Doanh nghiệp những năm vượt sóng
Khi người đứng đầu Chính phủ khẳng định vai trò kiến tạo phát triển của Nhà nước, sự hỗ trợ đối với doanh nghiệp, “lấp lánh” trong đó là một niềm tin được trao cho giới doanh nhân, những người sẽ giữ vai trò quan trọng nhất đối với việc vực dậy nền kinh tế trong nửa cuối của kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Giai đoạn “Tết con ngựa” 2014 được các doanh nghiệp coi là lần thử sức nữa với khả năng vực dậy của thị trường tiêu thụ. Hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi có diện phủ điểm bán rộng vào loại nhất nhì Thủ đô, vào giai đoạn “giáp hạt” này của những năm trước vốn là lúc hàng ra vào tấp nập, khách mua chen vai thích cánh giành từng túi quà Tết, nay vẫn còn khá ảm đạm. Hàng đã trữ trong kho, các hợp đồng ký từ giữa năm ngoái với hàng trăm tỷ đồng giá trị hàng hóa là cam kết tham gia bình ổn giá của doanh nghiệp nọ, giờ này còn chờ người mua.
Đó không phải là trường hợp hiếm trên thị trường mùa Tết năm nay. Nhiều doanh nghiệp “đánh canh bạc cuối cùng” với chuyện tồn tại hay phá sản, nhưng hy vọng nhiều hơn ở khả năng lấy lại phần nào những gì họ đã mất trong vài ba năm trở lại đây. “Chúng tôi vẫn tin ở khả năng phục hồi sức mua năm nay, dù đến giờ chưa có nhiều chuyển biến”, Phó giám đốc kinh doanh của một công ty siêu thị, thuộc doanh nghiệp nói trên cho hay.
Với nhiều doanh nghiệp, các năm 2012-2013 đã lấy hết khả năng chịu đựng của họ. Hơn 100 nghìn doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động trên tổng số khoảng 400-500 nghìn doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh, cho thấy bối cảnh nền sản xuất kinh doanh có sự xáo trộn quá lớn. Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp vẫn phải cố duy trì vì lo giữ người tài, nguồn lực quý giá nhất đối với họ chỉ được hình thành sau nhiều năm “chắt chiu”.
Các chuyên gia “đổ xô” vào lý giải, sự thực về bức tranh doanh nghiệp hé lộ nhiều điểm tối. Những thực thể quan trọng nhất của nền kinh tế, tạo ra phần lớn nguồn thu ngân sách cho một hệ thống hành chính vận hành lại đang gặp nhiều rào cản về thủ tục nhất. Cấp đất là chuyện xin - cho. Thông tin về chính sách phải tiếp cận qua đường “gọi điện thoại cho người thân”. Nhiều thủ tục về hải quan, thuế… làm phiền lòng chủ doanh nghiệp. Đến mức, theo thông kê, chi phí tuân thủ pháp luật về thuế của doanh nghiệp mất tới 243 ngày…
Tất nhiên, cái khó nhất đối với doanh nghiệp là do giai đoạn này nền kinh tế đang “sửa mình”, sau giai đoạn phát triển quá nóng. Quá trình phát triển với đầu tư mở rộng trước đó khiến đồng tiền cung ứng ra quá lớn, gây hiện tượng bong bóng ở nhiều kênh đầu tư tài chính và tài sản. Chứng khoán, bất động sản, vàng… nối nhau sốt và nóng. Xã hội “kim tiền” chứng kiến nhiều đại gia khoe của nhất mọi thời đại, với villa theo kiến trúc Gothic hoành tráng, siêu xe Rolls Royce, máy bay riêng... Chính những doanh nhân cũng trở nên thiếu cảnh giác với khả năng bong bóng vỡ và nền kinh tế sàng lọc những thực thể sống của mình. Rồi đột ngột, nền kinh tế rẽ hướng.
Sau giai đoạn lạm phát cứ thúc nhau năm sau cao hơn năm trước, tăng trưởng lại giảm dần, đã đến lúc nợ công phình to khiến Nhà nước không thể can thiệp “mạnh bạo” vào đầu tư công được nữa, giai đoạn thắt chặt bắt đầu. Hàng loạt dự án được kiểm soát, những quyết định mạnh mẽ nhằm dừng, giãn, hoãn các dự án đầu tư không phải cấp bách. Ngổn ngang là những dự án thi công dở dang phải đình và hoãn, doanh nghiệp “trơ khấc” với một phần hoạt động vốn đã quen - xin dự án - nay nhìn lại chẳng biết phải làm gì.
Tín dụng được kiểm soát chặt, bao gồm cả chỉ tiêu tăng trưởng, nợ xấu, điều kiện vay… Các doanh nghiệp, sau nhiều năm quen sử dụng vốn ngân hàng cho toàn bộ hoạt động của mình, nay nhìn lại nguồn lực tự thân quá mỏng để cầm cự với cú sốc thị trường. Nợ xấu bắt đầu tăng nhanh. Các doanh nghiệp đứng trước sự “đảo chiều” của dòng tiền: hàng làm ra, dịch vụ sẵn có mà không bán được để thu tiền về khi Nhà nước, người dân và doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu. Chưa bao giờ, tổng mức bán lẻ, một chỉ tiêu tham chiếu cho sức mua thị trường, lại sụt giảm mức tăng như thế. Hàng hóa chuyển hướng ra thị trường ngoại, biểu hiện trên cán cân thương mại hàng hóa là hai năm liền 2012-2013 thặng dư, một ước muốn suốt 20 năm, nay mới có được.
“Đi đầu” trong các doanh nghiệp gục ngã, ngành bất động sản và xây dựng liểng xiểng ngả nghiêng với hàng trăm dự án chậm tiến độ. Có chủ đầu tư đã trả lại đất cho chính quyền địa phương, điều “xưa nay hiếm”. Vật liệu xây dựng liên đới cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp ra đi, kể cả thương hiệu lớn cũng phải bán sang tay nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường bán lẻ chứng kiến nhiều điểm bán “bỏ cuộc chơi”, nhiều sàn cho thuê “trống vắng”...
Kéo theo đó, ngành chế biến, chế tạo chưa bao giờ đình đốn đến thế. Chỉ số sản xuất công nghiệp xuống một con số. Tồn kho tăng cả đống trong các khu nhà xưởng. Giảm giá là xu hướng chung, giờ như một giải pháp duy nhất mà tất cả các doanh nhân đều phải tính đến. Hôm qua giá nhà giảm sốc, nay đến điện máy khuyến mại khủng… Nhiều doanh nghiệp chấp nhận bán lỗ để thu tiền về, trả nợ cho nhẹ đầu…
Nền kinh tế đến giai đoạn 2012-2013 “lồ lộ” những doanh nghiệp chạy theo bong bóng thị trường đã “ngã xuống”, còn ở lại là những ý tưởng kinh doanh tốt được đeo đuổi qua cả thời kỳ kiếm tiền bằng đầu tư dễ dãi. Bắt đầu vực dậy những doanh nghiệp làm nòng cốt mới cho các ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng. Trong đó, nhiều tên tuổi doanh nghiệp tư nhân “bỗng dưng” lớn mạnh như Thánh Gióng. Những cái tên như Tôn Hoa Sen, Thép Hòa Phát, Vingroup… đang trở thành số 1 của ngành, lĩnh vực mình tham gia.
Một tia hy vọng cho các doanh nghiệp cũng đã tới, khi nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được triển khai. Vốn tín dụng theo các gói ưu tiên được thiết kế với nhiều ưu đãi. Đầu tư công vừa được nới hơn với bội chi tăng và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ. Bất động sản có thêm nhiều chính sách mới, vốn tín dụng dành riêng cho một số mô hình nhà ở…
Năm 2014, kỳ vọng tăng lên từ “Thông điệp Thủ tướng”. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định vai trò kiến tạo phát triển của Nhà nước, sự hỗ trợ đối với doanh nghiệp và “lấp lánh” trong đó là một niềm tin được trao cho giới doanh nhân, những người sẽ giữ vai trò quan trọng nhất đối với việc vực dậy nền kinh tế trong nửa cuối của kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Khi người đứng đầu Chính phủ khẳng định vai trò kiến tạo phát triển của Nhà nước, sự hỗ trợ đối với doanh nghiệp, “lấp lánh” trong đó là một niềm tin được trao cho giới doanh nhân, những người sẽ giữ vai trò quan trọng nhất đối với việc vực dậy nền kinh tế trong nửa cuối của kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thép Việt:
Thông điệp Thủ tướng giải tỏa tâm lý DN
Thép Việt cũng như nhiều DN sản xuất kinh doanh khác, thời gian qua chịu nhiều áp lực từ sự suy giảm của nền kinh tế. Trong năm qua, lượng hàng tồn kho ở nhiều lĩnh vực tăng cao, kinh tế trì trệ có nguyên nhân từ sức cầu yếu, người dân thắt chặt chi tiêu. Nếu kiềm chế lạm phát quá chặt, ở khía cạnh nào đó khiến cầu hàng hóa trên thị trường sụt giảm, DN không thể tồn tại phát triển tốt. Mà khi những hạt nhân của nền kinh tế này phá sản, chết hàng loạt như trong thời gian qua cũng khiến cho sức khỏe của nền kinh tế bị suy yếu đi.
Trong bối cảnh đó, thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ thực sự là điều đáng mừng, không chỉ đối với nền kinh tế mà với cả cộng đồng DN. Nó giải tỏa được áp lực tâm lý đang đè nặng lên vai những người đang trực tiếp sản xuất ra hàng hóa, nhưng lo không tiêu thụ được. Nhưng khi có sự “vạch đường, chỉ lối”, tạo môi trường thuận lợi, các DN sẽ bám vào đó để xây dựng kế hoạch cho những hành động tiếp theo.
Mức tăng trưởng hợp lý trong năm 2014 và lạm phát tiếp tục được kiểm soát sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho sự hồi phục từng bước của DN, theo hướng ổn định và bền vững. Với sự cân đối tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý, hài hòa sẽ “kích” được nguồn cầu, làm động lực để tăng “cung” cho tất cả DN. Đây chính là yếu tố quan trọng, cần thiết và là động lực chính để tạo nên sự tồn tại, phát triển của DN.
Mặc dù, với đặc thù riêng của ngành sản xuất thép luôn duy trì lượng hàng tồn nhất định để đáp ứng sức tiêu thụ của thị trường, nhưng khi nhận được tín hiệu mới, Thép Việt đã thay đổi tăng kế hoạch kinh doanh trong năm 2014 từ 5% lên 10%, đưa sản lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường tăng từ 730.000 tấn năm 2013 lên 800.000 tấn năm 2014. Để đáp ứng được kế hoạch này, Thép Việt cũng đã có sự chuẩn bị sẵn về nguồn nguyên vật liệu, cũng như tăng năng suất cao hơn so với năm trước.
Điều này, có lẽ không riêng gì đối với Thép Việt mà có lẽ nhiều DN cũng đã chuẩn bị lên dây cót sẵn sàng, chỉ cần những quyết sách của Chính phủ đi vào thực tế thì DN sẽ chuyển động theo tức thì. Tuy nhiên, vấn đề chính còn nằm ở chỗ tinh thần cải cách, đổi mới cần đi đôi với hành động thiết thực. Cũng như bên cạnh việc tăng trưởng hợp lý, kiểm soát tốt lạm phát thì trong năm 2014 này, cộng đồng DN vẫn mong chờ những chính sách đồng bộ, hỗ trợ cho DN về thuế, lãi suất, thủ tục hành chính…
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op
Đã qua được thời kỳ khó khăn
Tôi khẳng định, chúng ta đã qua được thời kỳ khó khăn. Hai năm qua, Chính phủ đã thành công trong việc điều hành chính sách, kinh tế vĩ mô và các yếu tố đó đã đi vào ổn định. Với đà này, 2014 sẽ là năm phát triển mạnh mẽ cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài. Rất nhiều DN lạc quan, tin tưởng vào năm 2014 và đây là cơ hội mở ra cho những DN biết chuẩn bị sẵn tinh thần. Khi gia nhập được các hiệp định thương mại, DN Việt Nam hoàn toàn có khả năng đẩy mạnh công tác đối ngoại để các nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Những xu thế dịch chuyển đầu tư của dòng vốn, sự nhất quán của định hướng chính sách khiến cho thị trường vốn năng động hơn, thị trường tài chính tốt hơn.
Từ cái nhìn lạc quan đó, không ít DN đã lên kế hoạch đi tắt đón đầu. Chẳng hạn, Saigon Co-op vẫn tiếp tục chiến lược mở rộng mạng lưới và đa dạng hóa các mô hình kinh doanh, phát triển các siêu thị mới ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh; đa dạng hóa mô hình kinh doanh sang Coop Food, tiếp tục phát triển mô hình Coop Extra, đưa vào mô hình kinh doanh khu phức hợp thương mại quy mô lớn vào hoạt động; tập trung cải tiến và nâng cấp hoạt động logistics…
Chúng tôi mong muốn dịch vụ logistics đáp ứng được cho hoạt động Coop Mart trên phạm vi cả nước và phục vụ một cách hiệu quả, kịp thời các quy mô kinh doanh khác nhau, bằng nhiều phương thức giao nhận khác nhau…
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T kiêm Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội:
Cần lực đẩy cho ổn định và phát triển
Năm 2014, tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn những khó khăn nhất định. Với chính sách điều hành của Chính phủ, chúng ta cũng đang từng bước ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát. Đặc biệt, giảm được lãi suất ngân hàng. Cách đây một năm, chúng ta không nghĩ rằng có thể làm được điều kỳ diệu là lãi suất ngân hàng đang từ 18% - 20%/năm giảm xuống còn 7% - 9%/năm.
Thêm nữa, chúng ta đã duy trì tỷ giá ổn định. Các năm trước, nhập siêu lớn và thị trường ngoại hối nhiều thời điểm có tình trạng khan hiếm ngoại tệ. Còn hiện nay, cán cân thương mại tương đối cân bằng với xuất khẩu tăng khá. Đấy là yếu tố rất quan trọng thúc đẩy nền kinh tế, hỗ trợ cho các DN, đặc biệt là các DNNVV, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh.
Qua phản ánh của các DN, quá trình tiến hành các thủ tục hành chính để phát triển sản xuất kinh doanh, hay các dự án đầu tư cần được xúc tiến nhanh hơn. Công chức của các sở, ban, ngành đã bắt tay vào cuộc nhằm quyết tâm tháo gỡ, giải quyết nhanh vướng mắc của DN. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức vẫn chưa thực sự quan tâm và trân trọng DN, doanh nhân. Còn một số cơ chế, chính sách, văn bản dưới luật chồng chéo, gây ra những ách tắc, mà để giải quyết DN gặp phải khó khăn.
Chúng ta phải có một cơ chế rà soát, chỉnh sửa để tránh gây phiền hà, lãng phí cho DN. Nhưng, tháo gỡ khó khăn cho các DN không thể là một ngày, hai ngày, hay một tháng, hai tháng mà phải trong hai năm tới. Nhưng chúng ta đang đi vào đà ổn định, tạo điều kiện cho sự phát triển năm sau và các năm tiếp theo…
Ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10:
Dệt may kỳ vọng ở TPP
Trong số các nước ASEAN, chỉ có một số nước có năng lực sản xuất dệt may lớn là Việt Nam, Indonesia, Campuchia và gần đây là Myanmar. Tuy nhiên, Myanmar sẽ còn phải mất một thời gian nữa để mở cửa tuyệt đối thị trường của mình và nâng cao năng lực sản xuất dệt may. Việt Nam đã phát triển ngành này gần 30 năm qua, nhiều DN đã sở hữu một năng lực sản xuất rất lớn ngay trên sân nhà, sở hữu công nghệ sản xuất hiện đại, đội ngũ thiết kế có nhiều sáng tạo, đội ngũ công nhân lành nghề…
Tại Việt Nam, Tổng công ty May 10 (May 10) là một trong những DN xuất khẩu may mặc ra nhiều nước trên thế giới, trong đó tập trung vào 3 thị trường chính là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Việt Nam và Nhật Bản đã ký Hiệp định thương mại song phương nên các DN nhập khẩu của May 10 được hưởng ưu đãi về thuế quan. May 10 hiện đang sản xuất khoảng 1,1 triệu sản phẩm/tháng để xuất khẩu vào Nhật Bản khoảng 200 ngàn sản phẩm.
Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu của May 10 vào thị trường châu Âu và thị trường Mỹ chiếm tới 80% tổng sản lượng xuất khẩu: thị trường Mỹ khoảng 600 ngàn sản phẩm, châu Âu khoảng 300 ngàn sản phẩm. Vì chưa ký Hiệp định thương mại song phương hay bị giới hạn về hạn ngạch với một số đối tác nên các nhà nhập khẩu của May 10 vẫn chưa được hưởng ưu đãi thuế quan. Do đó, khi May 10 xuất khẩu vào những nước chưa có Hiệp định thương mại thì những nhà nhập khẩu luôn phải trả giá cao hơn.
Đối với các nhà xuất khẩu như May 10, hoặc các DN dệt may khác của Việt Nam, do không được hưởng ưu đãi thuế quan như các DN Campuchia, Bangladesh. Hai nước này đang được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan vào Mỹ và châu Âu, vô hình trung khi so sánh mặt bằng giá xuất khẩu FOB tuy bằng nhau nhưng thực tế thì DN Campuchia và Bangladesh lại có lợi thế hơn. Bởi các nhà nhập khẩu của họ không phải trả thuế nhập khẩu.
Chúng tôi hy vọng, với sự nỗ lực của Bộ Công Thương và với quyết tâm của Chính phủ các nước thì các vòng đàm phán cuối cùng của Hiệp định TPP sẽ sớm kết thúc, đi vào hiệu lực sớm nhất có thể để các DN Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này tăng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường chủ lực. |
Nhóm PV
Thời báo ngân hàng
|