UBCK trả lời về “4 vấn đề vô cùng cấp bách”
Vừa qua, UBCK đã làm việc với nhóm công tác thị trường vốn để thống nhất các vấn đề kiến nghị của nhóm này trước thềm sự kiện Diễn đàn doanh nghiệp dự kiến diễn ra ngày 3/12/2012.
Ông Nguyễn Sơn
|
Theo đó, nhiều vấn đề khúc mắc mà nhóm công tác nêu đã được giải quyết và đạt được sự thống nhất giữa các bên. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK về những nội dung tiếp thu của cơ quan quản lý xung quanh 4 vấn đề cấp bách mà nhóm công tác đã nêu.
Thưa ông, trong kiến nghị của mình, nhóm công tác thị trường vốn cho rằng, biên độ giao dịch hiện nay đã làm hạn chế biến động tự nhiên của giá chứng khoán, từ đó gây ảnh hưởng đến thanh khoản trên thị trường - một trong những vấn đề đáng quan ngại của TTCK Việt Nam thời gian qua. Ông có bình luận gì về ý kiến này? Liệu UBCK có ý định nâng biên độ giao dịch?
Trong tuần qua, UBCK cũng đã làm việc với Nhóm công tác thị trường vốn trên tinh thần tiếp thu hợp tác và để cả NĐT và cơ quan quản lý hiểu nhau hơn. Về phía UBCK, chúng tôi cũng đã nhận thấy sự sụt giảm thanh khoản trên thị trường trong thời gian vừa qua và cơ quan quản lý cũng đã có những biện pháp mang tính kỹ thuật để cải thiện thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nguyên nhân chính khiến thanh khoản sụt giảm là do tác động của kinh tế vĩ mô và các yếu tố bên ngoài khác tác động lên TTCK.
Trong năm qua, chúng tôi cũng đã thực hiện một số giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ thanh khoản thị trường như kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều; đưa vào áp dụng lệnh thị trường (MP); rút ngắn thời gian thanh toán chứng khoán từ chiều T+3 xuống sáng T+3, qua đó cho phép nhà đầu tư được bán chứng khoán vào sáng ngày T+3, góp phần cải thiện thanh khoản. Thực tế, mức độ tăng cả về khối lượng và giá trị giao dịch chứng khoán sau đó đã chứng minh đây là một giải pháp hợp lý.
Về ý kiến tăng biên độ giao dịch để cải thiện thanh khoản trên thị trường, vấn đề này cũng đã được đặt ra từ quý II/2012 và UBCK đã báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận để cho phép triển khai nới rộng biên độ khi thích hợp, đảm bảo tối đa lợi ích của NĐT cũng như có biện pháp siết chặt và quản lý đảm bảo vận hành thị trường ổn định. Tuy nhiên, như chúng ta thấy trong thời gian gần đây, TTCK Việt Nam đón nhận khá nhiều “tin xấu” từ một số cá nhân điều hành doanh nghiệp, cũng như nợ xấu khu vực ngân hàng, công ty chứng khoán… có tác động gây bất ổn tâm lý NĐT, có thể dẫn tới bán tháo cổ phiếu. Do vậy, việc nới lỏng biên độ giao dịch cần cân nhắc xem xét thận trọng và thời điểm áp dụng hợp lý.
Mặc dù biên độ giao dịch trên hai Sở GDCK bị giới hạn ở mức +/-5% đối với các mã chứng khoán niêm yết trên HOSE, +/-7% đối với chứng khoán niêm yết trên HNX, nhưng các trường hợp giao dịch khối lượng lớn ngoài biên độ, giao dịch thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty cũng được pháp lý cho phép thực hiện thông qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán sau khi có đủ cơ sở xem xét và chấp thuận từ phía UBCK.
Nhóm công tác cũng cho rằng, Bộ Tài chính, UBCK nên xem xét luật hóa và cho phép bán khống được triển khai, song song với việc tăng cường công tác quản lý, giám sát để tăng tính minh bạch cho thị trường. Quan điểm của UBCK về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Có một thực tế là không chỉ riêng tại Việt Nam, TTCK trên toàn thế giới vẫn đang trong giai đoạn suy giảm, nên quan điểm quản lý chung là xem xét thận trọng và giám sát chặt các sản phẩm có tính đòn bẩy. Hiện tại, nhiều TTCK lớn trên thế giới cũng đang quy định chặt chẽ về bán khống và Ủy ban châu Âu vừa qua cũng đưa ra các quy định về cấm bán khống để ngăn chặn đà suy giảm, bán tháo cổ phiếu. Nói như vậy để thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay, bán khống là một nghiệp vụ có tính hai mặt rõ rệt và phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi triển khai.
Việc triển khai nghiệp vụ bán khống chứng khoán sẽ được xem xét thực hiện khi cơ chế giám sát được hoàn thiện
|
Việc triển khai nghiệp vụ bán khống sẽ được xem xét thực hiện khi chúng ta hoàn thiện được cơ chế giám sát chặt chẽ và kiểm soát vay mượn chứng khoán cũng như cơ chế kiểm soát rủi ro thông qua việc áp dụng các quy định về bù trừ đối tác trung tâm (CCP) và vay mượn chứng khoán (SBL) thông qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán.
Hai yếu tố được NĐT nước ngoài quan tâm là đơn giản thủ tục hành chính trong cấp mã số giao dịch, và cho phép tăng tỷ lệ sở hữu, hình thức sở hữu… của NĐT nước ngoài. Cơ quan quản lý sẽ tiếp thu vấn đề này như thế nào để tạo điều kiện cho NĐT nước ngoài tham gia dễ dàng hơn cũng như sâu hơn vào TTCK trong nước?
Việc giảm thiểu các thủ tục hành chính trong việc cấp mã số giao dịch nhà đầu tư nước ngoài hiện nay đã được UBCK sửa đổi trong Thông tư thay thế Quyết định số 121/2008/QĐ-BTC, qua đó cho phép bỏ quy định yêu cầu NĐT cá nhân nước ngoài phải có lý lịch tư pháp, hoặc cho phép NĐT tổ chức nước ngoài chậm nộp thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự. Ngoài ra, thời gian xem xét hồ sơ cấp phép cũng sẽ được giảm thiểu từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Dự thảo này sẽ được Bộ Tài chính ban hành trong năm 2012.
Về kiến nghị tăng tỷ lệ sở hữu NĐTNN trong các DN nói chung và NHTM nói riêng: Hiện tại, UBCK cũng đang hoàn chỉnh dự thảo để thay thế Quyết định 55/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài trên TTCK Việt Nam. Theo đó, trước mắt, các DN nói chung vẫn giữ tỷ lệ tối đa 49%, tuy nhiên, cho phép các DN không thuộc diện bị hạn chế sở hữu theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì có thể sở hữu đến 100%. Ngoài ra, để triển khai các cam kết trong hội nhập WTO đối với lĩnh vực dịch vụ chứng khoán, dự thảo mới cũng hướng dẫn chi tiết thêm các quy định cho phép góp vốn, mua cổ phần để thành lập CTCK, CTQLQ 100% vốn nước ngoài dưới hình thức công ty TNHH, vẫn để mở chi nhánh của CTCK nước ngoài tại Việt Nam để hoạt động tư vấn.
Về kiến nghị cho phép sở hữu nước ngoài trên 30% vốn điều lệ tại các NHTM, đây là vấn đề mà chúng tôi cũng đã có kiến nghị với NHNN xem xét để báo cáo với Chính phủ khi sửa Nghị định 69/CP, đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta đang tái cấu trúc lại hệ thống các NHTM, cần chính sách thu hút vốn của các tổ chức tín dụng quốc tế có tiềm lực tài chính và uy tín.
Đôi với kiến nghị xem xét cho phép NĐTNN được mua trên 49% vốn cổ phần của DN thông qua loại hình cổ phiếu không có quyền biểu quyết để thu hút vốn nước ngoài, nhưng vẫn đảm bảo cơ chế kiểm soát trong nước, theo tôi, cũng là ý kiến đáng lưu tâm. Hiện tại, Luật Doanh nghiệp có quy định “cổ phiếu ưu đãi khác”, nghĩa là đã mở ra cơ chế cho loại hình cổ phiếu này, do vậy, theo tôi, cần có quy định hướng dẫn cấp Nghị định của Chính phủ để có thể sớm triển khai thực hiện.
Bùi Sưởng thực hiện
đầu tư chứng khoán
|