Đầu tư ETF (Exchange Traded Fund) - Phần 5
Theo Đề án tổ chức và quản lý giao dịch chứng chỉ quỹ ETF tại Sở GDCK Hà Nội và gần đây nhất là Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ hoán đổi danh mục (ETF) của UBCKNN, ETF đầu tiên của Việt Nam sẽ sử dụng kỹ thuật spot-market replication để mô phỏng chỉ số chứng khoán và sẽ chính thức ra đời vào năm 2013.
Để giúp NĐT hiểu rõ hơn về sản phẩm này, chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc chi tiết về ETF, phân tích lợi ích và rủi ro khi đầu tư vào ETF. Đồng thời cũng đưa ra bức tranh thực tế về việc triển khai ETF tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Đừng để ETF ra đời rồi lụi tàn
Nếu như trong năm 2010 và 2011, nhà đầu tư trong nước chỉ mơ hồ biết đến các quỹ ETF nước ngoài là tác nhân gây biến động mạnh về giá và khối lượng giao dịch của các cổ phiếu vốn hóa lớn đang niêm yết trong nước thì tới nay, các dấu hiệu tích cực về việc thành lập các quỹ ETF trong nước đã ngày càng rõ ràng hơn.
Cuối năm 2011, Bộ Tài chính đã lần đầu tiên đưa ra Thông tư 183/2011/TT-BTC về việc hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở. Đây được xem là một bước ngoặt quan trọng đối với thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước và cũng là tiền đề cho việc vận hành ETF sau này vì theo pháp luật của nhiều nước trên thế giới ETF được xem là một hình thức của quỹ mở.
Trong nửa đầu năm 2012, chỉ số VN30 của Sở GDCK TPHCM (HOSE) và HNX30 của Sở GDCK Hà Nội (HNX) cũng đã được đưa vào hoạt động. Bên cạnh hai chỉ số truyền thống là VN-Index và HNX-Index, hai chỉ số mới được giới thiệu mang nhiều đặc điểm thích hợp để phát triển các quỹ chỉ số về sau.
Đến ngày 10/8/2012, HNX cùng với UBCK và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) đã tổ chức buổi hội thảo giới thiệu Đề án tổ chức và quản lý giao dịch chứng chỉ quỹ (CCQ) ETF tại sàn Hà Nội. Theo Đề án, ETF đầu tiên của Việt Nam (VN) dự kiến sẽ được phát hành, niêm yết và giao dịch vào quý 3/2013. Sau hội thảo chưa đầy 2 tháng, UBCK đã công bố Dự thảo Thông tư hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ hoán đổi danh mục (quỹ ETF) để tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các thành viên thị trường nhằm hoàn thiện khung pháp lý cơ bản cho việc triển khai ETF tại VN.
Ngày 12/10/2012, HOSE cũng đã phối hợp với UBCK và VSD tổ chức Hội thảo sản phẩm ETF tại HOSE bàn về những nội dung còn vướng mắc trong Dự thảo Thông tư và một số quy định cơ bản về việc phát hành và niêm yết CCQ ETF tại HOSE.
Tất cả những sự kiện trên đã thể hiện quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc đưa một sản phẩm phổ biến trên thế giới vào VN trong thời gian sớm nhất có thể.
Với những ưu điểm nổi trội so với các sản phẩm truyền thống khác như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, quỹ mở, ETF đang trở thành mối quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước và được kỳ vọng sẽ tạo ra các chuyển biến tích cực cho TTCK VN. Tuy nhiên, việc triển khai thành công ETF trong nước vẫn còn gặp phải không ít khó khăn.
Trước tiên, VN vẫn còn thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh cho việc thành lập và hoạt động của ETF. Hiện nay, dự thảo Thông tư hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ ETF vẫn còn đang trong giai đoạn thu thập ý kiến của các thành viên thị trường. Việc tạo lập, vận hành và chuyển giao chỉ số giữa nhà tạo chỉ số và công ty quản lý quỹ (QLQ) là một phần không thể thiếu để thành lập và hoạt động ETF nhưng VN lại chưa từng có quy định nào về vấn đề này.
Chúng ta cũng thiếu hẳn các quy định chi tiết về việc niêm yết và giao dịch CCQ ETF trên các Sở GDCK, đặc biệt là quy định về nhà tạo lập thị trường (market maker), một đối tượng quan trọng trong giao dịch ETF và các chứng khoán khác.
Thứ hai là vấn đề về các chỉ số mục tiêu cho ETF mô phỏng. Theo đề án của HNX, HNX30 sẽ là chỉ số mục tiêu cho quỹ ETF đầu tiên của VN và sẽ áp dụng kỹ thuật mô phỏng vật chất (physical replication). Mặc dù phương pháp tính của HNX30 đáp ứng yêu cầu của ETF nhưng chỉ số này có thể chưa thực sự phù hợp trong giai đoạn đầu tiên triển khai ETF vì chất lượng và tính thanh khoản của các cổ phiếu niêm yết trên HNX khá thấp.
Khi các cổ phiếu trong rổ chỉ số thanh khoản kém, công ty QLQ khó có thể tái cơ cấu danh mục để mô phỏng theo chỉ số mục tiêu, từ đó sẽ làm cho sai số mô phỏng trở nên rất lớn (không có quỹ ETF nào lại muốn điều này xảy ra!).
