Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: FLC - CTCP Tập Đoàn FLC
Theo Phòng Nghiên cứu Vietstock, do cổ phiếu này đang trong quá trình tiếp cận lại vùng đáy trung hạn 5,500 – 6,200 nên việc mua vào khi giá đến gần vùng này đang được ủng hộ do nó cũng trùng khớp với ngưỡng hỗ trợ Fibonacci Retracement 61.8%.
TÍN HIỆU KỸ THUẬT QUAN TRỌNG
Dài hạn: Hình thành kênh giá dài hạn. Kênh này bắt nguồn từ đợt tăng trưởng khá mạnh xuất hiện vào đầu tháng 10/2012. Cận dưới của kênh được xác định là vùng 5,500 – 6,200. Vùng này đã được test hơn 5 lần trong vòng 10 tháng qua và đều thành công. Mặt khác, nó cũng trùng khớp với ngưỡng hỗ trợ Fibonacci Retracement 61.8% nên khả năng chống đỡ càng được nâng cao.
Cận trên của kênh giá là vùng 7,600 – 8,500. Đây là vùng đáy cũ (đã bị phá vỡ) của giai đoạn tháng 11/2011 với khối lượng tích lũy ở đây rất lớn. Trong vòng 10 tháng qua, giá cổ phiếu FLC cũng liên tục test lại vùng này thêm 4 lần nữa và đều không thể vượt qua được vùng kháng cự mạnh này. Theo đánh giá của giới phân tích kỹ thuật thì vùng này sẽ còn duy trì thêm một thời gian dài trước khi bị phá vỡ hoàn toàn.
Như vậy, với vùng cận trên và cận dưới hết sức vững chắc thì kênh giá dài hạn sẽ định hướng quỹ đạo dao động trong thời gian tới của FLC.
Ngắn hạn: Thanh khoản có đột biến. Việc thanh khoản tăng mạnh và duy trì ổn định trong khoảng 4 - 5 tuần gần đây cho thấy dòng tiền bắt đầu tập trung vào cổ phiếu này.
Mức độ giao dịch hiện nay của FLC gấp 2 – 3 lần nếu so sánh với 2 tháng trước. Đây được đánh giá là dấu hiệu tốt để cổ phiếu này có thể tạo đáy một cách vững chắc.
Nhóm momentum rơi xuống vùng thấp. Hầu hết các chỉ báo dao động quan trọng như Relative Strength Index, Stochastic Oscillator... đều rơi về gần vùng oversold. Điều này cho thấy rủi ro giảm điểm trong ngắn hạn là không quá lớn.
Giới phân tích đang kỳ vọng nhóm này hình thành phân kỳ giá lên (bullish divergence) hai đoạn với giá. Trong bối cảnh những cây nến xanh đỏ liên tục xuất hiện xen kẽ nhau thì dự kiến sẽ mất khá nhiều thời gian để tạo đáy ngắn hạn.
Các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự đáng chú ý xác định theo Fibonacci:
• Ngưỡng 0% : 8,600
• Ngưỡng 23.6% : 7,600
• Ngưỡng 38.2% : 7,000
• Ngưỡng 50.0% : 6,500
• Ngưỡng 61.8% : 6,000
• Ngưỡng 100.0%: 4,400
Chiến lược trading: Do cổ phiếu này đang trong quá trình tiếp cận lại vùng đáy trung hạn 5,500 – 6,200 nên việc mua vào khi giá đến gần vùng này đang được ủng hộ do nó cũng trùng khớp với ngưỡng hỗ trợ Fibonacci Retracement 61.8%. Tuy nhiên, cần lưu ý cắt lỗ nhanh chóng khi mức 5,500 bị thủng vì khi đó giá rất dễ điều chỉnh về đáy cũ 4,400.
MỘT SỐ THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý
KQKD quý 1/2013 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa thực sự khả quan. Kết thúc quý 1/2013, FLC đạt 212 tỷ đồng doanh thu tăng 6.2% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt gần 1.3 tỷ đồng nhưng vẫn tăng hơn gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Việc lợi nhuận sau thuế của FLC đạt thấp chủ yếu do giá vốn hàng bán của FLC tăng cao khiến cho lợi nhuận gộp của FLC chỉ còn 3.6 tỷ đồng.
Doanh thu sản phẩm và hàng hoá của FLC đạt 208 tỷ đồng, đến chủ yếu từ việc tiếp tục hạch toán doanh thu từ dự án FLC Landmark Tower và kinh doanh vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, chi phí giá vốn tăng cao khiến cho lợi nhuận gộp của hoạt động này chỉ có vỏn vẹn 2 tỷ đồng.
Doanh thu cung cấp dịch vụ chỉ đạt 3.7 tỷ nhưng đóng góp đến 1.6 tỷ đồng vào lợi nhuận gộp
Các khoản mục tài sản đáng chú ý tại cuối quý 1/2013 có:
• Khoản đầu tư ngắn hạn tính đến cuối quý 1/2013 là gần 694.5 tỷ đồng, đây là những khoản uỷ thác đầu tư của FLC. Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2012, khoản uỷ thác đầu tư lớn nhất của FLC là vào Công ty TNHH BĐS SGInvest với tổng giá trị gần 641 tỷ đồng. Rất có thể, FLC đã chuyển nhượng khoản đầu tư này trong thời gian qua. (Xem thêm thông tin chi tiết tại đây )
• Bất động sản đầu tư với tổng giá trị gần 374 tỷ đồng, đây là giá trị của toà nhà Landmark Tower.
• Chi phí xây dựng cơ bản dở dang 189 tỷ đồng, trong đó Chi phí xây dựng dở dang lớn nhất là dự án Landmark Tower với 106 tỷ đồng, Dự án Bãi đỗ xe thông minh với 47.2 tỷ đồng và dự án Biệt thự Mỹ Đình 2 với 35.4 tỷ đồng.
Áp lực nợ vay phải trả lãi thấp: Tính đến hết quý 1/2013, tổng nợ phải trả lãi vay (ngắn hạn + dài hạn) của FLC chỉ có 283 tỷ đồng, khá thấp so với tổng nguồn vốn của FLC với gần 1,982 tỷ đồng. Tổng tài sản ngắn hạn của FLC là 1,155 tỷ đồng, trong khi nợ ngắn hạn phải trả chỉ có gần 594 tỷ đồng.
Kế hoạch năm 2013: Năm 2013, FLC đặt kế hoạch doanh thu đạt 1,784 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 115 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 92 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh quý 1 đã công bố, FLC mới chỉ hoàn thành 12% kế hoạch doanh thu năm 2013 và 1.4% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2013.
Ông Lê Đình Vinh, Phó Chủ tịch HĐQT cho biết, lợi nhuận trước thuế ước tính trong quý 2 có thể đạt 25 tỷ đồng. Đây là con số khả quan hơn nhiều so với kết quả kinh doanh quý 1/2013; tuy nhiên vẫn còn xa so với kế hoạch cả năm.
Chuyển sang niêm yết trên HOSE để nâng cao hình ảnh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài? FLC đang trong quá trình xin phép chuyển sàn giao dịch từ HNX sang HOSE, và được xem là một trong những động lực thu hút sự chú ý ở cổ phiếu này trong thời gian qua. Việc FLC đang ký chuyển sàn có thể xuất phát từ: (1) Nâng cao hình ảnh công ty ty trong mắt giới đầu tư. (2) Dễ dàng hơn trong việc thu hút nguồn vốn, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Được biết FLC cũng đang trong quá trình tìm đối tác nước ngoài để huy động vốn.
Việc phát hành thêm cổ phiếu có thể gặp khó khăn: ĐHCĐ của FLC đã thông qua phương án phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 với giá phát hành 10,000 đ/cp.
Dự kiến số tiền thu được từ đợt phát hành trên sẽ được đầu tư cho 2 dự án chính là: Dự án Nhà máy sản xuất bao bì carton với tổng vốn đầu tư dự kiến 300 tỷ đồng và dự án sân golf – resot, khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí cao cấp Hồ Cẩm Quỳ với tổng vốn đầu tư dự kiến 471.8 tỷ đồng.
Hiện giá cổ phiếu FLC giao dịch trên sàn thấp hơn nhiều so với giá dự kiến phát hành, và có thể việc phát hành tăng vốn sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Giao dịch của cổ đông lớn thu hút sự chú ý: Trong thời giai qua, FLC liên tục đón nhận thông tin giao dịch mua bán của các cổ đông lớn. Chẳng hạn như: Bà Đỗ Thị Giáp – Mẹ của Chủ tịch HĐQT đã bán hơn 7.5 triệu cổ phiếu; SSIAM đã mua gần 4 triệu cổ phiếu và tăng tỷ lệ nắm giữ lên 5.11%; Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT đã mua 10 triệu cổ phiếu, tương đương 12.96% vốn điều lệ...
Chỉ số định giá cơ bản. FLC là cổ phiếu mang tính đầu cơ cao độ trên HNX, với khối lượng giao dịch trung bình 52 tuần hơn 1.3 triệu đơn vị. FLC có giao dịch tăng cao đột biến kể từ giữa tháng 6 và hiện cổ phiếu này đang giao dịch ở mức P/E trailing 10.49 lần và P/B 0.44 lần.
(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)
Mỹ Hà ghi
infonet
|