Thứ Ba, 26/03/2013 18:35

Góc nhìn 27/03: Rơi vào xu hướng giảm?

Các công ty chứng khoán cho rằng thị trường có khả năng rơi vào xu hướng giảm, lời khuyên cho nhà đầu tư lúc này là thận trọng không nên mở vị thế mua và chỉ nên bán với tỷ lệ nhỏ.

Không thuận lợi để giải ngân mới

CTCP Chứng khoán Á Âu (AAS): Trái ngược với phiên giao dịch 25/03 khi ở phiên 26/03, thị trường đã duy trì diễn biến tích cực phần lớn thời gian nhưng lại vấp phải áp lực bán ở thời điểm đóng cửa khiến cho các chỉ số bất ngờ quay đầu giảm điểm.

Thanh khoản có biểu hiện trái chiều với việc tăng khá ở sàn Tp.HCM trong khi giảm nhẹ phiên thứ 2 liên tiếp tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Chưa thể kết luận thông tin hạ lãi suất là “vô ích” đối với thị trường chứng khoán tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, cũng rất khó để kỳ vọng vào một sự hỗ trợ đáng kể hơn nữa từ chính sách tiền tệ ngắn hạn (vốn đã được nhiều người dự đoán từ trước) vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố.

Áp lực bán đến từ tâm lý nghe ngóng kết quả mùa Đại hội cổ đông cùng với việc thông tin GDP quý 1/2013 khá thấp khi chỉ đạt 4.89% (dù vẫn cao hơn so với cùng kỳ 4.75%) tiếp tục là những trở ngại mà thị trường phải đối mặt trong hành trình thoát khỏi giai đoạn ảm đạm kéo dài gần 1 tháng trở lại đây.

Giữ nguyên quan điểm thận trọng về triển vọng đầu tư trong tương lai gần, AAS chưa nhận thấy điều kiện thuận lợi cho việc giải ngân mới, ngoại trừ một vài cơ hội rải rác ở nhóm cổ phiếu ngành dược phẩm, hoặc các trường hợp tăng giá khác với nguyên nhân chưa được kiểm chứng, vốn tiềm ẩn những rủi ro nhất định.

Cung cầu đang rất thận trọng

CTCP Chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS): Như vậy thông tin về giảm lãi suất đã không có một tác động thực sự tích cực nào lên thị trường phiên 26/03. Rõ ràng thông tin này đã được phản ánh vào giá cổ phiếu ở những phiên trước đó khi mà hàng loạt các Ngân hàng đã hạ lãi suất. Vì thế mà sau phiên tăng nhẹ ngày 25/3 thì thị trường lại có sự điều chỉnh giảm, mức độ giảm được đánh giá là khá mạnh đặc biệt là thời điểm cuối phiên.

Chỉ số VN-Index đóng cửa tại mức 489.46 điểm mất mốc 490 điểm và khoảng cách tới ngưỡng 500 điểm giờ đã khá xa. Lý giải cho việc thị trường giảm mạnh này là do hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn đều giảm điểm, và có thể thông tin về chỉ số GDP quý 1 ước tăng 4.89% khiến nhà đầu tư cảm thấy thất vọng.

Trong khi đó trên sàn HNX, các cổ phiếu có giao dịch khá tẻ nhạt, KLGD chỉ đạt 24.7 triệu đơn vị cổ phiếu, thấp nhất kể từ tháng 12/2012 đến nay. Việc sụt giảm thanh khoản như vậy về phần nào cho thấy cả cung và cầu đều đang khá thận trọng. Trong khi cả hai đều kỳ vọng vào thị trường đặc biệt là kỳ vọng vào chỉ số VN-Index có thể vượt ngưỡng 500 điểm cũng như thông tin về Công ty quản lý nợ được đưa ra. Do đó bên bán không vội bán rẻ, trong khi bên mua không vội mua cao. Xu thế đang cho thấy chỉ số HNX-Index sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng 60-61 điểm, và phá vỡ dần mô hình Vai – Đầu – Vai mà nhiều người đang lo ngại.

Giằng co trong kênh giá hẹp

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Thông tin giảm lãi suất không đủ duy trì đà tăng cho thị trường, quyết định giảm lãi suất của NHNN đã không đủ hấp dẫn để lôi kéo dòng tiền và duy trì đà tăng cho thị trường chứng khoán. Biến động trên sàn HOSE vẫn chịu sự chi phối từ diễn biến nhóm trụ cột, điển hình trong phiên 26/03 là các mã VNM, MSN, VICBVH. Nhóm cổ phiếu này đảo chiều trong phiên sáng và giảm mạnh trong phiên chiều khiến các chỉ số thị trường đóng cửa trong sắc đỏ. Thanh khoản biến động trái chiều, trong đó cải thiện nhẹ trên HOSE và tiếp tục giảm trên HNX.

So với mức bình quân của hai phiên gần nhất, thanh khoản trong hai phiên 25/03 và 26/03 đã giảm mạnh. Sự suy yếu về mặt thanh khoản cùng diễn biến trong phiên cho thấy nhà đầu tư vẫn khá thận trọng và dè dặt. Thông tin giảm lãi suất và VAMC không đủ mang lại sự hưng phấn cho nhà đầu tư.

Với diễn biến này, VDS cho rằng xu hướng giằng co trong kênh giá hẹp sẽ duy trì trong ngắn hạn, thị trường chỉ có thể bứt phá mạnh khi có hành động cụ thể hơn từ cơ quan điều hành xung quanh các giải pháp vĩ mô đã đề xuất.

Nên bán

CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Khối lượng giao dịch trong những phiên gần đây thấp hơn khối lượng của 03 phiên giao dịch trước đó, kết hợp với mẫu hình nến cho thấy thị trường không quyết định xu hướng tại mức điểm hiện tại. Cùng với việc xem xét tới chỉ số Composit index hiện đang xuất hiện tín hiệu phân kỳ âm (Negative Divergence), và cũng đang dừng lại ở vùng mà trước đó dẫn ra quá trình thay đổi xu thế, tín hiệu này cho thấy VN-Index đang ở thời điểm mà việc chuyển dịch xu thế đi xuống diễn ra.

VN-Index đang ở trong một sóng Extension Flat với bước sóng A đã hình thành, sóng B đang cho tín hiệu kết thúc, và sóng C được dự báo diễn ra khi kết thúc sóng B. Chỉ số VN-Index khi vào sóng C sẽ giảm nhanh.

Khi sóng C sụt giảm mức điểm được dự báo sẽ là vùng điểm 460 điểm, với độ dài xoay quanh độ dài của sóng B. Khi sử dụng Fibonacci thì cũng xác nhận vùng hỗ trợ tại mức 460 điểm là vùng hỗ trợ.

Khuyến nghị: Đa phần các cổ phiếu nên bán, một số cổ phiếu đặc biệt như VNM có thể nắm giữ, việc mua cổ phiếu không được đề xuất.

Đặt mức dừng lỗ thận trọng

CTCP Chứng khoán MB (MBS): Phiên 26/03 VN-Index hình thành một nến đen cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế so với bên mua. Có khả năng chỉ số đang bắt đầu giảm theo tín hiệu đảo chiều xuất hiện từ 2 phiên trước. Tuy vậy vẫn chưa có một tín hiệu mạnh nào xuất hiện giúp khẳng định chắc chắn về việc hình thành của xu hướng này. Do đó nhà đầu tư nếu thực hiện bán chỉ nên thực hiện với giá trị nhỏ và đặt mức dừng lỗ thận trọng.

Theo báo cáo sơ bộ được Bộ Kế hoạch-Đầu tư công bố sáng nay (26-3), tốc độ tăng GDP quý 1/2013 ước tính 4.89% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức tăng 4.75% của quý 1/2012. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng khá trong khi khu vực công nghiệp và nông nghiệp vẫn còn gặp khó khăn.

MBS đánh giá, với dư địa chính sách hỗ trợ tăng trưởng còn khá ít tăng trưởng GDP của năm 2013 sẽ vẫn ở mức thấp mặc dù có sự cải thiện so với năm 2012 nhờ mặt bằng lãi suất hạ mạnh. MBS cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn song nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy sự cải thiện và các chính sách điều hành của Chính phủ và NHNN đang đi đúng hướng. MBS kỳ vọng, các chính sách điều hành kinh tế sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới nhằm đảm bảo cho một sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Mỹ Hà tổng hợp (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Ngày 26/03: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn kỹ thuật (26/03/2013)

>   Góc nhìn 26/03: Vẫn có nguy cơ giảm điểm mạnh (25/03/2013)

>   Góc nhìn tuần 25 -29/03: Xu hướng tăng vẫn còn bỏ ngỏ? (24/03/2013)

>   Tự doanh quyết “đi ngược” đám đông? (23/03/2013)

>   Góc nhìn 22/03: Vẫn nên thận trọng? (21/03/2013)

>   Góc nhìn 21/03: Có động lực để bứt phá? (20/03/2013)

>   Khủng hoảng sẽ là cơ hội nếu... (20/03/2013)

>   Góc nhìn 20/03: Thận trọng chờ thanh khoản (19/03/2013)

>   Góc nhìn 19/03: Khó vượt 480 điểm (18/03/2013)

>   Góc nhìn 18 – 22/03: Tăng điểm hay trầm lắng? (17/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật