Thành công là một hành trình
Thận trọng, linh hoạt là phương thức xuyên suốt trong điều hành CSTT của NHNN gần 3 năm qua. Với phương thức này, ngành Ngân hàng đã đóng góp tích cực vào mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Đường xa vạn dặm…
Câu chuyện bắt đầu từ sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới năm 2008. Sự mở cửa nhanh và mạnh của nền kinh tế chẳng khác nào đón bão vào nhà. Năm 2009, kinh tế Việt Nam “trầm lắng” với các con số tăng trưởng 5,32%; lạm phát 6,52%. Thế nhưng, những kết quả này chỉ là “khoảng lặng” trước khi cơn bão thực sự ập đến.
Chỉ từ cuối 2009 đến quý III/2010, NHNN đã phải 3 lần điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng, tăng tổng cộng 11,17% lên mức 18.932 VND/USD. Niềm tin vào đồng nội tệ sụt giảm trầm trọng. Tình trạng đô la hóa nền kinh tế gia tăng. Cuối năm 2010, cuộc đua lãi suất bùng phát, lãi suất huy động VND lên tới 14 - 16%/năm, thậm chí có ngân hàng đã huy động với lãi suất 17 - 18%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 19 - 22%/năm.
Cái Tết Nhâm Thìn chậm chạp qua với nhiều câu hỏi đặt ra: Ai vay, đầu tư vào cái gì để cho mức lợi nhuận trên 20%/năm mà trả lãi vay ngân hàng? Đáng lo hơn, trên thị trường liên ngân hàng lãi suất có lúc lên đến 30%, thậm chí 40%/năm. Tại sao có TCTD chấp nhận vay ở mức lãi suất khủng như vậy? Họ mất thanh khoản trầm trọng? Liệu có sự đổ vỡ theo hiệu ứng domino trong hệ thống ngân hàng?
Vậy mà chưa hết, thị trường chứng kiến cú sốc mạnh khi ngày 11/2/2011, NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá từ 18.932 đồng/USD lên 20.693 đồng. Chỉ sau 1 đêm giá trị VND đã giảm 9,3% so với USD. Tỷ giá ngoài thị trường tự do biến động mạnh, có lúc được giao dịch ở mức 22.000 đồng/USD. Đã có nhiều cuộc họp giữa NHNN với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và giữa các thành viên VNBA với nhau để kêu gọi sự đồng thuận trong giảm lãi suất. Thế nhưng, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, thị trường tiềm ẩn nhiều bất ổn khi cả lãi suất, vàng, tỷ giá cùng nhau nhảy múa… Năm 2010 GDP đạt mức 6,78%, nhưng lạm phát vọt lên 11,75%.
Quân lệnh như sơn
Tháng 8/2011, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhậm chức. Vẫn biết là tân quan, tân chính sách, nhưng thị trường khá bất ngờ khi ngay lập tức Thống đốc dùng “bàn tay sắt“ để ổn định lãi suất. Anh nào vượt rào trần lãi suất huy động 14% lập tức bị xử lý nghiêm. Thống đốc tuyên bố đưa lãi suất cho vay về 17- 19%/năm; thậm chí sang năm 2012, Thống đốc còn muốn giảm tiếp lãi suất cho vay về 15%/năm.
Không ít người đã tỏ ra hoài nghi về những tuyên bố đó. Vậy mà chỉ từ 15/7/2012 đến tháng 11/2012, hơn 80% dư nợ toàn hệ thống đã ở mức lãi suất dưới 15%/năm. Song, lãi suất chưa phải là điểm nóng nhất. Tỷ giá, vàng, tái cơ cấu TCTD mới là những vấn đề động chạm đến quyền lợi, lợi ích của nhiều tổ chức, cá nhân với những mối quan hệ phức tạp đã diễn ra bao năm qua.
Đơn cử, với vàng. Vàng nóng từ nghị trường của Quốc hội, đến phòng họp của Chính phủ, nóng đến cả quán chè chén vỉa hè. Đã có người dùng truyền thông làm phương tiện công kích về việc NHNN đưa sản xuất, kinh doanh vàng về một đầu mối. Đã có DN không ngần ngại dùng các mối quan hệ rộng để tạo sức ép để Thống đốc lùi thời hạn tất toán tài khoản huy động vàng.
Kiên định với mục tiêu đề ra, NHNN thực hiện thành công từng bước lộ trình: xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý thị trường vàng; chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng của TCTD; chuyển toàn bộ quan hệ huy động, cho vay bằng vàng sang quan hệ mua bán. Không ai có thể ngờ, từ đỉnh cao lấp lánh (49,2 triệu đồng/lượng vào 23/8/2011), giờ vàng lại bị “lãng quên” đến thế trong tâm trí các nhà đầu tư.
Hay như tỷ giá, với phương thức điều hành ổn định nhưng không cố định, trước rất nhiều sức ép từ thị trường, nhưng năm 2012 NHNN không điều chỉnh tỷ giá; năm 2013 chỉ điều chỉnh 1% - đúng như cam kết của Thống đốc. Đầu năm 2013, Thống đốc kỳ vọng lãi suất huy động VND về 7 - 8%/năm; cho vay ra từ 9 - 11%/năm. Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Nói đi đôi với làm, những thông điệp, hành động nhất quán của người đứng đầu Ngành đã được người dân, doanh nghiệp tín nhiệm, lấy làm cơ sở cho việc lên kế hoạch của cả một năm sản xuất kinh doanh.
“Kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công”
Thận trọng, linh hoạt là phương thức xuyên suốt trong điều hành CSTT của NHNN gần 3 năm qua. Với phương thức này, ngành Ngân hàng đã đóng góp tích cực vào mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Năm 2013, tăng trưởng GDP đạt 5,42%, lạm phát từ mức 18,13% năm 2011 được đưa về 6,04% - mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Dự trữ ngoại hối tăng gấp hơn hai lần so với cuối năm 2011, đạt 12 tuần nhập khẩu. Đằng sau con số này là sự tính toán, cân nhắc thận trọng trên từng bước đi của NHNN với sự linh hoạt trong sử dụng các công cụ điều hành CSTT theo hướng chủ động, dẫn dắt thị trường và bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô.
Mặt bằng lãi suất giảm và một lượng VND không nhỏ được NHNN đưa ra để mua ngoại tệ… ắt sẽ làm lượng tiền cung ứng tăng, gây áp lực lên lạm phát. Thế nhưng sự phối hợp chặt chẽ giữa công cụ lãi suất, tỷ giá và đặc biệt là nghiệp vụ thị trường mở được NHNN sử dụng linh hoạt, kịp thời đã mang lại kết quả ngoài mong đợi.
Trong tất cả những thành công trên, điều quan trọng nhất, không thể hiện bằng những con số, nhưng được nhận thấy rất rõ. Đó là NHNN đã thực sự chủ động trong việc xây dựng mục tiêu CSTT, chủ động sử dụng các công cụ điều hành để chỉ đạo, dẫn dắt thị trường thực hiện các mục tiêu đề ra. Đây chính là tiền đề để NHNN xác định năm 2014 là năm điều hành linh hoạt, hiệu quả.
Nói đi đôi với làm, những thông điệp, hành động nhất quán của người đứng đầu Ngành đã được người dân, doanh nghiệp tín nhiệm, lấy làm cơ sở cho việc lên kế hoạch của cả một năm sản xuất kinh doanh.
|
Năm 2014 - 2015 tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế trong nước kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn, nhưng khó khăn chưa qua. Tái cấu trúc DNNN, tái cơ cấu đầu tư công chưa mang lại kết quả đáng kể… Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 của ngành Ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là vấn đề có tính quyết định đến sự phát triển bền vững của nước ta. Vì vậy, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều đặt nhiệm vụ này lên hàng đầu. Đây là nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến ngành Ngân hàng”.
Điều đó cho thấy áp lực điều hành vĩ mô nói chung, lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng nói riêng vẫn rất nặng nề. Gần 3 năm qua, kỷ cương trên thị trường tiền tệ, thị trường vàng được xác lập và củng cố. Làm thế nào để bảo vệ những thành quả đó và tiếp tục thực hiện những mục tiêu mới trong năm tới là một nhiệm vụ còn khó khăn hơn.
