Góc nhìn 20 - 24/05: Chờ đợi?
Hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định đây là giai đoạn nhạy cảm, khó nắm bắt, do đó nhà đầu tư vẫn nên kiên nhẫn chờ đợi cơ hội thích hợp hơn và chỉ mở vị thế mua khi sự bứt phá các mức kháng cự diễn ra rõ ràng.
Đi ngang trong biên độ hẹp
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Phiên giao dịch cuối tuần thị trường giảm điểm nhẹ sau hai ngày hồi phục khá tốt, các cổ phiếu chủ chốt đều mất điểm còn lại một số ít duy trì được đà tăng do có thông tin tốt. Thanh khoản không thay đổi nhiều so với phiên trước đó và giữ ở mức trung bình, cùng với đó là diễn biến giao dịch cũng diễn ra khởi sắc ở một số thời điểm.
Chốt phiên hai chỉ số chính là VN-Index và HNX-Index đóng cửa giảm nhẹ và trong nhiều ngày qua vẫn chưa bứt ra khỏi ngưỡng kháng cự hiện tại. Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng lượng giao dịch trên thị trường, kéo theo giá trị mua ròng đạt 63.3 tỷ; tập trung ở một số cổ phiếu DPM, PPC, TLG, PVS.
Vẫn chưa có dấu hiệu trở lại mạnh mẽ của dòng tiền khi nhiều cổ phiếu đang thiếu đi động lực sau nhịp phục hồi vừa qua và áp lực bán giá xanh cũng khá lớn. Diễn biến thị trường trong thời gian gần đây là những phiên tăng giảm xen kẽ với thanh khoản trồi sụt theo từng phiên.
Sự phân hóa cổ phiếu diễn ra rõ rệt khi nhiều cổ phiếu chỉ biến động nhẹ, trong khi số ít còn lại tăng điểm nhờ có thông tin tốt hỗ trợ. Thị trường cần bứt phá ra khỏi ngưỡng cản hiện tại đang gây khó khăn cho chỉ số VN-Index và HNX-Index, cùng với đó cũng cần phải có sự gia tăng của thanh khoản đánh dấu sự trở lại của dòng tiền.
Đây là giai đoạn nhạy cảm, khó nắm bắt khi chỉ số lên xuống khá thất thường và có dấu hiệu đi ngang trong biên độ hẹp vì vậy nhà đầu tư nên tham gia với một phần nhỏ danh mục của mình vào việc bắt đáy một số cổ phiếu đầu cơ nếu xuất hiện diễn biến giảm điểm mạnh trong phiên, bên cạnh đó theo dõi thêm về yếu tố thanh khoản và động thái của nhà đầu tư nước ngoài để ra quyết định cụ thể.
Chưa phải là thời điểm để giải ngân
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Có thể thấy đối tượng của gói 30 nghìn tỷ tập trung vào nhóm nhà ở xã hội và nhà giá rẻ, do đó không phải công ty bất động sản nào trên sàn cũng được hưởng lợi. Bên cạnh đó, hiệu quả cụ thể của việc thực thi gói hỗ trợ vẫn còn là ẩn số.
Hiện tại, mức 490 và 61 điểm được đánh giá là ngưỡng kháng cự mạnh của VN-Index và HNX-Index, tuần này cả 2 chỉ số có sự giằng co mạnh nhưng chưa thực sự vượt qua được các ngưỡng kháng cự trên. Xu hướng dài hạn của thị trường do đó vẫn chưa thoát khỏi xu thế của bước sóng giảm lớn.
Mặc dù các thông tin vĩ mô được đưa ra gần đây phần nào mang lại kỳ vọng về hướng chính sách nới lỏng tiền tệ và hỗ trợ thị trường bất động sản, mang tính chất có lợi cho thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, xét về tương quan chỉ số chứng khoán và nền kinh tế tại, thì khả năng bứt phá của thị trường tại vùng giá hiện tại (VN-Index 490 điểm) không hề dễ dàng nếu nền kinh tế vĩ mô không có những chuyển biến thực sự về chất. Cùng với những nhận định kỹ thuật trên, chúng tôi giữ quan điểm đây chưa phải là thời điểm để giải ngân.
Thận trọng
CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC): VCSC cho rằng trạng thái xu hướng sẽ được cải thiện trong tuần sau, nhưng chỉ báo tâm lý nhà đầu tư vẫn ở mức thấp dưới mức 20 cho thấy nhà đầu tư vẫn còn tỏ ra rất thận trọng cho nên thị trường sẽ tiếp tục kiểm tra các mức kháng cự 491 – 494 của VN-Index và 61.0 của HNX-Index trong phiên đầu tuần.
VCSC tiếp tục tỏ ra thận trọng vì khả năng bứt phá các mức kháng cự mạnh được đánh giá thấp. Do đó, các nhà đầu tư vẫn nên duy trì trạng thái quan sát và chỉ mở vị thế mua khi sự bứt phá các mức kháng cự diễn ra rõ ràng.
Động lực mua yếu
CTCK Maybank KimEng (MBKE): Theo MBKE, trong thời gian vài tháng qua, thị trường phản ứng thờ ơ bất chấp các dữ liệu về lạm phát và lãi suất xuống thấp. Có lẽ trong ngắn hạn chỉ còn việc thành lập của Công ty Quản lý nợ xấu có thể là nhân tố tiềm ẩn có thể tác động tới thị trường cổ phiếu.
