Chủ Nhật, 24/03/2013 22:03

Góc nhìn tuần 25 -29/03: Xu hướng tăng vẫn còn bỏ ngỏ?

Việc chỉ số VN-Index vượt mức cản tâm lý 500 lần đầu tiên sau 2 năm vẫn chưa đủ thuyết phục để khiến các chuyên gia đánh giá tích cực về triển vọng thị trường trong tuần 25 - 29/03. Đa số các ý kiến cho rằng rủi ro giảm điểm vẫn khá lớn, tệ nhất là HNX-Index có thể giảm sâu nếu giảm qua mốc 59 điểm. Nguyên tắc vàng mà các chuyên gia đưa ra để khuyến nghị NĐT lúc này chính là thận trọng và chờ đợi.

Rủi ro giảm vẫn lớn

CTCP Chứng khoán Woori (CBV): Thị trường kết thúc tuần với một phiên giảm điểm trên cả 2 sàn. Phiên cuối tuần cũng chứng kiến thanh khoản được cải thiện nhẹ so với mức trung binh tuần, tuy vẫn ở mức thấp quanh ngưỡng 1.000 tỷ đồng.

Tuần giao dịch vừa qua chứng kiến sự phân hóa rõ rệt của chỉ số 2 sàn. Trong khi VN-Index có những biến động tăng giảm đan xen, kết thúc tuần với mức tăng khá 1,79% và đã có thời điểm vượt mức 500 điểm trong phiên ngày 22/03, thì chỉ số HNX Index tiếp tục xu hướng giảm và đánh mất thêm 1,82% tuần này. Điểm chung trên cả 2 sàn là thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp và dòng tiền đầu cơ vẫn còn đứng ngoài thị trường.

Việc VN-Index vượt mức 500 điểm sau đó quay đầu giảm điểm sâu xuống dưới tham chiếu cho thấy sự hoài nghi và thận trong vẫn chiếm ưu thế. Thông thường, việc bứt phá tại những mốc điểm chẵn như 500 điểm và đặc biệt, còn xác nhận mức điểm cao nhất từ đầu năm, sẽ mang lại sự hung phấn rất lớn cho nhà đầu tư.

Thông tin về CPI ở mức thấp, đi kèm với việc hạ lãi suất của các ngân hàng thương mại không tạo ra những động thái tích cực từ nhà đầu tư. Ngay cả thời điểm chỉ số vượt mức 500 điểm, số lượng mã tăng vẫn thấp hơn mã giảm, cho thấy rủi ro giảm điểm vẫn ở mức cao.

Cần một sự cải thiện lớn về lực cầu để có thể xác nhận một xu hướng tăng nếu VN-Index tiếp cận mức 500 điểm một lần nữa. NĐT vẫn nên duy trì một chiến lược giao dịch thận trọng và đề cao chọn lựa cổ phiếu hơn là đua theo các chỉ số thị trường.

Hình thành mô hình hai đỉnh?

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Tuần qua, VN-Index tăng nhẹ quay trở lại kiểm tra vùng kháng cự 495-500. Tuy nhiên việc kiểm tra vùng kháng cự này không thành công trong phiên giao dịch cuối tuần dẫn đến VnIndex đang có xu hướng hình thành mô hình hai đỉnh nhỏ trong ngắn hạn. Theo mô hình này Vn-Index sẽ quay trở lại kiểm tra vùng 495-500 một lần nữa trước khi quay đầu giảm điểm.

Thông tin lãi suất huy động giảm, CPI giảm phần nào đã phản ánh vào sự tăng giá của VnIndex tuần qua. Tuần tới Vn-Index phải đối mặt với vùng kháng cự mạnh 495-500, để vượt qua được vùng này Vn-Index cẫn sự hậu thuẫn của dòng tiền và thông tin vĩ mô tích cực.

Với dự đoán ít có đột biến về vĩ mô trong tuần tới nên khả năng VN-Index kiểm tra thành công vùng 495-500 ít xảy ra. Do đó đối với NĐT lướt sóng đang nắm giữ cổ phiếu nên giảm bớt tỷ lệ nắm giữ khi Vn-Index tiến về ngưỡng 500, đối với nhà đầu tư lướt sóng chưa nắm giữ cổ phiếu nên kiên nhẫn chờ Vn-Index kiểm tra vùng 495-500 trước khi đưa ra quyết định mua bán. NĐT dài hạn vẫn có thể mua vào các cổ phiếu cơ bản tốt.

HNX-Index có thể lùi về mốc 59

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): VN-Index trải qua phiên giao dịch đầy cảm xúc phiên ngày 22/03 khi vọt lên trên 500 điểm vào buối sáng nhưng đảo chiều giảm mạnh trong buổi chiều. Mức tâm lý 500 có thể là nguyên nhân khiến NĐT muốn thoát khỏi thị trường, thể hiện bằng khối lượng giao dịch lớn hơn các phiên trước đó.

Cây nến có phần thân nhỏ và phần bóng dài ở kháng cự 497-498 là tín hiệu đảo chiều đáng chú ý cho VN-Index. Chỉ số này có thể sẽ diễn biến tiêu cực trong tuần này. VN-Index có thể nhận được hỗ trợ nhẹ ở mức kháng cự vừa bị phá 480.

Trong ngắn hạn, việc VN-Index nhanh chóng quay trở lại đỉnh 498 cho thấy xu hướng giảm không đáng lo ngại. Chỉ số này có thể đi ngang trong vùng 460-500 trong thời gian tới. Trong trung hạn, ACBS duy trì quan điểm lạc quan tới thị trường.

Ngược với VN-Index, xu hướng giảm của HNX-Index thể hiện khá rõ trong tuần trước. Điều này cũng được củng cố khi khối lượng tăng theo đà giảm của HNX-Index.

Mặc dù đóng cửa không hoàn toàn thấp hơn mức 61 nhưng diễn biến tiêu cực của HNX-Index trong tuần trước cho thấy nhiều khả năng chỉ số này sẽ giảm sâu hơn trong tuần này về hỗ trợ 59.

Nếu giảm về 59, HNX-Index sẽ cho thấy rõ hơn khả năng hình thành mô hình Head & Shoulders. Tuy nhiên, mô hình này chỉ được coi là hoàn chỉnh khi HNX-Index xuyên thủng đường Neckline ở 59.

Thị trường có thể diễn biến tiêu cực trong tuần 25 - 29. Ở bức tranh lớn hơn, ACBS kỳ vọng đà tăng của VN-Index sẽ vực dậy HNX-Index, tránh sự hình thành của mô hình Head & Shoulders nói trên.

Giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục

CTCP Chứng khoán FLC (FLCS): Trong những phiên giao dịch gần đây, chỉ số VN-Index không phản ánh tốt tâm lý thị trường như chỉ số HNX-Index. Sàn HOSE được nâng đỡ khá nhiều bởi sự tăng mạnh của các bluecip lớn như MSN, VNM, GAS… do vậy, đợt tăng điểm trong vòng 2 tuần trở lại đây của chỉ số VN-Index không phản ánh chính xác áp lực mua bán với đại đa số các cổ phiếu thông dụng.

Đầu giờ chiều ngày 22/3, các lệnh bán lớn được đưa vào thị trường nhiều hơn, khá nhiều cổ phiếu trong nhóm VN-30 và các cổ phiếu được nhiều NĐT quan tâm đã đưa ra tín hiệu có thể tiếp tục suy giảm.

Có một nguyên tắc giao dịch điển hình là: “Trong bối cảnh xu hướng tăng điểm chưa rõ ràng, NĐT có thể chờ cho đến khi rõ ràng hơn, khi xu hướng tăng đã rõ ràng thì nhà đầu tư cân nhắc chờ thời điểm mua vào tốt hơn, khi có được điểm mua vào tốt hơn thì lại nên chờ tín hiệu xác nhận”. Từ nguyên tắc giao dịch trên, việc giảm dần tỷ trọng cổ phiếu để chờ đợi cơ hội tốt hơn có thể là lựa chọn có độ an toàn cao.

