Thứ Ba, 13/11/2012 16:48

Kích cầu bằng trái phiếu công trình

Báo cáo tình hình kinh tế tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2012 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGS) có đưa ra khuyến nghị, cần đẩy mạnh phát hành trái phiếu công trình nhằm kích cầu kinh tế để giải phóng hàng tồn kho. Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch UBGS đã chia sẻ với ĐTCK những căn cứ để đưa ra khuyến cáo này.

Phát hành trái phiếu công trình sẽ có ý nghĩa như thế nào trong việc nâng cao tổng cầu trong nền kinh tế, thưa ông?

Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận tổng cầu của nền kinh tế giai đoạn hiện nay bao gồm cả cầu đầu tư và cầu tiêu dùng đang rất thấp. Cầu tiêu dùng 10 tháng đầu năm 2012, dựa trên doanh số bán lẻ do Tổng cục Thống kê công bố, sau khi trừ đi yếu tố lạm phát chỉ tăng 6,8%. