Thời điểm nào cho sản phẩm chứng khoán phái sinh tại Việt Nam?
Việc xây dựng thị trường phái sinh là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam 2011-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, thực trạng thị trường hiện tại lại đang đặt ra một bài toán khó.
46 tham luận được mang đến Hội thảo khoa học Ứng dụng các sản phẩm tài chính hiện đại trong điều kiện hội nhập kinh tế ở Việt Nam sáng 15/12 với nhiều vấn đề về thị trường phái sinh được phân tích, nhiều ý kiến hay về việc áp dụng sản phẩm phái sinh vào các thị trường tiền tệ, bất động sản… . Tuy nhiên, điểm chung mà ai cũng phải nhìn nhận rằng thị trường phái sinh ở Việt Nam không thể triển khai trong một sớm một chiều mà cần có thời gian chuẩn bị lâu dài.
Chuyên gia chứng khoán Bùi Nguyên Hoàn cho rằng, thị trường chứng khoán phái sinh là thị trường giao dịch các chứng khoán phái sinh như hợp đồng tương lai (future contracts), hợp đồng quyền chọn (options contracts) và các công cụ phái sinh khác. Hợp đồng tương lai là sự kế thừa và phát triển hàng hóa ấn định, với một mức giá và thời điểm ấn định trong tương lại. Hợp đồng kỳ hạn với chức năng nguyên thủy là công cụ bảo hộ (bảo hiểm) giá nông phẩm, hợp đồng tương lai ngoài vai trò bảo hộ giá còn là công cụ đầu cơ.
Giao dịch hợp đồng tương lai với đặc trưng là giao dịch ký quỹ, mức ký quỹ thấp, người đầu tư chỉ bỏ ra một số vốn rất nhỏ, có thể kiểm soát được một giao dịch, đưa đến thu nhập (hoặc bị thua lỗ) từ một giá trị lớn hơn nhiều. Vì vậy, đầu tư hợp đồng tương lai là đầu tư mạo hiểm, có đòn bẩy tài chính mạnh. Để áp ứng nhu cầu đầu tư số đông, chấp nhận rủi ro giới hạn, hợp đồng quyền chọn ra đời. Hợp đồng quyền chọn là công cụ đầu tư có khả năng phân tán rủi ro từ vốn đầu tư hạn chế.
Hầu hết các chuyên gia đều nhất trí với việc hình thành một thị trường chứng khoán phái sinh đúng nghĩa ở Việt Nam bởi đây là sản phẩm tất yếu trong tiến trình phát triển ngày càng rộng và đa dạng của thị trường tài chính.
Tiến sĩ Nguyễn Sơn (phải) và một số diễn giả tại Hội thảo ngày 15/12/2012
|
TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường Ủy Ban Chứng khoán cho rằng, trong quá trình 12 năm hình thành và phát triển, bên cạnh những các sản phẩm truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… đã đến lúc thị trường cần mở rộng thêm các sản phẩm mới, đa dạng hơn, hấp dẫn hơn như các chứng khoán phái sinh. Đồng thời, hiện nay rất nhiều đối tượng muốn có một thị trường các công cụ phái sinh ở Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu phòng vệ rủi ro, đáp ứng nhu cầu đầu tư sinh lợi và thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Việc xây dựng thị trường phái sinh cũng là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam 2011-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, thực trạng thị trường hiện tại lại đang đặt ra một bài toán khó.
Theo chuyên gia Bùi Nguyên Hoàn, các thị trường phái sinh sơ khai của Việt Nam như sàn giao dịch hạt điều của Trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM (nay là Sở giao dịch) thất bại ngay từ phiên giao dịch đầu tiên do đối tác bỏ cuộc. Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột đã có 7 năm thành lập, nhưng hiện nay chỉ là nơi cung cấp sân phơi và dịch vụ bảo quản cà phê cho một số hộ nông dân. Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) của Công ty TNHH Triệu Phong tuy đã có 3 năm khai trương hoạt động nhưng nay vẫn là một ẩn số.
Nguyên nhân của sự không thành công này có nhiều cách đánh giá khác nhau như do thiếu cơ chế, chính sách, thiếu quản lý chỉ đạo cụ thể. Nhưng suy cho cùng, nguyên nhân bao trùm là do thiếu kiến thức, thiếu kiến thức phổ cập cho công chúng đầu tư, cho những đối tượng là thành phần tham gia mua bán, giao dịch trên thị trường, và thiếu kiến thức căn bản cần thiết đối với những người tổ chức, điều hành, hoạch định chính sách thị trường.
