Chứng khoán: Từ cơ hội đến hiện thực
Sẽ chưa phải lúc thị trường chứng khoán nổi những con sóng mạnh, nhưng cũng không phải lúc thị trường sẽ giảm sâu vì những tin xấu. Trong quý 2 này, chứng khoán được giới phân tích dự báo khá bình lặng do tâm lý thị trường chờ đợi tín hiệu tích cực rõ ràng hơn. Sự bình lặng của chứng khoán thể hiện ở tình trạng kéo dài xu hướng đi ngang hoặc tăng nhẹ.
Ông Nguyễn Sơn, ông Nhữ Đình Hoà, bà Vũ Thị Bình, ông Trịnh Hoài Giang.
|
Khá nhiều tín hiệu tích cực từ vĩ mô và vi mô đã và đang được kỳ vọng là những cơ hội vàng cho thị trường chứng khoán thay đổi ngay trong trong quý 2 và những quý tiếp theo như: giảm lãi suất ngân hàng, hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đối với bất động sản, thành lập công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC)....
Với chủ đề: “Chứng khoán: từ cơ hội đến hiện thực”, chuyên mục bàn tròn kỳ này, ngoài việc phác hoạ những cơ hội của thị trường chứng khoán, sẽ ghi nhận những ý kiến của nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp về những cơ hội mà họ kỳ vọng và nắm bắt trong thời gian tới.
Trợ giúp từ kinh tế vĩ mô đang tốt lên
(Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước)
“Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động rất lớn từ các yếu tố kinh tế vĩ mô và hoạt động của khu vực doanh nghiệp. Trong gần 5 tháng đầu năm 2013, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đã có sự cải thiện đáng kể so với năm 2012, như tăng trưởng cùng kỳ cao hơn; CPI giảm mạnh; hoạt động của khu vực ngân hàng đã có dấu hiệu khởi sắc thông qua tăng trưởng tín dụng (1,44%), lãi suất cho vay giảm đáng kể, nguồn vốn huy động tăng (5,5%), việc phân loại đánh giá và xử lý nợ xấu gắn với việc Chính phủ sớm thành lập công ty VAMC sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng. Ngoài ra, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ bất động sản... sẽ tác động rất lớn đến khu vực doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.
Những tín hiệu trên cho thấy sự trợ giúp từ kinh tế vĩ mô đến thị trường chứng khoán có hiệu ứng nhất định thông qua mức tăng trưởng chỉ số VN-Index trong quý 1/2013 khoảng 20%.
Bên cạnh việc nới lỏng các chính sách hỗ trợ tăng trưởng từ Chính phủ, khả năng hấp thụ của nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế nhất định, đặc biệt là vốn vay ngân hàng, điều đó tác động mạnh đến khả năng tăng trưởng GDP dự kiến khoảng 5,5% của 2013.
Ngoài ra, việc điều chỉnh về giá của một số mặt hàng cơ bản như xăng dầu, điện... cũng như thực thi các chính sách đòi hỏi phải có độ trễ nhất định sẽ tác động lớn khu vực doanh nghiệp và thị trường chứng khoán. Vì vậy, thị trường vẫn còn có những khó khăn nhất định trong 6 tháng đầu năm 2013 và sẽ được cải thiện vào những thời điểm cuối năm.
Để hỗ trợ thị trường, năm 2012 và đầu năm 2013, cơ quan quản lý đã ban hành các chính sách, giải pháp và sản phẩm mới để đa dạng và hỗ trợ thanh khoản thị trường, đây sẽ là những sản phẩm được nhà đầu tư kỳ vọng cho sự hồi phục mới của thị trường sau giai đoạn suy giảm kéo dài.
Mặt khác, quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán dựa trên nền tảng tái cấu trúc 4 trụ cột (hàng hóa; công ty chứng khoán; tổ chức thị trường và cơ sở nhà đầu tư) sẽ góp phần lành mạnh hơn hoạt động của thị trường chứng khoán trên nền tảng ổn định, vững chắc.
Việc đào thải các công ty chứng khoán làm ăn thua lỗ, hủy niêm yết các công ty yếu kém trên sàn và tạo lập các công cụ đầu tư mới (quỹ mở; ETF...) sẽ tạo lập nên chuẩn mực tốt hơn cho thị trường, qua đó thu hút được các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài”.
Hiện thực hoá cơ hội trên hai phương diện
(Ông Nhữ Đình Hoà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC)
“Một số yếu tố kinh tế vĩ mô đã cho những chuyển biến tích cực trong giai đoạn vừa qua như: tỷ giá được bình ổn, lạm phát trong vòng kiểm soát và đứng ở mức thấp. Hai yếu tố này tạo điều kiện tiền đề khá thuận lợi cho quá trình điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng.
Ngoài động thái điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước thì hiện tượng chủ động hạ lãi suất huy động của một số ngân hàng lớn trong thời gian vừa qua đã minh chứng cho điều này. Đây cũng được xem là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến xu hướng dịch chuyển của dòng tiền trong trung hạn và kênh đầu tư chứng khoán sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này.
Bên cạnh diễn biến của các yếu tố kinh tế vĩ mô như: tỷ giá, lạm phát và lãi suất như đã đề cập ở trên thì các thông tin về mặt chính sách sẽ có tác động lớn đến kỳ vọng của nhà đầu tư cũng như diễn biến thị trường chứng khoán trong quý 2/2013.
Ngoài ra, các thông tin về kết quả kinh doanh quý 1/2013 và triển vọng hoạt động sản xuất kinh doanh những quý tiếp theo của các công ty niêm yết vẫn sẽ có những tác động mang tính chi phối nhất định đến diễn biến giá cổ phiếu.
Tôi cho rằng, những cơ hội đã phân tích ở trên nhiều khả năng sẽ chỉ được phản ánh lên diễn biến thị trường ở một kịch bản hồi phục khá chậm rãi cả về điểm số lẫn tính thanh khoản. Thị trường có thể sẽ xuất hiện những nhịp tăng giảm ngắn.
Những yếu tố đã đề cập không phải là những thông tin mới và thực ra đã được ngấm dần vào diễn biến giá cổ phiếu trong những nhịp hồi phục vừa qua. Những tác động còn lại vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong trung hạn nhưng phải chờ hiệu quả trên thực tế của chính sách, thường có độ trễ nhất định.
Những tín hiệu tích cực có thể quan sát thấy tính đến thời điểm hiện tại chủ yếu tập trung ở khâu đầu vào, mới chỉ được xem là điều kiện cần của quá trình hồi phục. Những tín hiệu quan trọng hơn, liên quan đến việc kéo giảm lãi suất cho vay đầu ra, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hay cải thiện yếu tố tổng cầu của nền kinh tế thì vẫn đang chuyển biến khá chậm và phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của tiến trình giải quyết nợ xấu và kể cả những bất cập của nền kinh tế trong thời gian tới.
Về phía doanh nghiệp, sau một giai đoạn khó khăn cần đánh giá lại các vấn đề tồn tại; tận dụng giai đoạn giao thoa của nền kinh tế để thực hiện các hoạt động tái cơ cấu theo chiều sâu, mạnh tay cắt giảm thậm chí là loại bỏ các mắt xích yếu dù có phải hy sinh lợi ích trước mắt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; tìm kiếm và xây dựng trước các mối quan hệ đối tác để sẵn sàng đón đầu cơ hội khi nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục”.
Nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm thị trường chứng khoán
(Bà Vũ Thị Bình, Giám đốc Phân tích Công ty Quản lý quỹ MB - MB Capital)
“Lúc này thị trường đang nói nhiều đến các tín hiệu tích cực từ vĩ mô như là những cơ hội cho chứng khóan thay đổi. Dưới góc độ Công ty quản lý quỹ, chúng tôi nhận thấy đó là những cơ hội có thật, có điều, chúng ta có thể biến chúng thành “vàng” hay không.
Đầu năm nay, chúng tôi ra mắt quỹ MBBF, quỹ trái phiếu dạng mở đầu tiên tại Việt Nam, có đến hơn 40% vốn ban đầu của quỹ là từ nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản. Cho đến nay, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào quỹ đang tiếp tục tăng. Ngoài trái phiếu, họ cũng bày tỏ sự quan tâm rất lớn tới những cơ hội trên thị trường cổ phiếu và các hình thức đầu tư khác.
Việc giảm lãi suất một số lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước thêm 1% và giảm lãi suất huy động tại một loạt các ngân hàng thương mại vào tuần trước tiếp tục là một tín hiệu tích cực đối với hoạt động kinh doanh và thị trường chứng khoán, cởi bỏ những khó khăn đè nặng lên các doanh nghiệp trong suốt 2-3 năm qua. Ngoài ra, thị trường cũng đón nhận những thông tin kết quả kinh doanh vượt mức kỳ vọng tại một số doanh nghiệp niêm yết.
Mặc dù vậy, một số thông tin vẫn có thể gây tranh cãi khi đánh giá là tích cực hay tiêu cực. Dòng vốn đang ào ạt chảy vào các thị trường mới nổi tại châu Á trong đó có Việt Nam từ đầu năm đến nay đã góp phần tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá nhưng cũng sẽ là một nguy cơ khi đồng nội tệ tăng giá, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng.
Chúng tôi tin vào một kịch bản tích cực hơn trong các tháng còn lại của năm khi mà việc lãi suất giảm sẽ tác động cụ thể đến những lựa chọn đầu tư của giới đầu tư trong nước cũng như kết quả kinh doanh thuận lợi hơn của các doanh nghiệp niêm yết và lòng tin của giới đầu tư, kinh doanh và người tiêu dùng dần dần được khôi phục trở lại.
Mặc dù vậy, trong một vài năm gần đây, thị trường thường diễn biến không mấy tích cực trong quý 2, quý 3 và có thể năm nay cũng sẽ không mấy tích cực nếu thiếu các thông tin tích cực hỗ trợ.
thị trường chứng khoán chỉ khỏe mạnh khi kinh tế khỏe mạnh. Vì vậy, chúng tôi mong mỏi từ Chính phủ những quyết sách kịp thời và hiệu quả hơn trong việc lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, cải cách khu vực kinh tế nhà nước và hỗ trợ nhiều hơn cho khu vực kinh tế tư nhân. Có như vậy, nhà đầu tư mới có thể kỳ vọng được vào sự tăng trưởng bền vững, của nền kinh tế”.
Thị trường cổ phiếu được kỳ vọng tăng
(Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Tp.HCM - HSC)
“Trong vài quý gần đây tỷ giá ngoại tệ và giá cả ổn định, lạm phát giảm. Đây là một tín hiệu khá tốt, bên cạnh tín hiệu khác như tỷ lệ thất nghiệp cao và tăng, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng và niềm tin vào sản xuất kinh doanh (PMI) tăng trong 2 tháng nhưng vẫn ở mức thấp, kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Điều kiện kinh tế vĩ mô như vậy cho phép nhìn về thị trường chứng khoán ra sao? Theo tôi, lãi suất thấp đang đi vào ổn định trong vòng thời gian dài tới và không có kỳ vọng lạm phát cao sớm quay trở lại. Giá cả hàng hoá trên thế giới cũng đang ổn định... Chính sách có tác động lên thị trường chứng khoán và tích cực như thế nào thì phụ thuộc vào cam kết thực hiện và tiến độ cải cách thị trường ngân hàng, khối doanh nghiệpNN, và thị trường vốn của Chính phủ.
Như vậy, nếu đi đúng hướng và có chính sách hỗ trợ đúng hướng theo đúng như chính sách đã phát triển thì tôi kỳ vọng có thể bắt đầu một chu kỳ tăng trong dài hạn của thị trường chứng khoán.
Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán sẽ không tăng mạnh trong quý 2, vì số liệu kinh tế vĩ mô được công bố trong quý 1 về sản xuất công nghiệp, PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng), tăng trưởng tín dụng đều không phải những con số tốt, nó phản ánh nền kinh tế còn yếu và sự phục hồi thật sự cần nhiều thời gian hơn nữa.
Các nhà đầu tư nước ngoài đều nhận thấy các cơ hội hiện nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam và những tín hiệu tích cực từ vĩ mô trong những tháng đầu năm nay đã thu hút sự quan tâm của họ nhiều hơn.
Điều này được thể hiện rất rõ qua số lượng các cuộc thăm hỏi, hội thảo của các tổ chức cá nhân nước ngoài đến Việt Nam gia tăng trong thời gian gần đây và số tài khoản mới mở của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tăng sau mỗi tháng. Trên thị trường trái phiếu, sự trở lại của nhà đầu tư nước ngoài dường như là rõ nét nhất.
Những thông tin thị trường đang kỳ vọng sẽ có tác động tới thị trường chứng khoán vài quý tới. Tuy nhiên, trước mắt, trong quý 2 này thị trường chứng khoán không có nhiều biến động với giá trị giao dịch thấp, chỉ số giá chứng khoán có thể không xuống nhưng không tăng mạnh.
Để hỗ trợ và phát triển thị trường chứng khoán, tôi nghĩ là cơ quan quản lý cũng như các thành viên thị trường đều đã có nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài, và hiện nay một số các giải pháp đó đã được triển khai và đang có kết quả.
Thứ nhất, đẩy nhanh cải cách chế độ kế toán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán làm thật chặt chẽ, sẽ có tác động cải thiện mức độ công khai minh bạch trên thị trường chứng khoán.
Thứ hai, việc đẩy nhanh cải cách giao dịch để có cơ sở đưa ra các sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán: quỹ mở, hưu trí, ETF, hợp đồng tương lai... Những giải pháp đều đã được công bố, nhưng việc thực hiện còn chậm và cần phải đẩy nhanh.
Thứ ba, ban hành chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài: nghiên cứu và ban hành việc áp dụng các chứng chỉ không có quyền biểu quyết, báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế, đưa các doanh nghiệp lớn lên niêm yết để cũng cấp thêm nhiều cơ hội lựa chọn chất lượng cao cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Bởi kinh nghiệm của các thị trường chứng khoán quốc tế cho thấy, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài họ không quan tâm cho đến khi mà doanh nghiệp đạt giá trị vốn hoá thị trường từ mức 200 triệu USD trở lên và giá trị giao dịch hàng ngày đạt 10 triệu USD.
Đối với doanh nghiệp, nên tập trung vào mở rộng thị trường, năng lực sản xuất, đầu tư công nghệ và cải thiện quản trị để thu hút nhà đầu tư. Thời gian qua đã chứng minh rằng: các doanh nghiệp trả cổ tức tốt luôn là doanh nghiệp được giao dịch nhiều và giá giao dịch đạt tốt. thị trường chứng khoán Việt Nam, mặc dù giá đã tăng khá so với đầu năm nhưng vẫn rẻ và sẽ vẫn có khả năng tăng tốt nếu các cải cách kinh tế đi đúng hướng và dứt khoát”.
Vneconomy
|