Về mặt kỹ thuật, MA 50 ngày vẫn đóng vai trò quan trọng đối với cả hai chỉ số. VN-Index vẫn đang đứng trên đường này, coi MA 50 ngày là hỗ trợ yếu gần nhất. Do đó, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu trong danh mục, nhưng chỉ nên duy trì với tỷ trọng thận trọng: động lực mua yếu và giá không tăng dẫn tới khó khăn để tìm được cơ hội lợi nhuận.
Chờ đợi
Công ty chứng khoán MB (MBS): Phiên ngày 17/05, hai chỉ số đều quay đầu giảm điểm sau khi đã chạm tới các mức kháng cự gần phiên trước. VN-Index và HN-Index tiếp tục hình thành các nến thân nhỏ và với khối lượng giao dịch duy trì ở mức thấp. Đây là diễn biến điển hình của xu thế đi ngang.
Hai chỉ số đang biến động trong biên độ khá hẹp nên sẽ khó có thể áp dụng chiến lược mua bán hiệu quả để kiếm lời. Do đó nhà đầu tư vẫn nên kiên nhẫn chờ đợi cơ hội thích hợp hơn.
Mùa báo cáo kinh doanh quý 1/2013 đã gần qua đi và hầu hết các doanh nghiệp đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2013 của mình. Theo MBS, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng vẫn tương đối ảm đạm khi hầu hết các doanh nghiệp trong ngành này có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ.
Lĩnh vực tài chính ngân hàng chưa thoát khỏi khó khăn khi nợ xấu và tăng trưởng tín dụng thấp đang đè nặng lên ngành này. Lĩnh vực cao su thiên nhiên, đường có sự suy giảm rất mạnh do giá bán sản phẩm hạ mạnh so với cùng kỳ và hàng tồn kho tăng.
Theo MBS, lĩnh vực hàng tiêu dùng vẫn tương đối khả quan, lĩnh vực dược phẩm ổn định, lĩnh vực sản xuất xăm lốp tăng trưởng khá. MBS đánh giá, thị trường hiện tại đã có sự chuyển biến đáng kể về quan điểm đầu tư khi các công ty kinh doanh tốt được ưa chuộng trong khi các cổ phiếu đầu cơ đang mất dần sự quan tâm của các nhà đầu tư.
MBS khuyến nghị các nhà đầu tư nên chú trọng hơn đến việc đánh giá triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp thay vì quá quan tâm đến dao động hàng ngày của thị trường.
Cung tăng mạnh
CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI): Chỉ số VN-Index giảm điểm trở lại vào phiên cuối tuần. Chốt phiên VN-Index giảm 2.74 điểm (-0.56%) về mốc 487.6 điểm với 89 mã tăng giá, 86 mã giữ tham chiếu và 74 mã giảm giá.
Tăng điểm vào đầu phiên lên mức cao nhất là 491.85 điểm, nhưng chỉ số không dừng lại lâu ở mức này mà giằng co khá mạnh và tụt điểm dần vào phiên giao dịch chiều. Cây nến ngày Black Candle giảm điểm và hình thành mẫu hình Tweezers Top. Giảm điểm với khối lượng giao dịch ở mức 43.12 triệu đơn vị, gần tương đương với khối lượng giao dịch của phiên trước ( High Volume DownBar after An Upmove on High Volume Indicates Weekness).
Kết thúc tuần giao dịch thứ 4 tăng điểm liên tiếp, chỉ số tăng nhẹ 1.5 điểm (0.31%) với cây nến tuần Bearish Spinning Top. Như vậy nhiều khả năng sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh vào tuần sau và cung có thể tăng mạnh hơn trong tuần tới. Nhà đầu tư lướt sóng giảm tỷ trọng cổ phiếu ở các phiên tăng điểm hồi phục trong tuần.
Sẽ hồi phục từ từ
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): VN-Index hình thành một vài con sóng khá ấn tượng trong tuần trước. Tuy nhiên, cả bên bán và bên mua đều không duy trì được áp lực, khiến chỉ số này vẫn chưa thế thoát ra khỏi vùng hẹp 483-490. Trong tuần này, VN-Index có thể tiếp tục xu thế đi ngang cho đến khi các breakout xảy ra.
Đáng chú ý là nhiều mã thành viên đã hình thành các tín hiệu tích cực. Sự hồi phục của các mã này có thể tiếp tục hỗ trợ cho chỉ số VN-Index. Do đó, ACBS hơi thiên về tình huống tích cực đối với VN-Index.
Ở bức tranh lớn hơn, ACBS duy trì quan điểm lạc quan với VN-Index. Nhiều khả năng vùng hỗ trợ 460-466 sẽ đứng vững và chỉ số này sẽ quay lại đỉnh 518. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra trong một vài tuần tới khi mà các mã vốn hóa lớn như GAS và VNM cho thấy dấu hiệu đuối sức.
Với việc không hình thành breakout nào trong tuần trước, HN-Index có thể tiếp tục dao động trong vùng hẹp 59.6-61 trong tuần này.
ACBS tiếp tục duy trì quan điểm lạc quan với HN-Index. Khả năng chỉ số này giảm sâu hơn đáy vừa qua ở 57.5 là khó xảy ra. Thay vào đó, HN-Index có thể hồi phục về kháng cự 63.3 hoặc xa hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, do sự ảnh hưởng qua lại của hai chỉ số, ACBS cho rằng HN-Index sẽ hồi phục từ từ như VN-Index.
Đan Thanh tổng hợp (Vietstock)
infonet
|