Năm 2014, Quốc hội đã quyết định nới trần bội chi lên 5,3% GDP, tăng phát hành trái phiếu Chính phủ. Thậm chí số tiền 170.000 tỷ đồng dự kiến thu được từ phát hành trái phiếu giai đoạn 2014 - 2016 đều đã có địa chỉ. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến lãi suất thị trường. Chưa kể, việc tiếp tục điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý sẽ là nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đến diễn biến lạm phát trong năm 2014. Chỉ số giá năm nay sẽ chịu áp lực không nhỏ từ việc mở rộng tài khóa. Vì thế năm 2014, vấn đề phối hợp chính sách tài khóa với CSTT nếu chỉ dừng ở hô hào, sẽ gây khó khăn cho ngành Ngân hàng trong kiểm soát lạm phát ở khoảng 7%.
Thứ hai, về tái cơ cấu hệ thống TCTD và xử lý nợ xấu. Sau khi những mắt xích yếu nhất được xử lý, vẫn còn những ngân hàng yếu kém khác đang tồn tại và có khả năng phát sinh thêm khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn; năng lực, trình độ quản trị, quản lý rủi ro của TCTD chưa được nâng cao. Hoạt động của VAMC thời gian qua mới chỉ là chạy “roda”. Chừng nào chúng ta còn chưa tạo ra thị trường mua bán nợ xấu hoàn chỉnh; chưa có cơ chế để nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia mua bán nợ xấu thì chừng đó tiến trình xử lý nợ xấu còn chậm.
Thứ ba, kinh doanh vàng là một ngoại lệ trong hoạt động của một NHTW. Đứng vai trò là người mua bán cuối cùng trên thị trường vàng, nhưng thời gian qua NHNN mới chỉ thực hiện được một vế - vế bán. Làm thế nào để huy động được vàng trong dân là nhiệm vụ không dễ dàng trong thời gian tới...
Ngựa đã thắng cương. “Thành công là một cuộc hành trình chứ không phải điểm đến”. Những gì ngành Ngân hàng đã làm được thời gian qua là cơ sở, nền tảng; là sức mạnh được tăng thêm bởi lòng tin, bản lĩnh của người cầm quân để cùng tiến đến những mục tiêu mới, xa hơn, cao hơn...
TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh:
Niềm tin của thị trường vào hệ thống ngân hàng được cải thiện rõ rệt
Có thể nói trong năm 2013 vừa qua, ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Tôi nhớ là vào thời điểm cách đây hai năm, tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2011, anh Bình (Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình - PV) trình bày Đề án làm sao để cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém trước nguy cơ sụp đổ. Lúc đấy tôi có cảm giác là nhiều ngân hàng ở trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, nguy cơ đổ vỡ dây chuyền là rất lớn. Nhưng sau 2 năm, bằng nhiều biện pháp điều hành, ngành Ngân hàng đã thoát ra được bế tắc.
Trong năm 2013, nỗ lực tích cực nhất của ngành Ngân hàng mà tôi thấy được là việc dùng các biện pháp hành chính để can thiệp vào thị trường tiền tệ đã giảm nhiều. NHNN chủ yếu dùng các biện pháp gián tiếp để điều hành các vấn đề liên quan đến lãi suất, còn thị trường thì để nó tự điều chỉnh theo cơ chế của nó. Chính cách này đã làm cho niềm tin của thị trường vào hệ thống ngân hàng tăng lên mạnh mẽ.
Một vấn đề thứ 2 theo tôi thấy là năm 2013 vừa qua, hệ thống các ngân hàng đã đảm bảo khá tốt việc tiêu thụ lượng trái phiếu Chính phủ, giúp Chính phủ cân đối được chi tiêu và có tiền để tái đầu tư. Thực tế trái phiếu Chính phủ có đến hơn 90% các TCTD tham gia mua vào. Đó cũng là một đóng góp quan trọng của Ngành cho hoạt động chi thường xuyên và đầu tư ra xã hội của Chính phủ.
Riêng đối với vấn đề giải quyết nợ xấu thì tôi cho rằng, đến thời điểm này hệ thống ngân hàng phải được xem là dũng cảm. Bởi vì để giải quyết nợ xấu, thông thường các nước khác họ dùng một khoản tiền riêng 20-30% tổng nợ xấu để xử lý. Trong khi đó ở Việt Nam, ngành Ngân hàng lãnh trách nhiệm này mà chỉ dùng chính các biện pháp công cụ của NHTW để xử lý nợ, không dùng nguồn tiền nào từ bên ngoài mà vẫn đang có nhiều biến chuyển theo hướng tích cực.
Theo tôi, trong năm 2014 và 2015 tới đây, thách thức lớn nhất đối với hệ thống ngân hàng vẫn là làm sao đảm bảo cân đối được tăng trưởng tín dụng và xem xét hạ lãi suất kỳ hạn dài trong chừng mực, đáp ứng nhu cầu tái cấu trúc DN trên tinh thần không để DN “chết” thêm. Trong năm mới, việc giải quyết nợ xấu ở lĩnh vực bất động sản cũng sẽ tạo ra áp lực lớn cho ngành Ngân hàng vì tính thanh khoản không cao nên đến thời điểm đáo hạn, các khoản nợ sẽ tăng lên. Trong khi đó, các ngân hàng chỉ có thể gỡ dần dần chứ không thể nôn nóng được.
Nói tóm lại, tôi cho rằng nếu như cuối năm 2012, chúng ta còn quá nhiều lo lắng chưa biết tương lai của hệ thống ngân hàng sẽ như thế nào thì hiện nay chúng ta đã có thể khá yên tâm để ăn một cái tết vui vẻ vì niềm tin của thị trường đối với ngân hàng đã được cải thiện rõ nét, ngành Ngân hàng đã bắt đầu đi vào quỹ đạo phát triển khá bền vững.
Ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực của IFC tại Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào:
Việc VAMC đi vào hoạt động là một bước rất tích cực
Chúng ta thấy trong vòng 12-18 tháng qua, Việt Nam trải qua một giai đoạn đáng khích lệ về ổn định KTVM. Việc Chính phủ và NHNN đưa vào một gói CSTT theo định hướng ổn định với các biện pháp thực hiện quyết liệt, kiên trì và đồng bộ đã giúp lạm phát giảm mạnh xuống, các áp lực đối với tiền đồng cũng dần được giải quyết và nhiều chỉ số KTVM khác đều cải thiện. Điều này đã đóng góp rất lớn đến việc củng cố niềm tin của các NĐT.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng việc VAMC đi vào hoạt động là một bước rất tích cực. Điều này giúp đảm bảo cho hệ thống có một nguồn thanh khoản, đồng thời góp phần giúp giải quyết vấn đề nợ xấu phát sinh do tăng trưởng tín dụng thường xuyên ở mức 30% - 40% trong giai đoạn 3 - 4 năm về trước.
Tôi còn nhớ thời điểm khi đưa ra những chính sách này, đã có nhiều câu hỏi đặt ra về việc liệu NHNN có thể duy trì được gói chính sách đó không, nhưng NHNN đã làm được. Các chính sách theo định hướng ổn định, vì vậy cần được tiếp tục trong năm tới.
Ông Tareq Muhmood, Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam:
Cần thực hiện Thông tư 02 từ tháng 6 tới
Tôi cho rằng, CSTT đã đạt được nhiều thành quả lớn trong thời gian qua. Tỷ giá ổn định, lãi suất ở mức phù hợp, lạm phát thấp xuống đáng kể như hiện nay giúp cho các DN có thể yên tâm hoạch định chiến lược và chính sách kinh doanh dài hạn hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy 2013 là một năm chứng kiến nhiều thách thức đối với hệ thống ngân hàng, đặc biệt là một số NHTM yếu kém. Nhưng đây sẽ chỉ là những thách thức trong ngắn hạn. Nếu như NHNN tiếp tục giữ ổn định CSTT và duy trì các công cụ điều hành đúng đắn như đang thực hiện thì hệ thống ngân hàng chắc chắn sẽ có tương lai ổn định và bền vững.
Trong năm 2014, theo tôi vẫn cần tập trung ưu tiên cho ổn định KTVM, cẩn trọng với khả năng lạm phát có thể tăng cao trở lại. Đồng thời, cần đưa vào thực hiện Thông tư 02 từ tháng 6 tới mà không nên trì hoãn thêm nữa. Cùng với đó, cần tập trung phát huy tốt vai trò của VAMC để giúp xử lý nợ xấu. Các vấn đề khác như tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài vào các ngân hàng trong nước, tham gia của NĐT nước ngoài vào xử lý nợ xấu, cải thiện môi trường kinh doanh… cũng cần được quan tâm thúc đẩy.
Nhóm Phóng viên thực hiện
|
Ngân Hà
thời báo ngân hàng
|