Ông Sơn cho rằng, thị trường phái sinh là một phạm trù rất rộng, do đó để xây dựng thị trường phải có bước đi cụ thể, kỹ lưỡng, có lộ trình với luật chơi, cơ chế phòng vệ… có quy định rõ ràng về bán khống (short sell). Bởi phái sinh mà không có bán khống là vô nghĩa. Do vậy, cần mất khá nhiều thời gian để xây dựng.
Từ tham luận của mình, TS Vũ Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch UBCKNN nói về tổ chức vận hành và lộ trình triển khai thị trường chứng khoán phái sinh. Theo đó, UBCKNN đang xây dựng Nghị định chi tiết về về thị trường phái sinh nhằm quản lý cả thị trường tập trung và phi tập trung. Trên cơ sở Nghị định, Bộ Tài chính và UBCKNN sẽ hướng dẫn cụ thể về các sản phẩm được phép giao dịch, các biện pháp kỹ thuật để ngăn ngừa thao túng thị trường như quy định hạn mức giao dịch, giới hạn giá thực hiện…
Thị trường này sẽ hoạt động dưa trên hệ thống công nghệ hiện đại sau khi hai Sở giao dịch chứng khoán hiện nay được hợp nhất.
Mặt khác, sau khi có Nghị định và trước khi triển khai thị trường, cơ quan quản lý cần ít nhất 6 tháng đến 1 năm để các thành viên thị trường chuẩn bị cơ sở vật chất, đồng thời thực hiện tuyên truyền, đào tạo nhà đầu tư.
Theo tính toán của TS. Liên, nếu các khâu chuẩn bị này được triển khai tốt thì nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2014 đầu 2015, Việt Nam mới có sàn giao dịch chứng khoán phái sinh tập trung.
Lợi ích của thị trường chứng khoán phái sinh
Ths Đặng Tài An Trang, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán phái sinh có một số lợi ích cơ bản như giúp loại bỏ sự bất trắc thông qua việc thực hiện các giao dịch trao đổi rủi ro thị trường, thường hay được gọi là phòng ngừa (hedging). Các doanh nghiệp hay định chế tài chính sử dụng chứng khoán phái sinh nhằm giúp họ phòng ngừa được các thay đổi về giá nguyên vật liệu, tỷ giá, lãi suất. Do vậy, chứng khoán phái sinh sẽ giúp giảm các biến động về dòng tiền của doanh nghiệp và giúp dự báo trở nên đáng tin cậy hơn, yêu cầu về vốn ít hơn và hiệu quả sử dụng vốn cao hơn. Những lợi ích này khiến chứng khoán phái sinh được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu.
Lợi ích khác của chứng khoán phái sinh là được sử dụng làm công cụ đầu tư do đây là công cụ để thực hiện để đầu tư trực tiếp vào các tài sản mà không cần mua hoặc nắm giữ bản thân tài sản. Chứng khoán phái sinh cũng giảm thị trường phản ứng nhanh hơn với thông tin mới so với thị trường giao ngay, do đó nhà đầu tư mặc dù không tham gia giao dịch chứng khoán sẽ có thể dự báo tốt hơn giá chứng khoán trên thị trường giao ngay, đây là chứng năng định giá của chứng khoán phái sinh (price discovery). Ngoài ra, chứng khoán phái sinh còn góp phần vào hội nhập thị trường vốn toàn cầu, nâng cao hiệu quả, phân bổ vốn và đầu tư…
Sự phát triển của thị trường các chứng khoán phái sinh cơ bản có thể được tiến hành đồng thời với phát triển thị trường trái phiếu và cổ phiếu. Do thị trường phái sinh phải dựa vào hàng hóa cơ sở nên cần phải phát triển hàng hóa cơ sở trước và đảm bảo tính thanh khoản phù hợp của nó trước khi xây dựng thị trường phái sinh. Tuy nhiên, nếu đợi đến khi thị trường hàng hóa cơ sở phát triển một cách đầy đủ có thể sẽ không tối ưu. Các chứng khoán phái sinh thường khuyến khích nhà đầu tư sẵn sàng mua và nắm giữ chứng khoán. Ví dụ như nếu có quyền chọn, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu có thể đồng thời thực hiện bán quyền chọn mua số cổ phiếu đó (covered call) để kiếm thêm thu nhập từ danh mục đầu tư sang nắm giữ với mức rủi ro tối thiểu. Điều này sẽ tăng tính hấp dẫn để nhà đầu tư sẵn sàng thực hiện đầu tư dài hạn. Kinh nghiệm về chứng khoán phái sinh trên thị trường trái phiếu Mỹ cho thấy chứng khoán phái sinh giúp tăng đáng kể tính thanh khoản của trái phiếu chính phủ và thúc đẩy sự phát triển của thị trường này.
|
Viết Vinh (Vietstock)
ffn
|