CSM: Nhà máy lốp radian toàn thép đúng tiến độ, kỳ vọng tiếp tục lạc quan?
Doanh thu của CSM kỳ vọng tiếp tục có chuyển biến lạc quan vì nhiều khả năng nhà máy lốp radian toàn thép tại Bình Dương hoàn thành đúng tiến độ và tiến hành sản xuất vào quý 04/2013.
Giá cổ phiếu CSM tăng hơn 80% kể từ đầu năm
Giá cổ phiếu của CTCP CN Cao Su Miền Nam (HOSE: CSM) từ đầu năm đến nay tính theo giá điều chỉnh đã tăng mạnh từ 19,800 đồng lên đến 35,900 đồng/cp (26/07), tương ứng với mức sinh lợi hơn 81%.
Khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của CSM trong giai đoạn này đạt 899,910 đơn vị, tăng gấp 1.4 lần với khối lượng trung bình trong 52 tuần ở mức 666,656 đơn vị.
Mới đây, CSM cũng đã được bổ sung vào rổ tính của cả hai chỉ số thuộc FTSE Vietnam Index Series là FTSE Vietnam Index và FTSE Vietnam All-Share Index trong lần đảo danh mục ngày 07/06. Thanh khoản của CSM vì vậy dự kiến sẽ được cải thiện đáng kể trong thời gian sắp tới.
Biểu đồ giá và khối lượng của CSM từ ngày 02/01 - 26/07/2013
|
Theo BCTC công bố mới đây, doanh thu quý 2/2013 của CSM đạt 826 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt gần 100 tỷ đồng, tăng mạnh 42% so với quý 2/2012.
Như vậy, tính tổng cộng 6 tháng đầu năm 2013, doanh thu của CSM đã đạt 1,527.5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 168.6 tỷ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2013 là 275 tỷ đồng, thì lợi nhuận trong 2 quý đầu năm đạt 61% chỉ tiêu cả năm.
Theo giải trình, nguyên nhân chủ yếu giúp CSM có được lợi nhuận sau thuế tăng mạnh là nhờ giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và chi phí tài chính giảm mạnh. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính của CSM trong quý 2 này cũng gia tăng đóng góp nhờ vào lợi nhuận được chia từ Công ty Liên doanh Yokohama và Công ty Cổ Phần Cao Su Phước Hòa (HOSE: PHR).
Nhà máy lốp radian toàn thép đúng tiến độ, triển vọng kinh doanh tiếp tục lạc quan
Lốp radian toàn thép đang chiếm lĩnh đại đa số tại các thị trường phát triển, phần lớn các nước đang phát triển, khoảng 10% ở Việt Nam và đang dần tăng lên. Hiện tại, hầu như lốp xe radian toàn thép tại Việt Nam phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài. Do đó, việc hoàn thành nhà máy sản xuất radian toàn thép tại Bình Dương sẽ giúp CSM có cơ hội lấy lại thị phần từ các doanh nghiệp nước ngoài nhờ lợi thế giá thành thấp.
Việc xây dựng nhà máy này được thực hiện qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, triển khai từ tháng 03/2012 đến cuối năm 2013 với công suất 350,000 lốp xe/năm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Giai đoạn 2, triển khai từ cuối năm 2013 đến cuối năm 2015, nâng công suất sản xuất lên 600,000 lốp xe/năm. Giai đoạn 3, triển khai từ cuối năm 2015 đến năm 2017, nâng công suất sản xuất lên 1 triệu lốp xe/năm.
Với việc đầu tư xây dựng nhà máy lốp ôtô radian toàn thép này, theo dự kiến của CSM, khi hoàn thành sẽ tạo thêm doanh thu hàng năm gần 5,000 tỷ đồng.
Theo BCTN năm 2012, dự kiến đầu quý 02/2013 CSM sẽ hoàn thành việc xây dựng, cuối quý 03/2012 hoàn thành việc lắp đặt và sẽ tiến hành sản xuất thương mại vào quý 04/2013.
Tính đến cuối quý 2/2013, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của dự án lốp radian toàn thép đạt 597.3 tỷ đồng. So với mức phân bổ đầu tư theo giai đoạn 1 ở hạng mục xây dựng là 561 tỷ đồng thì tiến độ dự án đã theo đúng kế hoạch CSM đặt ra.
Như vậy, rất nhiều khả năng CSM sẽ hoàn thành nhà máy này theo đúng tiến độ và tiến hành sản xuất vào quý 04/2013. Do đó, doanh thu của CSM sẽ có chuyển biến lạc quan và sẽ là cơ hội đầu tư tốt cho việc nắm giữ cổ phiếu cho dài hạn.
Lãi suất cho vay giảm, bớt chi phí tài chính góp phần gia tăng lợi nhuận
Hiện tại, CSM đang dùng đòn bẩy tài chính khá cao khi công ty này đang cần vốn để đầu tư vào những dự án có vốn đầu tư khá lớn để nâng cao năng lực sản xuất săm lốp. Điển hình nhất là dự án nhà máy radian toàn thép Bình Dương với số vốn đầu tư lên đến 3,380 tỷ đồng (160 triệu USD). Theo bản cáo bạch phát hành thêm năm 2012, dự án sẽ huy động 30% nguồn vốn tự có, 70% còn lại sẽ đi vay các ngân hàng thương mại.
Theo BCTC quý 2/2013, tỷ lệ nợ/tổng tài sản của CSM đang ở mức 51%, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đạt 1.05 lần. Việc lãi suất huy động và cho vay đang được các ngân hàng hạ xuống mức thấp sẽ giúp CSM giảm bớt chi phí lãi vay và góp phần gia tăng lợi nhuận trong thời gian tới.
Rủi ro tỷ giá có ảnh hưởng?
Nguyên vật liệu chính dùng để sản xuất sản phẩm của CSM bao gồm cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp, vải mành, than đen, thép tanh và hóa chất các loại.
Trong các loại nguyên vật liệu này thì chỉ có cao su thiên nhiên là được thu mua trực tiếp trong nước. Các loại nguyên liệu còn lại, chiếm khoảng 65% trong tổng nguyên vật liệu sản xuất, phải nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này sẽ khiến chi phí giá vốn của CSM gia tăng đáng kể khi tỷ giá USD/VNĐ có xu hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, theo BCTC năm 2012, CSM đang có khoản nợ vay dài hạn khoảng 2.6 triệu USD. Do đó, việc tăng tỷ giá cũng sẽ tác động đáng kể đến khoản lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá.
Tuy vậy, hiện doanh thu xuất khẩu săm lốp ra nước ngoài đang chiếm 25% tổng doanh thu của CSM. Do đó, việc nâng tỷ giá của NHNN lên 1% mới đây sẽ giúp cho CSM giảm bớt rủi ro tỷ giá.
Hữu Trọng
Infonet
|