Nữ CEO của Yahoo và bài học về đầu tư cho Việt Nam
Con thuyền Yahoo đã có những bước đi đúng đắn dưới thời CEO Marissa Mayer và những gì mà vị CEO này làm được còn là một bài học quan trọng về đầu tư.
Việc Yahoo trải thảm đỏ mời Marissa Mayer, một nữ kỹ sư đầu tiên của Google, một người đã từng có 13 năm kinh nghiệm với nhiều chức vụ khác nhau trong Google về làm CEO được đánh giá là một quyết định khá mạo hiểm vào thời điểm đó. Nhưng giờ đây, ý nghĩ đó đã hoàn toàn biến mất khi thấy những gì mà nữ CEO mới của Yahoo đã làm được, với việc xoay chuyển tình hình kinh doanh trì trệ của Yahoo, nâng giá cổ phiếu của Yahoo lên gần gấp đôi so với thời điểm tháng 7/2012, thời điểm Mayer chuẩn bị nhận chức CEO của Yahoo. Không những vậy, nữ CEO mới của Yahoo còn khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ khi chỉ trong vòng một năm cô đã thực hiện mua 16 công ty lớn, nhỏ khác nhau, có thể nói đây là một kỷ lục về mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
Khi nói đến Yahoo, chắc hẳn rất nhiều người và đặc biệt các bạn trẻ đều biết đến chat, tìm kiếm, blog… hay nói cách khác, những mảng dịch vụ mà Yahoo đang hướng đến chính là nền tảng Web và thiết bị di động. Và dưới thời nữ CEO này, Yahoo đã đi đúng còn đường của nó, tập trung vào phát triển các mảng chính như thiết bị di động, mạng xã hội, game, video, đây là những mảng quan trọng nếu công ty muốn cạnh tranh với đối thủ chính Google, Facebook, Bing,..
Ngoài ra, một chiến lược khác đó là mua lại các công ty khác cùng kinh doanh mảng dịch vụ mà Yahoo đang muốn hướng đến. Việc mua lại các công ty nhỏ hơn của Yahoo có hai tác dụng chính. Thứ nhất là tận dụng được nguồn nhân lực tại các công ty này, bởi lẽ những công ty này đều là những người trẻ có tham vọng chinh phục thử thách, đây là nguồn chất xám quan trọng mà bất cứ công ty nào cũng muốn, và việc chất xám ngày càng ra đi khỏi Yahoo là nguyên nhân không nhỏ khiến Yahoo ngày càng thụt lùi so với các đối thủ khác. Thứ hai chính là tận dụng những bằng sáng chế, những công nghệ mà các công ty này có để giúp hỗ trợ các mảng dịch vụ mà Yahoo đang phát triển. Bằng sáng chế là một thứ rất quan trọng đối với các công ty trong lĩnh vực công nghệ, nó quyết định sự tiến bộ của sản phẩm mang tính chất duy nhất, nghĩa là chỉ mình công ty sở hữu bằng sáng chế này được áp dụng. Chính hai điều này Yahoo đang thiếu và đã được bù đắp bằng việc mua bán, sáp nhập các công ty nhỏ hơn.
Như vậy, qua những việc mà nữ CEO này thực hiện để đưa con thuyền Yahoo quay lại với cuộc đua cùng Google, Bing, Facebook… đều tập trung vào một nguyên tắc đó là làm tốt chuyên môn của mình, tập trung vào những gì mình đang có chứ không đầu tư một cách lan man, đại trà. Đây chính là bài học của sự đầu tư mà các doanh nghiệp nước ta nên áp dụng trong bối cảnh hiện nay.
Bà Marissa Mayer
|
Đầu tư tràn lan, kém hiệu quả, đầu tư vì thấy lợi nhuận trước mắt nhưng không tính đến tương lai lâu dài là một căn bệnh đã có từ lâu trong nền kinh tế nước ta. Thời kỳ bùng nổ kinh tế 2006-2008, chứng khoán tăng nhà nhà đầu tư chứng khoán, BĐS tăng nhà nhà xây chung cư, người người bỏ tiền xây biệt thự vì lợi nhuận từ BĐS và chứng khoán mang lại thực sự quá lớn. Các doanh nghiệp dù kinh doanh ngành nghề nào cũng vậy, dù không có liên quan gì đến BĐS hay chứng khoán cũng đổ tiền đầu tư.
Khi khủng hoảng kinh tế nổ ra, lạm phát trong nước tăng cao khiến NHNN phải thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ và điều tất yếu là bong bóng chứng khoán và BĐS đều “nổ”. Không thể phủ nhận được mức lợi nhuận kinh khủng mà những đợt bong bóng mang lại nhưng rủi ro đi theo nó là quá cao. Và dư âm của việc đầu tư này đến thời điểm hiện nay vẫn chưa chấm dứt, vẫn còn không ít doanh nghiệp gặp khốn đốn khi đã trót đầu tư quá nhiều vào BĐS và việc tái cơ cấu gặp rất nhiều khó khăn.
Không thể không kể đến yếu tố kinh tế suy thoái là một trong các nguyên nhân khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn để tồn tại nhưng cái quan trọng ở đây chính là bài toán đầu tư của doanh nghiệp. Bài học của Tập đoàn Mai Linh (MLG) và sự phát triển của Vinamilk (VNM) là hai minh chứng cho việc đầu tư giàn trải và đầu tư một cách tập trung. Hướng đến đúng chuyên môn và làm tốt nó là yếu tố để đưa một doanh nghiệp đến với thành công.
Rồi đến lĩnh vực nông nghiệp, khi mà người dân chạy theo xu hướng trồng – chặt – trồng – chặt. Cây nào lợi nhuận cao thì trồng, đến khi cung vượt quá cầu, giá giảm thì lại chặt, cứ như vậy hỏi sao người dân không khổ. Tham lợi trước mắt mà quên đi tương lai sau này là căn nguyên của mọi chuyện. Nếu tập trung vào đúng chuyên môn, giữ nguồn cung ổn định không đột biến thì giá cả cũng từ đó ổn định. Thay vì điệp khúc trồng cây gì, nuôi con gì để giàu nhanh thì thay vào đó hãy xác định được giống cây đặc thù từng địa phương để phát triển. Tương lai tự khắc sẽ được đảm bảo.
Rồi cũng vì tham lợi trước mắt mà bị thương lái nước ngoài làm giá, ép giá. Lúc đầu giá thấp, họ đẩy giá ảo khiến dân mình tham lợi mà thi nhau làm rồi cuối cùng thì chính dân mình lại đi mua lại của mình. Phần lợi lộc đâu có được đến tay người dân. Từ trái dừa, vải thiều, dưa hấu, đến nhưng củ sắn non, lá vải… bài học rất nhiều nhưng đâu vẫn hoàn đấy!
Đào Minh Tuấn
Infonet
|