Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: HLA - CTCP Hữu Liên Á Châu
Theo Phòng Nghiên cứu Vietstock, do cổ phiếu này đang trong quá trình tiếp cận lại vùng đáy trung hạn nên việc mua vào khi giá đến gần ngưỡng hỗ trợ 5,700 – 6,000 đang được ủng hộ khi mà rủi ro đang ngày càng giảm dần.
TÍN HIỆU KỸ THUẬT QUAN TRỌNG
Dài hạn: Ngưỡng hỗ trợ trung hạn sắp được test. Ngưỡng hỗ trợ Fibonacci Retracement 50.0% đã chống đỡ thành công cho giá cổ phiếu CTCP Hữu Liên Á Châu (HOSE: HLA) đến 4 lần chỉ trong vòng 6 tháng qua. Điều này cho thấy khả năng chống đỡ của ngưỡng này là rất lớn.
Mặt khác, việc xuất hiện rất nhiều mẫu hình nến có bóng mờ (shadow) dài khi giá tiếp cận ngưỡng này cũng cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư.
Ngắn hạn: Phân kỳ của Relative Strength Index đang hình thành. Chỉ báo Relative Strength Index đang trong quá trình hình thành phân kỳ giá lên giá.
Đây là dạng phân kỳ hình thành trong vùng thấp và thời gian kéo dài lâu nên độ tin cậy là khá cao. Mặt khác, việc thanh khoản tăng ổn định trở lại cũng giúp cho khả năng giảm sâu yếu đi.
Các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự đáng chú ý xác định theo Fibonacci:
- Ngưỡng 0% : 3,900
- Ngưỡng 23.6% : 4,300
- Ngưỡng 38.2% : 4,500
- Ngưỡng 50.0% : 4,700
- Ngưỡng 61.8% : 4,900
- Ngưỡng 100.0%: 5,500
Chiến lược trading: Do cổ phiếu này đang trong quá trình tiếp cận lại vùng đáy trung hạn nên việc mua vào khi giá đến gần ngưỡng hỗ trợ Fibonacci Retracement 50.0% (tương đương vùng 5,700 – 6,000) đang được ủng hộ khi mà rủi ro đang ngày càng giảm dần.
MỘT SỐ THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý
Kết quả kinh doanh 6T/2013 cải thiện nhưng chưa hẳn tích cực. Doanh thu 6 tháng đầu năm tài chính 2013 (từ 01/10/2012 đến 31/3/2013) của HLA đạt 2,002 tỷ đồng, giảm 13.8% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, lợi nhuận gộp của HLA vẫn tăng 4.9% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 121.9 tỷ đồng nhờ tỷ lệ lợi nhuận gộp cải thiện từ 5% vào 6T/2012 lên 6.08%.
Các khoản chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp trong 6T/2013 đều được cắt giảm đáng kể, giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của HLA chỉ lỗ 5.2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ con số này lên đến 57.2 tỷ đồng.
Lợi nhuận khác đạt 13.3 tỷ đồng đã giúp lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt hơn 6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ đến 42.2 tỷ đồng.
Rủi ro từ khả năng thanh toán. Tổng giá trị tài sản ngắn hạn đến ngày 31/03/2013 của HLA là 1,775 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào khoản phải thu 779 tỷ đồng và hàng tồn kho 902 tỷ đồng.
Khoản phải thu được quản lý tốt hơn. HLA đẩy mạnh việc quản lý khoản phải thu trong thời gian qua. Cụ thể, khoản phải thu khách hàng đã giảm nhanh từ gần 977 tỷ đồng cuối quý 4/2012 (31/09/2012) xuống còn 683.5 tỷ đồng trong Q2/2013 (31/03/2013).
Tuy nhiên, hàng tồn kho lại liên tục gia tăng. Theo đó, hàng tồn kho của HLA đã tăng từ 615 tỷ đồng trong Q4/2012 lên 902 tỷ đồng vào cuối quý 2/2013.
Trong khi đó, nợ ngắn hạn phải trả của HLA là gần 1,709 tỷ đồng, bao gồm nợ vay phải trả lãi chiếm chủ đạo với 1,172 tỷ đồng.
Việc hàng tồn kho liên tục đứng ở mức cao khiến rủi ro về thanh toán nhanh của HLA gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, việc hàng tồn kho gia tăng cũng khiến cho áp lực trả lãi vay và nợ gốc đè nặng lên kết quả hoạt động. Điểm tích cực là lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm đáng kể trong thời gian qua giúp giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực này.
Cải thiện cấu trúc nợ vay phải trả lãi, dù chưa đáng kể. Tổng nợ vay phải trả lãi của HLA tại ngày 31/03/2013 là 1,295 tỷ đồng. So với thời điểm 31/12/2012, khoản nợ vay này đã giảm 3.5% và tỷ lệ nợ/tổng nguồn vốn đã giảm từ 58.3% xuống 55.7%.
Mặc dù tỷ lệ sử dụng nợ vay của HLA vẫn duy trì khá cao so với mặt bằng chung của ngành, nhưng việc HLA cải thiện cơ cấu sử dụng nợ trong thời gian qua là dấu hiệu khá tích cực. Bên cạnh đó, lãi vay tiếp tục được điều chỉnh giảm đang mang đến cơ hội cho HLA tiếp tục cải thiện kết quả kinh doanh.
Tỷ giá USD/VNĐ tăng 1%. Việc tỷ giá USD/VNĐ vừa được điều chỉnh tăng thêm 1% chắc chắn sẽ tác động tiêu cực lên: (1) Giá vốn hàng bán của HLA trong thời gian tới, đặc biệt là khi sức mua vẫn đang yếu và việc tăng giá bán sẽ tác động không nhỏ lên khả năng tiêu thụ. (2) Gia tăng khoản lỗ chênh lệch tỷ giá từ các khoản vay bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, mức độ tác động của yếu tố này sẽ ít hơn khi: (i) HLA có doanh thu từ xuất khẩu sang thị trường Myanmar, và (ii) Các khoản nợ ngắn hạn có gốc ngoại tệ chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong tổng nợ phải trả. Tính đến 31/03/2013, các khoản vay phải trả lãi có gốc ngoại tệ của HLA hơn 264.4 tỷ đồng, các khoản phải trả người bán và người mua trả tiền trước có gốc ngoại tệ là gần 131.1 tỷ đồng.
Điểm tích cực là khoản mục hàng tồn kho của HLA từ 31/03/2013 sẽ gia tăng đáng kể giá trị khi định giá lại.
Kỳ vọng từ thị trường Myanmar. HLA hiện đang dẫn đầu thị trường ống thép tại Myanmar. Việc Myanmar đang trong quá trình đẩy mạnh phát triển, thu hút đầu tư đặc biệt là thị trường bất động sản, là cơ hội giúp HLA cải thiện doanh thu xuất khẩu trong thời gian tới.
Chỉ số định giá cơ bản. Hiện cổ phiếu HLA đang giao dịch ở mức P/E trailing 2.95 lần và P/B chỉ 0.44 lần.
Minh Hằng ghi
infonet
|