Sẽ cho phép VWS nhập nguyên liệu tái chế
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho biết thành phố đang làm việc với các cơ quan hữu quan để đưa ra kiến nghị cho phép Công ty TNHH Xử lý Chất thải rắn Việt Nam (VWS) nhập khẩu nguyên liệu tái chế phục vụ cho nhà máy hơn 10 triệu đô la Mỹ mà VWS đã đầu tư và khánh thành từ gần 3 năm qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang nghe giới thiệu về khu xử lý chất thải rắn Đa Phước. Ảnh: Hoàng Phi
|
Ông Tín phát biểu điều này trong buổi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm nhà máy xử lý chất thải rắn của VWS nhân dịp năm mới vào ngày 2-2 tại xã Đa Phước, Huyện Bình Chánh, TPHCM.
Theo ông Tín, Việt Nam vẫn đang cấm, không cho nhập khẩu loại nguyên liệu tái chế, một việc làm rất bình thường ở các quốc gia khác.
Trong khi đó, nhà máy xử lý chất thải rắn Việt Nam đã được đầu tư hơn 10 triệu đô la Mỹ đã không hoạt động vì thiếu nguyên liệu kể từ khi khánh thành hồi năm 2011.
Nhà máy này là một trong những cam kết mà VWS đã thực hiện khi đầu tư tại Việt Nam bên cạnh các hạng mục khác như xử lý chôn lấp hợp vệ sinh, sản xuất phân compost và nhà máy phát điện.
VWS đã đầu tư hơn 10 triệu đô la Mỹ cho nhà máy xử lý tái chế, hơn 7 triệu đô la Mỹ cho dây chuyền sản xuất phân compost và nhà máy chạy điện bằng khí thải công suất 12 MW sẽ hoàn thành lắp đặt trong tháng 3 năm nay để có thể phát điện sau đó. Tuy nhiên những cam kết về phân loại rác tại nguồn của TPHCM vẫn chưa được thực hiện
Hồi năm 2011, VWS đã đề nghị được phép nhập 10.000 tấn nguyên liệu tái chế đã qua phân loại để chạy thử nhà máy, nhưng không được chấp thuận do vướng các quy định về môi trường.
Theo bà Huỳnh Thị Lan Phương, Phó Tổng giám đốc VWS, công suất của VWS hiện lên đến 10.000 tấn/ngày, nhưng hiện tại chỉ được tiếp nhận 3.000 tấn/ngày.
Chính vì thế, ông Tín cho biết thành phố đang xem xét tăng thêm rác cho VWS cũng như cho nhập nguyên liệu tái chế từ Mỹ, nhưng "sẽ quản lý chặt việc này nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường".
Điều này cũng phù hợp với kiến nghị của VWS khi công ty đề nghị ký quỹ hàng triệu đô la Mỹ và chịu trách nhiệm về những vi phạm nếu có.
VWS, theo lời bà Phương, ban đầu cam kết đầu tư 90 triệu đô la Mỹ cho dự án ở Đa Phước, nhưng trên thực tế đã đầu tư hơn 120 triệu đô la Mỹ vào đây, và mới đầu năm nay đã nhận được giấy phép đầu tư điều chỉnh vốn lên tới gần 150 triệu đô la Mỹ.
Tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong thời gian qua ông đã đi thăm hơn 10 nhà máy rác trên cả nước, nhưng vấn đề xử lý rác quả thật “chưa được làm đến nơi đến chốn”.
Thủ tướng cho biết rác là một lĩnh vực cần được khuyến khích đầu tư và những khó khăn về cơ chế mà các doanh nghiệp trong ngành đang gặp phải cần phải được tháo gỡ.
Về trường hợp cụ thể của VWS, ông Dũng nhấn mạnh rằng, với công suất 10.000 tấn/ngày, mà VWS mới chỉ tiếp nhận 3.000 tấn/ngày thì cần phải tăng thêm.
“Quan trọng nhất là lượng rác. Nếu đạt được công suất thì sẽ tiết giảm được chi phí”, Thủ tướng Dũng nhận định.
Trước đó, vào ngày 10 tháng 1 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng đã đến VWS làm việc và nói rằng có khả năng sẽ cho phép VWS nhập nguyên liệu tái chế theo dạng thí điểm để chạy nhà máy.
Theo ông Quang, tuy hiện tại các quy định luật pháp chưa cho phép nhập phế liệu để tái chế nhưng vẫn có những cơ chế có thể thực hiện được trong các trường hợp cụ thể.
Hoàng Phi
thời báo kinh tế sài gòn
|