Góc nhìn 13/11: Giảm điều chỉnh?
Phần lớn công ty chứng khoán cho rằng sẽ có đợt điều chỉnh giảm sau nhiều phiên tăng điểm, chỉ có VDS nhận định khá lạc quan về thị trường.
Áp lực điều chỉnh giảm lớn
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Phiên giao dịch 12/11 thị trường có thêm một phiên tăng điểm khá khởi sắc. Mức tăng của hai sàn tuy không mạnh nhưng lại đến từ một số nhóm ngành bất động sản, khoáng sản và những cổ phiếu thị trường như SSI, PVF, SCR, SHB… Nhà đầu nước ngoài cũng đóng góp vào sức mua của thị trường với việc mua ròng 27.2 tỷ đồng, tập trung ở một số cổ phiếu như GAS, HSG, KBC…
Thông tin giảm giá xăng với mức giảm chỉ là 500 đồng cũng không phải là thông tin quá tích cực trong bối cảnh hiện tại, nhưng thị trường đã có phiên giao dịch tốt với thanh khoản tăng nhẹ và sự lan tỏa từ việc tăng điểm của những cổ phiếu dẫn dắt. Trong phiên giao dịch sắp tới để có thể duy trì được đà tăng thị trường sẽ phải đối mặt với một số ngưỡng kháng cự mạnh và áp lực điều chỉnh khá cao sau nhiều phiên tăng điểm liên tiếp.
Do đó, FPTS vẫn giữ quan điểm thận trọng và khuyến nghị nhà đầu tư giữ tỷ lệ tiền mặt cao trong danh mục khi thị trường chưa có tín hiệu bứt phá hoặc thông tin hỗ trợ tích cực hơn.
Hạn chế bắt đáy
Chứng khoán Woori CBV (Woori): Ngày 12/11, VN-Index đã có phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp và đã lấy lại mức điểm trước phiên giảm giá mạnh cách đây 02 tuần. Chỉ số đã quay lại kênh giá 375 – 400 được hình thành từ cuối tháng 8 và đây vẫn được xem là kênh chuyển động chính của VN-Index trong thời gian tới.
Ngược lại, HNX-Index vẫn trong xu hướng giảm khá rõ, và một vài phiên giao dịch đảo chiều thời gian gần đây có thể do sự ảnh hưởng từ việc phục hồi của các cổ phiếu trên sàn HOSE. Thực tế cho thấy việc tăng điểm của các cổ phiếu trên sàn HNX còn khá hạn chế và tập trung ở một vài mã lớn, có ảnh hưởng đến chỉ số. Do đó, việc bắt đáy đối với các cổ phiếu trên sàn HNX nên hạn chế bởi rủi ro giảm giá vẫn khá lớn.
Diễn biến sẽ tích cực hơn
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt là các cổ phiếu lớn ngành chứng khoán và bất động sản (sàn HOSE) và ngành ngân hàng (sàn HNX), tăng giá tốt là động lực giúp các chỉ số duy trì đà tăng điểm của phiên cuối tuần trước. Điểm tích cực khác ở phiên 12/11 là sự cải thiện thanh khoản, tổng giá trị khớp lệnh trên cả hai sàn đạt khoảng 610 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với mức bình quân của tuần trước.
Về phía vĩ mô, có thể thông tin giảm giá xăng được công bố vào chiều muộn ngày 11/11 đã giúp nhà đầu tư yên tâm hơn với khả năng kiểm soát thành công lạm phát năm 2012 của cơ quan điều hành. Ngoài ra, trong tuần này, Quốc hội tiến hành các phiên chất vấn Thủ tướng và bốn vị bộ trưởng. Qua đó, kỳ vọng sẽ có lời giải cho các vấn đề đang nhận được nhiều quan tâm của dư luận như các vấn đề về sản xuất, công nghiệp, xây dựng, nông ngiệp và các ngành kinh tế khác đã làm cho kinh tế của đất nước có hiện tượng trì trệ chưa đủ sức phục hồi như thất nghiệp, khó khăn, nợ xấu, hàng tồn kho ứ đọng...
Diễn biến thị trường phiên 12/11 cho thấy nhà đầu tư đang lạc quan hơn so với tuần trước. Bên cạnh đó, kỳ vọng triển vọng vĩ mô sẽ rõ ràng hơn sau kỳ chất vấn của Quốc hội giúp duy trì tốt tâm lý nhà đầu tư trong tuần này. Do vậy, VDS cho rằng xu hướng các chỉ số sẽ diễn biến tích cực trong tuần này đang có xác suất xảy ra cao.
Chờ đợi đợt điều chỉnh
CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE): Hai sàn đồng loạt tăng điểm với số cổ phiếu tăng áp đảo so với số giảm bằng tỷ lệ khoảng 3/1. Tâm lý các nhà đầu tư tích cực làm các chỉ số về độ rộng thị trường được cải thiện. Nhóm bất động sản và chứng khoán tăng rất mạnh, có thể kể tên HCM (+4.8%), BVS (+4.3%), LCG (+4.8%), DIG (+4.6%)..., trong khi nhóm ngân hàng lại chậm chạp hơn so với đà lên giá của thị trường do CTG (tham chiếu), VCB (-0.4%), STB (-0.5%). Đáng chú ý, SHB (+6.1%) tăng trần kèm theo thanh khoản tăng 100% so phiên trước.
Khối lượng giao dịch tổng cộng của hai sàn đạt 74.3 triệu cổ phiếu, tăng 60% so với mức 46.2 triệu của phiên thứ Sáu 9/11. Mức gia tăng này của khối lượng trong diễn biến tăng giá của thị trường phản ánh tâm lý cởi mở hơn với rủi ro của các nhà đầu tư, được nhìn nhận là tích cực.
Xu hướng ngắn hạn của HNX-Index vẫn là giảm giá với các đỉnh và đáy thấp hơn. VN-Index đã lấp được khoảng trống phiên giảm điểm mạnh, đưa triển vọng ngắn hạn của chỉ số này trở nên tích cực hơn. MBKE cho rằng các nhà đầu tư nên chờ đợi đợt điều chỉnh sau nhịp tăng giá này: Nếu thị trường giữ vững trên khu vực 372-378, các chiến lược giao dịch phi xu hướng có thể được áp dụng trở lại.
Sẽ có phân hóa trong nhòm cổ phiếu beta cao
CTCP chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS): Mặc dù không có thông tin tích cực sau những ngày nghỉ cuối tuần ngoại trừ giá xăng giảm 500đ/lít, nhưng các thị trường 12/11 vẫn có một phiên tăng điểm khá tốt. Kết thúc phiên chỉ số VN-Index tăng 1.91 điểm (0.49%) lên 388.62 điểm và HNX-Index tăng 0.94 điểm (1.82%) lên 52,52 điểm.
Giá xăng giảm hoàn toàn không phải là yếu tố chính khiến thị trường tăng mạnh trong ngày 12/11, bởi lực mua khoảng thời gian đầu là khá yếu. Lực cầu được đẩy mạnh cuối phiên sáng và chủ yếu là phiên đầu giờ chiều, tập trung nhiều ở các mã có hệ số beta cao khiến nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên.
Cổ phiếu SHB tiếp tục là tâm điểm của sàn HNX khi khối lượng giao dịch khá lớn. Thanh khoản cả hai sàn cũng tăng mạnh so với những phiên trước đó. Chưa thể lý giải cụ thể cho đà tăng trong phiên 12/11, nhưng các cổ phiếu có hệ số beta cao tăng giá sẽ khiến tâm lý thị trường trở nên tích cực hơn. Tuy nhiên, ở các phiên sắp tới sự tăng giảm của nhóm cổ phiếu này sẽ có sự phân hóa.
Mỹ Hà tổng hợp (Vietstock)
FFN
|