Chuyên gia nói gì về phiên “rơi tự do” 25/06?
Ngày 25/06, thị trường chứng kiến một phiên “lao dốc” thẳng đứng của chỉ số trên hai sàn. VN-Index có lúc về mức thấp tại 466.78 điểm, ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ sau sự kiện “Bầu Kiên” hôm 21/08.
* Nhịp đập Thị trường 25/06: Giải chấp?
Tuy nhiên, theo ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia thì phiên giảm điểm mạnh này phần nào do phản ứng thái quá của giới đầu tư trong nước khi đồng loạt bán ra. Theo đó, một số ý kiến chuyên gia cho rằng nhà đầu tư (NĐT) có thể thực hiện “bắt đáy” vào thời điểm này.
Đánh giá về phiên giao dịch 25/06, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Tổng giám đốc CTCK Sen Vàng (GLS) cho rằng, áp lực bán tháo một phần đến từ việc các CTCK phải thực hiện bán số chứng khoán ký quỹ của NĐT trên tài khoản do không thực hiện lệnh gọi ký quỹ (margin call).
Việc chứng khoán thế giới như thị trường Châu Âu, Mỹ và Châu Á giảm mạnh đã tạo tâm lý khá bi quan lên thị trường trong hai phiên giao dịch 24 và 25/06.
Thêm vào đó, động thái bán của quỹ ETF vẫn còn là trở ngại lớn để NĐT trong nước muốn tham gia thị trường.
Theo tổng giám đốc của GLS, vùng hỗ trợ 470 điểm được kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường có sự hồi phục nhẹ trở lại. Tuy nhiên cần quan sát thêm các yếu tố vĩ mô trong nước, xu hướng TTCK Mỹ, Châu Á…Ngoài ra, NĐT nên thận trọng đứng ngoài quan sát vào thời điểm này. Nếu muốn tham thị trường thì phải đợi kết quả kinh doanh trong quý 2 của các doanh nghiệp. Và nếu mua cổ phiếu thì phải sử dụng tiền thật, không nên sử dụng margin vào lúc này. Đầu tư cổ phiếu cũng cần xem xét ở mức lâu dài hơn, có thể từ 3 đến 6 tháng thay vì lướt sóng như hiện nay.
Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc môi giới của CTCK MHB (MHBS) cho rằng có ba đặc điểm đáng chú ý. Thứ nhất là lực bắt đáy xuất hiện vào cuối phiên đã giúp VN-Index giới hạn được mức sụt giảm (mức thấp nhất tại 466.78 điểm). Thứ hai là động thái bán ròng của khối ngoại trong phiên giao dịch đã làm ảnh hưởng phần nào lên thị trường và tâm lý NĐT trong nước. Cuối cùng là tâm lý bi quan của giới đầu tư trước viễn cảnh thị trường chứng khoán Trung Quốc suy yếu, chứng khoán Mỹ và Châu Á giảm mạnh.
Theo ông Lân, nguy cơ lớn nhất trong phiên giao dịch hôm nay chính là áp lực rút vốn từ động thái của ETF. Theo đó, NĐT ngoại bán chứng chỉ quỹ cho ETF và buộc quỹ này bán lại cổ phiếu trong nước.
“Có thể nhận thấy thị trường đang bước vào một giai đoạn mới khi mà xu hướng tăng điểm từ đầu tháng 5 của VN-Index (từ quanh 460 lên 530 điểm) cho dấu hiệu kết thúc”, ông Lân nói thêm.
Ông Lân cho rằng NĐT hoàn toàn có thể xem xét mua cổ phiếu vào thời điểm này. Cụ thể, đối với NĐT đang nắm cổ phiếu cơ bản tốt thì vẫn giữ trạng thái và không nên bán ra. Ngược lại, có thể xem xét mua bình quân giá xuống và thực hiện giao dịch theo kiểu intraday (giao dịch trong ngày).
Ông Phạm Anh Tú, Phó Giám đốc Khối tư vấn Đầu tư CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS) cũng khuyến nghị NĐT có thể bắt đầu giải ngân ở thời điểm này, tuy nhiên lưu ý là không nên dùng margin hay mua những cổ phiếu có tính đầu cơ cao.
"Không nên quá lo ngại về động thái bán ròng của ETF khi mà thị trường đã xem như điều chỉnh đủ và có thể sớm hồi phục trở lại", ông Tú nhấn mạnh.
Ngoài yếu tố ảnh hưởng bởi TTCK thế giới giảm sâu tác động mạnh lên tâm lý NĐT trong nước, ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK Đầu tư Việt Nam (HNX: IVS) còn cho rằng thị trường còn chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi thông tin MSN phát hành gần 18 triệu cổ phiếu ESOP và thiếu thông tin vĩ mô hỗ trợ cho thị trường. Hiện tượng bán giải chấp cũng là một yếu tố khiến cho các cổ phiếu bị bán tháo hàng loạt.
Theo ông Bình, trong thời gian còn lại của tuần này, thị trường vẫn còn tiêu cực nhưng sẽ không còn giảm mạnh như hai phiên đầu tuần. NĐT lúc này nên đợi thị trường tìm được điểm cân bằng mới xem xét tham gia thị trường.
Có phần cùng chung quan điểm với ông Lân, ông Trần Minh Hoàng, chuyên viên phân tích của CTCK Ngân hàng Vietcombank (VCBS) nhìn nhận thị trường giảm điểm là do tác động mạnh của nước ngoài và diễn biến xấu của thị trường thế giới như chứng khoán Mỹ giảm điểm, Fed rút gói QE3.
Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng, tác động mạnh nhất là thông tin xấu từ Trung Quốc khiến cho dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ các quốc gia mới nổi sang các nước phát triển. Bên cạnh đó, thị trường tăng nóng trong khoảng thời gian trước cũng là một yếu tố tác động đến thị trường.
Về cơ bản, thị trường trong trung và dài hạn vẫn đang ở xu hướng tăng nhưng trong ngắn hạn, đặc biệt ở các phiên sắp tới thì chưa thể nói trước được điều gì. Cần xem xét lại giao dịch đến hết tuần mới có thể biết được xu hướng ngắn hạn của thị trường.
Sanh Tín thực hiện
INFONET
|