Nếu VN30 được sử dụng thay cho HNX30 thì đây cũng chưa là một lựa chọn thích hợp vì phương pháp tính của VN30 ưu tiên mức vốn hóa hơn là tính thanh khoản của cổ phiếu cơ cấu.
Mặt khác, hiện chỉ có hai Sở GDCK cung cấp các chỉ số chứng khoán. Có rất ít khả năng việc cung cấp chỉ số cho ETF đầu tiên của VN được chuyển cho bên khác thực hiện, ngay cả đó là các nhà cung cấp chỉ số chuyên nghiệp trên thế giới như MSCI, FTSE hay S&P.
Thứ ba, ngay cả khi vấn đề pháp lý và chỉ số được giải quyết, việc triển khai ETF cũng có thể khó thành công do sự kém phát triển của TTCK VN. Ở TTCK của những nước có lịch sử phát triển lâu dài, ETF thường ra đời sau các sản phẩm tiên tiến khác như công cụ phái sinh và các sản phẩm cơ cấu. Do đó, công ty QLQ có thể dễ dàng sử dụng các công cụ phái sinh để tối thiểu hóa sai số mô phỏng. Hệ thống vay mượn chứng khoán (SBL) ở các nước cũng vận hành hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ chế arbitrage ETF và giúp các công ty QLQ tối ưu hóa danh mục.
Trong khi đó ở VN chỉ có cổ phiếu và trái phiếu. Các công cụ phái sinh dù đã được đề cập nhiều lần nhưng vẫn chưa được giao dịch chính thức vì việc vận hành và quản lý những sản phẩm này không hề đơn giản. Hơn nữa, hệ thống SBL lại tương đối phức tạp đối với một thị trường thiếu vắng những thành viên chuyên nghiệp và hệ thống giao dịch phù hợp như ở VN. Vì những lý do đó, một khi ETF được triển khai sẽ khó tránh khỏi sai số mô phỏng lớn và kém hấp dẫn nhà đầu tư.
Thứ tư là vấn đề về chất lượng của cổ phiếu niêm yết. Tính tới tháng 9/2012, khoảng 15 công ty (chiếm 2% toàn thị trường) đã bị hủy niêm yết. Một số công ty do bị lỗ 3 năm liên tiếp, số khác do không phát sinh giao dịch trong suốt 12 tháng hoặc vi phạm quy định công bố thông tin. Thêm vào đó, có khoảng 70 công ty đang trong tình trạng cảnh báo và bị kiểm soát do thua lỗ lớn, gồm cả những tên tuổi như QCG, SBS, CMC... Một thống kê sơ bộ cho thấy trong năm nay có ít nhất 15% trong số 705 công ty đang niêm yết trên HOSE và HNX có nguy cơ bị hủy niêm yết.
Tình trạng hiện tại lại phản ánh phần nào quy định niêm yết dễ dãi của các Sở GDCK, từ đó dẫn đến nhiều công ty niêm yết kém chất lượng và mối quan tâm của nhà đầu tư vào thị trường ngày càng bị suy giảm. Khi khối lượng giao dịch quá thấp, các công ty QLQ ETF hầu như sẽ không thể mô phỏng thành công chỉ số mục tiêu.
Thứ năm, các CTCK đang gặp nhiều khó khăn và khó có thể hoàn tất vai trò thành viên lập quỹ ETF (AP). Theo UBCK, sau quý 1/2012, có tới 66/106 CTCK báo cáo lỗ, 12 trong số đó lỗ hơn ½ vốn điều lệ. Nhiều CTCK lại chậm công bố thông tin theo quy định, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, thậm chí còn lũng đoạn thị trường do hệ thống giám sát TTCK hiện còn yếu kém. Do quy mô vốn nhỏ và khả năng quản lý rủi ro còn hạn chế, sẽ có rất ít CTCK đủ tiêu chuẩn trở thành AP cho các ETF.
Thực tế trên cho thấy, để triển khai ETF thành công tại VN, rất cần một cuộc cải cách sâu rộng trên TTCK. Các biện pháp cần thực hiện không chỉ là hoàn thiện khung pháp lý cho ETF mà còn cần phải phát triển hệ thống SBL và chứng khoán phái sinh, xây dựng cơ chế hoạt động cho các nhà cung cấp chỉ số và nhà tạo lập thị trường. Bên cạnh đó, cần cải thiện chất lượng cổ phiếu niêm yết và hệ thống giám sát để tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong giao dịch chứng khoán.
Một sản phẩm mới cũng khó mà thành công nếu người sử dụng thiếu hiểu biết. Do vậy, song song với các biện pháp trên thì các nhà đầu tư phải được tập huấn, đào tạo thường xuyên và liên tục về đặc điểm, cơ chế hoạt động, lợi ích và rủi ro của ETF.
Đọc thêm:
* Phần 1: ETF là gì?
* Phần 2: Vì sao nhà đầu tư nên chọn ETF?
* Phần 3: Những rủi ro cần cân nhắc khi đầu tư vào ETF
* Phần 4: Hiểu đúng về bán khống với ETF
Thúy Ái (Vietstock)
ffn
|