TS.Quách Mạnh Hào: “Cơ hội chứng khoán sẽ đến vào tháng 6”
“Những yếu tố lớn tác động tới thị trường, tôi nghĩ, không nằm ngoài yếu tố phản ứng tâm lý tích cực và dòng tiền rẻ âm thầm đổ vào thị trường”, TS.Quách Mạnh Hào, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, nêu quan điểm khi nhìn nhận về cơ hội của thị trường chứng khoán Việt Nam.
TS.Quách Mạnh Hào, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội
|
Lúc này thị trường đang nói nhiều đến các tín hiệu tích cực từ vĩ mô như là những cơ hội vàng cho chứng khoán thay đổi. Dưới góc độ chuyên gia, ông nhìn nhận cơ hội đó thế nào?
Thời gian qua chúng ta đón nhận khá nhiều những thông tin không xấu, như: nỗ lực thành lập công ty xử lý nợ xấu VAMC - được cho là sẽ ra đời trong tháng 5 này, gói hỗ trợ cho thị trường bất động sản trị giá 30.000 tỷ đồng có hiệu lực từ ngày 1/6, định hướng giảm mặt bằng lãi suất thông qua việc giảm các mức lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất huy động, khuyến khích hạ lãi suất cho vay trong bối cảnh áp lực lạm phát gần như không đáng ngại ở thời điểm hiện tại.
Tất cả những điều đó cho thấy rằng Chính phủ đang cố gắng hết sức để vực dậy nền kinh tế đã và đang trải qua thời kỳ khó khăn mà trong đó nổi bật là nguy cơ lạm phát đình đốn với mắt xích quan trọng là nợ xấu và hàng tồn kho.
Liệu đó có thực sự là cơ hội vàng cho thị trường chứng khoán hay không, tôi đang muốn tin đó là sự thật. Tôi cũng nhấn mạnh rằng: niềm tin đó dựa trên cơ sở của các nỗ lực kích nền kinh tế, chứ không hẳn là dựa trên nền tảng chuyển động và phát triển ổn định của nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán phụ thuộc rất nhiều vào việc dòng tiền chung, có thể dùng từ khác là thanh khoản chung, trong nền kinh tế. Nếu tiền rẻ được đưa ra nhiều, thị trường chứng khoán sẽ có hiệu ứng tích cực, nhưng tiền rẻ đó cũng có thể sẽ là cái bẫy để nền kinh tế bước vào một chu kỳ khó khăn tiếp theo sau những hào nhoáng của thị trường chứng khoán tăng trưởng và khi những đồng tiền rẻ đó được thu về.
Điều quan trọng là nền kinh tế có đủ năng lực để hấp thụ nguồn tiền rẻ đó tốt tới mức nào. Tôi e rằng quá sớm để đánh giá điều đó với những quan sát hiện tại.
Do vậy, dự báo tốt nhất của tôi là thị trường chứng khoán sẽ đón nhận một đợt tăng điểm trong thời gian gần, được kích thích bởi tâm lý tích cực từ dòng tiền rẻ. Nhưng ngay sau đó, chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt với những thử thách tiếp theo do nhà đầu tư muốn nhìn thấy những chuyển dịch thực sự từ nền kinh tế.
Theo ông, những cơ hội đó sẽ làm thay đổi thị trường chứng khoán ra sao, xét về thanh khoản và quy mô?
Như tôi đã lập luận, thị trường chứng khoán nhiều cơ hội sẽ trở nên tích cực với thị trường tăng điểm và quy mô giao dịch tăng lên do hiệu ức từ dòng tiền rẻ trong thời gian ngắn sắp tới. Nhưng điều này sẽ khó kéo dài, có lẽ chỉ tính bằng tháng hay quý.
Còn nhìn cho một triển vọng dài hơn tính bằng năm dựa trên nền tảng cơ bản của nền kinh tế, nếu làm một nghiên cứu tương tự về xấu thế nào, sâu bao nhiêu và dài bao lâu, tôi nghĩ rằng câu trả lời của tôi sẽ là những cái xấu đã lộ nhưng chưa rõ, nó có thể xấu hơn và sâu hơn nếu tiền rẻ ra mà năng lực nền kinh tế không được cải thiện, và nó sẽ còn làm chúng ta khó khăn trong vài ba năm nữa.
Đâu là những nhân tố tác động lớn tới thị trường chứng khoán trong quý 2 này?
Thời điểm quý 2 và đầu quý 3 này nằm trong dự tính ngắn hạn của tôi và tôi tin vào sự tích cực của thị trường. Những yếu tố lớn tác động tới thị trường, tôi nghĩ, không nằm ngoài yếu tố phản ứng tâm lý tích cực và dòng tiền rẻ âm thầm đổ vào thị trường.
Những chuyển động kinh tế cơ bản vẫn sẽ chậm chạp. Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán chỉ cần như vậy là đủ để vui trong trước mắt. Bạn hãy quan sát những chuyển biến thị trường có thể sẽ bắt đầu vào tháng 6 tới.
Theo ông, rủi ro lớn nhất của thị trường trong quý 2 là gì?
Trong quý 2, rủi ro lớn nhất nằm ở chính nền tảng của nền kinh tế. Khi mà thị trường chứng khoán không có yếu tố cơ bản thực sự nào hỗ trợ, sự hồi phục dựa trên tâm lý tích cực và dòng tiền rẻ cũng đồng nghĩa với việc tạo ra bong bóng tài sản một cách nhanh chóng.
Câu chuyện rủi ro của thị trường khi đó sẽ đơn giản là ai cũng muốn mình là người kịp nhảy ra khỏi đoàn tàu chuẩn bị lao dốc. Tâm lý và hành động ngắn hạn sẽ là rủi ro lớn nhất cản trở sự tăng trưởng của thị trường.
Để biến cơ hội thành hiện thực, góc độ doanh nghiệp, nhà đầu tư cần làm gì?
Với doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng họ cần hành động thận trọng hơn khi được tiếp cận tới dòng tiền rẻ nếu có, họ đã trả giá cho những sai lầm trong quá khứ và bài học rất có thể sẽ lặp lại với chính họ và cho cả những người mới.
Với nhà đầu tư, cơ hội rất gần sẽ đến có thể ngay từ tháng 6, nhưng họ nên nghĩ điều đó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Sự chuyển dịch đầu tư sang những doanh nghiệp được quản trị tốt là yếu tố mấu chốt tạo nên thành công tài chính lâu dài và hình thành đạo đức đầu tư cho chính mình.
Hoàng Xuân
vneconomy
|