Đà tăng của chứng khoán Việt Nam liệu có duy trì được lâu?
Theo Phòng Nghiên cứu Vietstock, thị trường chứng khoán đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan. Liệu đà tăng của thị trường có duy trì được lâu hay lại rơi vào tình trạng ”sớm nở chóng tàn”? Nhà đầu tư có nên bắt đáy?
1. Một số yếu tố ủng hộ cho đà tăng của TTCK Việt Nam
Tin xấu đã xuất hiện khá nhiều và bão hòa. Tại vùng đáy luôn tràn ngập tin xấu, đây là điều được hầu hết mọi người công nhận. Trong giai đoạn vừa qua, các phương tiện truyền thông cũng như các CTCK đã mổ xẻ, phân tích và phơi bày gần như tất cả những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam: đầu tư công kém hiệu quả, nguy cơ khủng hoảng ở thị trường bất động sản, nợ xấu ngân hàng gia tăng...
Tuy nhiên, nhà đầu tư đang bắt đầu có hiện tượng bão hòa với các thông tin dạng này, đặc biệt là sau việc NHNN điều chỉnh tỷ giá vào cuối tháng 06/2013.
Mặt khác, sự dịch chuyển của thị trường chứng khoán dựa trên kỳ vọng của giới đầu tư. Sự kỳ vọng này thường có xu hướng chạy trước tình trạng thực tế của nền kinh tế; nên trong nhiều trường hợp mặc dù kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn xấu nhưng lực cầu của thị trường vẫn gia tăng mạnh và tạo thành một lực đỡ bên dưới cho giá cổ phiếu.
Ngoài ra, khi hàng loạt tin xấu đã được công bố thì nếu tương lai không thể diễn biến xấu hơn hiện tại được nữa thì có thể sẽ dẫn đến hành động mua vào của một bộ phận nhà đầu tư trên thị trường.
Lãi suất liên tục giảm mạnh. Trong chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước, lãi suất được sử dụng như một công cụ quan trọng để tác động vào nền kinh tế. Lãi suất phản ánh mối quan hệ cung cầu về tiền tệ và ảnh hưởng đến hầu hết các thực thể hoạt động trong nền kinh tế. Vì vậy, sự dao động của lãi suất ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định của cá nhân, doanh nghiệp cũng như hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trong những tháng gần đây, nhiều ngân hàng thương mại đã quyết định hạ lãi suất tiền đồng khá mạnh mẽ (điển hình là Vietcombank và Agribank). Mặc dù việc hạ lãi suất vẫn còn dè dặt và chưa triệt để nhưng có thể được coi là một tín hiệu nhen nhóm cho một giai đoạn mới dễ thở hơn đối với các doanh nghiệp. Điều này sẽ phần nào giúp cho thị trường nhanh chóng đi vào giai đoạn phục hồi hơn.
Yếu tố chu kỳ hàng năm. Ở các thị trường mới nổi nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng thì giai đoạn tháng 7 - tháng 8 thường là tháng tích lũy và tạo đáy. Về mặt cơ bản, cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 trong những năm gần đây thường xuất hiện sóng phục hồi sau khi thị trường đã giảm khá sâu.
Trong 10 năm gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đều tạo đáy và phục hồi khá mạnh trong giai đoạn này, và giới đầu tư có xu hướng bắt đầu quay trở lại thị trường.
2. Những yếu tố cần thiết để TTCK duy trì đà tăng
Mặc dù có khá nhiều yếu tố đang ủng hộ cho việc tăng trưởng nhưng theo giới phân tích thì sẽ cần thêm một số yếu tố như sau để có thể xác nhận thị trường đã thực sự đi vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng.
Thanh khoản đạt đáy và hồi phục trở lại. Thanh khoản phản ánh mức độ quan tâm của giới đầu tư đến thị trường và vì vậy, dựa vào biến động của thanh khoản, chúng ta có thể biết được phần nào tâm lý của nhà đầu tư.
Lực mua mạnh dần lên trong những phiên gần đây có thể coi là một trong những tín hiệu về khả năng tăng trưởng đang được nâng cao dần. Tuy nhiên, điều này cần được duy trì trong một thời gian tương đối lâu mới có thể tạo ra được bước chuyển biến rõ nét của thị trường vì quá trình hình thành đáy thường lâu và kéo dài hơn đỉnh.
Giới phân tích kỹ thuật cho rằng khối lượng khớp lệnh cần duy trì trên mức 40 triệu đơn vị/phiên đối với HOSE và 25 triệu đơn vị/phiên đối với HNX để củng cố đà tăng của thị trường.
Nhóm trend xác nhận xu hướng tăng trưởng. Trong 4 tuần gần đây, mặc dù có hồi phục nhưng VN-Index cũng như HNX-Index vẫn duy trì bên dưới nhóm MA ngắn hạn và trung hạn (SMA 20, SMA 50, SMA 100...). Đây chính là yếu tố gây lo ngại đối với giới đầu tư.
Vì vậy, để tâm lý nhà đầu tư bớt thận trọng và bi quan thì các chỉ số thị trường cần phải phá vỡ hoàn toàn nhóm MA ngắn hạn và trung hạn bên trên trong những tuần cuối tháng 7.
Khối ngoại quay trở lại mua ròng. Khi quan sát tương quan của VN-Index và hai chỉ số Khối lượng mua ròng của khối ngoại (NetVolForVN), Giá trị mua ròng của khối ngoại (NetValForVN), có thể thấy sau một giai đoạn bán ròng liên tục từ giữa tháng 04/2013, khối ngoại đã bắt đầu quay trở lại vị thế mua ròng.
Nếu tình trạng trên tiếp tục được duy trì thì khả năng tăng trưởng mạnh và bền vững của thị trường sẽ được nâng cao.
Kết luận: Việc xác định thời điểm chứng khoán sẽ thực sự bùng nổ là khó khả thi trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, có khá nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy thị trường có thể khởi sắc trở lại trong ngắn hạn và việc mua vào bắt đáy với một mức độ vừa phải là không quá rủi ro và sẽ giúp tránh bị mất cơ hội trong trường hợp bứt phá bất ngờ (thrust up).
Minh Hằng ghi
infonet
|