Kiểm tra lại mức cản tâm lý 500 điểm

CTCK Sài Gòn (SSI): Tăng điểm vượt mốc 500 điểm vào giữa phiên giao dịch buổi sáng ngày 22/03, cùng với niềm vui của giới đầu tư trước các thông tin tích cực, nhưng việc tăng điểm nhanh đến mốc nhạy cảm tâm lý cũng đồng nghĩa với việc bên lướt sóng bán chốt lời cổ phiếu. Chỉ số giảm trở lại và hồi vào cuối phiên tạo nên một nến lưỡng lự của cả cung và cầu.

Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số có tuần thứ 2 tăng điểm sau khi hình thành mẫu hình tăng điểm (Falling Wedge) với sự gia tăng thêm 8,64 điểm so với tuần trước.

Nhiều khả năng đà tăng có thể chững lại ở quanh mức kháng cự tâm lý 500 điểm. SSI cho rằng, có thể xuất hiện phiên hồi phục nhưng nếu không vượt qua được một cách thuyết phục mốc tâm lý 500 điểm, bên bán sẽ lại gia tăng trở lại. Sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra mạnh vào tuần giao dịch kế tiếp và NĐT lướt sóng thận trọng cần cơ cấu lại danh mục trong những đợt sóng hồi kỹ thuật trở lại.

Có thể chinh phục ngưỡng 510 điểm

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Trong phiên giao dịch 22/03, VN-Index tỏ ra khá hưng phấn vào đầu phiên khi tiếp tục nhận được trợ lực đến từ ba trụ cột nổi bật, chính các trụ đỡ này cũng giúp cho chỉ số thu hẹp khoảng cách giảm điểm vào phiên chiều khi các mã bluechips còn lại bị bán mạnh. Việc đảo chiều trở lại của chỉ số này đã đặt ra dấu hỏi về khả năng chinh phục một mức đỉnh mới đối với VN-Index khi mà động lực tăng giá chung của toàn thị trường vẫn không cho thấy diễn biến lạc quan.

Do đó, VDS bảo lưu quan điểm thận trọng cho tuần giao dịch mới, mặc dù khả năng VN-Index tiếp tục đi lên nhờ các mã trụ cột có thể sẽ tiếp diễn. GDP quý I/2013 được công bố vào cuối tuần sau được dự báo sẽ tăng cao hơn cùng kỳ năm trước là nhân tố giúp VN-Index ổn định trong vùng 485 - 510 điểm. Tuy nhiên, NĐT cần lưu ý mức lợi nhuận nếu mua vào ở vùng giá hiện tại được VDS đánh giá là không tương xứng với rủi ro đảo chiều còn tiềm ẩn của thị trường.

Sanh Tín tổng hợp (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Tự doanh quyết “đi ngược” đám đông? (23/03/2013)

>   Góc nhìn 22/03: Vẫn nên thận trọng? (21/03/2013)

>   Góc nhìn 21/03: Có động lực để bứt phá? (20/03/2013)

>   Khủng hoảng sẽ là cơ hội nếu... (20/03/2013)

>   Góc nhìn 20/03: Thận trọng chờ thanh khoản (19/03/2013)

>   Góc nhìn 19/03: Khó vượt 480 điểm (18/03/2013)

>   Góc nhìn 18 – 22/03: Tăng điểm hay trầm lắng? (17/03/2013)

>   Tự doanh CTCK “tranh mua” với ETF? (16/03/2013)

>   Góc nhìn 15/03: Sau tích lũy là giảm? (14/03/2013)

>   Góc nhìn 14/03: Cần động lực hỗ trợ (13/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật