Thứ Hai, 08/04/2013 10:02

Ông Trịnh Xuân Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán MB (MBS):

Quý 2/2013, vốn ngoại tiếp tục đóng vai trò quan trọng

Trong 4 tháng gần đây, TTCK đón nhận dòng vốn từ khối ngoại lớn, tăng mạnh so cùng kỳ. Dòng vốn này là động lực chính yếu có vai trò định hướng và dẫn dắt cho nhà đầu tư nội rót tiền vào thị trường. Do đó, trong quý 2, việc quan sát luồng tiền từ khối ngoại tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đầu tư ngắn hạn.

Quý 1/2012, chúng ta chứng kiến một làn sóng đầu tư khá mạnh từ các quỹ ETFs vào các thị trường mới nổi như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Columbia... và trong đó có cả Việt Nam. Xu hướng đầu tư này diễn ra khá nhanh chóng và tập trung tại các thị trường biên (frontier market), nơi nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao đi kèm với lợi nhuận lớn. Thị trường chứng khoán tại những nước thu hút được dòng vốn đầu cơ ETFs đều có diễn biến tăng mạnh kể từ tháng 12/2012 kéo dài cho đến hết tháng 3 và tại Việt Nam điều đó cũng không là ngoại lệ.

Theo số liệu từ Bloomberg, trong 4 tháng gần đây (kể từ sóng tăng từ tháng 12/2012) Việt Nam đón nhận khoản 246 triệu USD dòng vốn từ NĐTNN vào thị trường (bình quân mỗi tháng 61.5 triệu USD). Còn kể từ đầu năm 2013 đến nay, tổng vốn ròng nước ngoài đổ vào TTCK Việt Nam (HOSE) là 190.2 triệu USD, tăng 447.4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều đó cho thấy, dòng vốn ngoại đã ảnh hưởng khá lớn và có vai trò định hướng, dẫn dắt dòng tiền nội trở lại thị trường sau đợt suy giảm nửa cuối 2012. Các mã cổ phiếu được NĐTNN gom mua đều là cổ phiếu Bluechips vốn hóa lớn như GAS, HPG, HAG, DPM, MSN, BVH... do đó những tác động ảnh hưởng đến chỉ số giao dịch, tâm lý và niềm tin của NĐT là rất lớn.

Mức độ quan tâm của NĐTNN đến TTCK Việt Nam là khá cao thể hiện qua chỉ số các quỹ ETF tăng mạnh. Đơn cử như Market Vectors Vietnam ETF đã tăng 51% trong vòng hơn 2 tháng kể từ 30/11/2012 đến mức đỉnh cao 11/2/2012. Với mức tăng mạnh mẽ như vậy, Market Vectors Vietnam ETF đã lọt top dẫn đầu 10 quỹ ETF có biến động tốt nhất tại các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, sau khi tạo đỉnh vào tháng 2, chỉ số này đang trong xu hướng giảm trở lại và lình xình đi ngang trong suốt tháng 3.

Tiến đến quý 2 trong bối cảnh những khó khăn của khu vực đồng Euro (Eurozone) cùng với xu hướng tăng trưởng chậm chạp của các thị trường mới nổi là yếu tố có thể khiến giới đầu tư giảm dần mức độ quan tâm. Bên cạnh đó, diễn biến tích cực tại các thị trường chứng khoán lớn như Mỹ, Nhật Bản đang là tâm điểm lớn thu hút dòng vốn đầu tư của thế giới. Diễn biến này thể hiện khá rõ khi chỉ số chứng khoán các nước như Ai cập, Columbia, Brazil... đều đang trong xu hướng giảm trở lại.

Song dòng vốn từ NĐTNN vẫn đóng một vai trò quan trọng đối với TTCK có quy mô còn khá nhỏ như Việt Nam. Trong những phiên đầu tháng 4, NĐTNN tiếp tục mua ròng tại nhóm vốn hóa lớn đóng vai trò dẫn dắt và lôi kéo dòng tiền trở lại đưa chỉ số VN-Index vượt lên mốc 514 điểm, cao nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Trong trường hợp NĐTNN tiếp tục duy trì hoạt động mua ròng tích cực như thời gian qua, khả năng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục được hỗ trợ về thanh khoản và điểm số. Do đó có thể chinh phục những mốc điểm cao hơn trong năm nay. Ngược lại, nếu diễn biến quay trở lại bán ròng thì khả năng sẽ ảnh hưởng tương đối mạnh đối với TTCK như đã từng diễn ra vào tháng 4 đến tháng 6 năm 2012. Dòng tiền chính là yếu tố cần thiết để giữ nhịp thanh khoản cho thị trường trong ngắn hạn. Người viết cho rằng quan sát diễn biến dòng tiền của NĐTNN là một yếu tố quan trọng với chiến lược đầu tư trong ngắn hạn.

Kinh tế quý 2/2013 sẽ tiếp tục diễn biến khả quan và cải thiện so với quý 1

Về yếu tố vĩ mô, phân tích nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có thể thấy nền kinh tế Việt Nam mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn song đã và đang trong quá trình phục hồi sau một thời gian dài suy giảm. Các tín hiệu phục hồi tuy khá mờ nhạt song hoàn toàn có đủ căn cứ để khẳng định nền kinh tế đã thật sự chạm đáy trong năm 2012 và sẽ có nhiều cải thiện trong năm 2013.

Xét từng chỉ tiêu cụ thể như tăng trưởng GDP, chỉ số sản xuất công nghiệp, đầu tư trong quý 1/2013 đều cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng mặc dù khá chậm chạp.

Dự báo, kinh tế quý 2/2013 sẽ tiếp tục diễn biến khả quan và cải thiện so với quý 1. Tuy nhiên, sự tăng trưởng vượt bậc sẽ không diễn ra do nền kinh tế vẫn trong giai đoạn tự điều chỉnh. Chúng tôi dự đoán, mức tăng trưởng GDP, quý 2/2013 sẽ tăng trưởng trên 5% so với cùng kỳ song lạm phát sẽ tăng trở lại do sức ép giá xăng dầu, điện và y tế với mức tăng dự kiến là trên 7% so với cùng kỳ.

Nhập khẩu sẽ tăng trở lại do nhu cầu tiêu thụ gia tăng do đó mức thặng dư thương mại sẽ co hẹp. Tỷ giá vẫn hứa hẹn giữ ở mức ổn định khi Việt Nam vẫn có thặng dư cán cân thanh toán.

Mỹ Hà ghi (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Góc nhìn tuần 08 – 12/04: Lực bán sẽ tăng mạnh? (07/04/2013)

>   Góc nhìn 05/04: Động lực tăng điểm còn là ẩn số? (04/04/2013)

>   Ngày 04/04: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn kỹ thuật (04/04/2013)

>   Góc nhìn 04/04: Cần một mồi lửa? (03/04/2013)

>   Góc nhìn 03/04: Xuất hiện áp lực chốt lời? (02/04/2013)

>   Ngày 02/04: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn kỹ thuật (02/04/2013)

>   Bất ngờ ngày “Cá tháng tư”, chuyên gia chứng khoán nói gì? (01/04/2013)

>   Góc nhìn 02/04: Có duy trì được mốc 500? (01/04/2013)

>   Góc nhìn 01 – 05/04: Thận trọng! (31/03/2013)

>   Góc nhìn 29/03: Hết cửa tăng điểm? (28/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật