Góc nhìn 25/12: Thận trọng chờ thời
Các công ty chứng khoán cho rằng thị trường đang phải đối mặt với ngưỡng kháng cự mạnh. Khuyến nghị giành cho nhà đầu tư là thận trọng, chốt lời và quan sát thêm.
Tâm lý tích cực
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Mặc dù áp lực chốt lời vẫn tiếp diễn trong phiên giao dịch 24/12 song các chỉ số đã đảo chiều tăng điểm trở lại nhờ sự hỗ trợ đến từ các mã dẫn dắt. Bên cạnh đó, thị trường cũng được hỗ trợ nhờ thông tin giảm lãi suất điều hành và mức tăng thấp của chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 12/2012. Trong khi thanh khoản phiên 24/12 sụt giảm mạnh bởi khối nhà đầu tư nước ngoài đã thu hẹp giao dịch sau khi kỳ xem xét lại danh mục kết thúc, thay vào đó là hoạt động thỏa thuận diễn ra sôi động ở nhiều cồ phiếu bluechips.
VDS không đánh giá cao vai trò hỗ trợ thị trường đến từ thông tin giảm lãi suất điều hành cũng như chỉ số CPI. Tuy nhiên với tâm lý nhà đầu tư đang khá tích cực và lực cầu nâng đỡ thị trường khá tốt trong các nhịp giảm điểm, VDS kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ dao động trong biên độ hẹp từ 400-405 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2012.
Loại trừ khả năng điều chỉnh sâu
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán như VND, BVS, KLS, SSI phiên 24/12 tăng trần hàng loạt, tạo động lực chính cho thị trường. Các mã bluechip lớn trên HOSE đa phần cũng có được mức tăng khá. Thống kê cho thấy trên HOSE có 139 mã tăng/67 mã giảm, tỷ lệ này trên HNX là 175/47.
Nói chung, thị trường phiên 24/12 xét cả về điểm số, độ rộng và thanh khoản đều tương đối khả quan. Hiện tại có thể tạm loại trừ khả năng điều chỉnh sâu trong ngắn hạn. Dù vậy, đà tăng của thị trường nhiều khả năng sẽ gặp thử thách trong các phiên tới. Các ngưỡng kháng cự kỹ thuật 400 điểm (VN-Index) và 56 điểm (HNX-Index) vẫn được BSI đánh giá là khá “cứng” và không dễ dàng vượt qua.
Thời điểm nhạy cảm
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Thông tin tích cực được công bố cùng với tâm lý đầu tư được cải thiện đã góp phần tích cực đưa các chỉ số chính trên hai sàn HOSE và HNX hồi phục trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần (24/12). Mặc dù thanh khoản thị trường có phần giảm sút so với các phiên trước do ảnh hưởng của việc các quỹ ETF đã kết thúc thời hạn cơ cấu danh mục nhưng tín hiệu hồi phục vẫn tiếp tục được ghi nhận khi khối lượng giao dịch khớp lệnh vẫn ở mức khá kèm theo sức mua giá thấp khá dồi dào và bền bỉ đã hấp thu khá tốt lượng bán ra, giúp cho chỉ số vượt qua điều chỉnh trong phiên một cách thuyết phục. Khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh với giá trị đạt tới 318.8 tỷ đồng, giao dịch vẫn tập trung trên sàn HOSE với top mua ròng thuộc về MSN.
Nhìn chung, thông tin về việc Ngân hàng nhà nước giảm 1% lãi suất điều hành, đưa trần lãi suất về 8% và lãi suất cho vay về 12% ….. đã tạo tác động tích cực tới xu thế thị trường hiện tại. Thêm vào đó, thời điểm chốt NAV cuối năm của các quỹ đang đến gần cũng được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ xu thế chung của thị trường. Ngoài ra, trong những phiên tới, nhiều khả năng diễn biến giao dịch sẽ tiếp tục phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về sự chuyển biến của các yếu tố vĩ mô trong năm 2013.
Tuy vậy, FPTS cho rằng sự thận trọng vẫn cần được duy trì do các chỉ số vẫn đang phải đối mặt với những ngưỡng nhạy cảm, đáng chú ý vẫn là mốc 400 của VN-Index đang gây áp lực cả về tâm lý và kỹ thuật lên diễn biến hồi phục của chỉ số này. Theo đó, FPTS tiếp tục bảo lưu khuyến nghị nhà đầu tư nên tạm dừng giải ngân tại những ngưỡng nhạy cảm và quan sát kỹ dòng tiền vào thị trường trong các phiên tới. Việc mua vào chỉ nên được cân nhắc nếu tiếp tục có thêm thông tin tốt được công bố hoặc các chỉ số có thể bứt phá lên khỏi ngưỡng kháng cự mạnh ngắn hạn.
Bán bớt danh mục
CTCP Chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS): Cả hai sàn đều tăng điểm sau một phiên giao dịch bùng nổ và có sự điều chỉnh giảm cuối tuần trước.
Tương quan thị trường khá chênh lệnh khi có tới 403 mã tăng giá, 97 mã tăng trần trong khi chỉ có 120 mã giảm giá, 49 mã giảm sàn. Thế nhưng mức tăng của thị trường lại không quá mạnh, điều này cho thấy mức tăng của thị trường được đóng góp nhiều từ các mã có mệnh giá nhỏ.
Với thị trường như hiện nay, cho dù dòng tiền đang chảy mạnh vào nhóm chứng khoán, nhóm luôn dẫn đầu cho bất kỳ một con sóng lớn nào. Tuy nhiên, mức tăng dường như chưa tạo được sự hào hứng và lực mua không quá mạnh.
Những mã tăng điểm mạnh phiên 24/12 đa phần không bền vững về dòng tiền, tiền mua vào chủ yếu có sử dụng đòn bẩy tài chính. Vì thế, nhà đầu tư cần tiếp tục quan sát hướng đi của dòng tiền trong những phiên sắp tới. IVS vẫn nghi ngờ về tính an toàn khi tham gia mua với những mã tăng điểm mạnh ngày 24/12 và tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư nên cân nhắc bán bớt danh mục đặc biệt là với những cổ phiếu có hệ số beta cao đã tăng giá mạnh.
Chờ đợi điểm phá vỡ
CTCK Maybank Kimeng ( MBKE): Hai chỉ số tăng mạnh sau quyết định chính thức của Ngân hàng Nhà nước về việc cắt giảm các loại lãi suất điều hành một trăm điểm cơ bản. Nhóm cổ phiếu chứng khoán nhạy nhất với quyết định này, nhất là các mã niêm yết trên HNX. Các nhóm khác như ngân hàng, bất động sản kém ấn tượng hơn.
Phiên tăng điểm đã đưa VN-Index tiếp tục đứng gần kháng cự 400-405 điểm. Khu vực này vẫn là thử thách lớn cho thị trường trong những phiên tới. MBKE nhận thấy khối lượng giao dịch giảm trong phiên tăng và sau thông tin tốt cho thấy sự thận trọng của các nhà đầu tư. Đánh giá của MBKE vẫn lạc quan và chiến lược đề xuất là tiếp tục nắm giữ cổ phiếu. Đồng thời, do thị trường đứng dưới kháng cự quan trọng, các nhà đầu tư nên chờ đợi điểm phá vỡ trước khi mở thêm các vị thế mua mới.
Mỹ Hà tổng hợp (Vietstock)
ffn
|