tính toán dành dụm một khoản tài chính và sẽ nhờ cậy các mối quan hệ để xin cho Ngọc một vị trí công việc phù hợp khi ra trường.
Thực tiễn cho thấy, sự thích ứng để tồn tại và phát triển trong xu thế hội nhập của người dân mang tính tự phát, mỗi người tiếp cận một kiểu, mạnh ai lấy làm.
Theo ông Bùi Ngọc Sơn, công dân hội nhập không chỉ cần có trình độ tiếng Anh mà còn phải có trình độ kiến thức, kỹ năng làm việc cũng như sự hiểu biết về văn hóa giao tiếp, lịch sử, phong tục… ít nhất là của các quốc gia lân cận.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng trưởng kinh tế trong 5 năm (2007-2011) kể từ khi gia nhập WTO chỉ đạt 6,5%/năm, thấp hơn mức tăng trưởng của giai đoạn 5 năm trước đó là 7,8%/năm. Cả 3 ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều có mức tăng trưởng đạt thấp. Theo đó, tăng trưởng kinh tế không chỉ kém về tốc độ, mà chất lượng cũng giảm sút.
Kinh tế Việt Nam tiếp tục bị đánh giá là gia công, khai thác tài nguyên, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh yếu..., tăng trưởng GDP năm 2012 đạt 5% và năm 2013 là 5,4%.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh, “khiếm khuyết của chúng ta, khi chuẩn bị gia nhập các hiệp định đàm phán song phương, đa phương… chỉ quan tâm hào hứng với tinh thần hứng khởi, nhưng công tác truyền thông để làm cho doanh nghiệp, người dân hiểu thì còn rất kém.”
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra, Việt Nam hiện đã giảm hơn 10 nghìn dòng thuế nhập khẩu xuống 0-5% theo ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế và là một trong bốn thành viên ASEAN có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong lộ trình tổng thể thực hiện AEC.
Ông Sơn cảnh báo “một trong những thách thức hiện nay đó là khoảng cách lớn về trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam so với các nước ASEAN, do đó quá trình thực hiện AEC của Việt Nam vẫn phải đối đầu với nhiều khó khăn.”
Đòi hỏi đặt ra, người dân Việt Nam cần được truyền thông và định hướng cụ thể về những yêu cầu cần thiết của một công dân hội nhập, từ đó họ mới ý thức được trách nhiệm, quyền lợi và cơ hội để cùng hòa đồng vào các chính sách chung của Chính phủ, tạo nên một khối sức mạnh./.
Hạnh Nguyễn
vietnam+
|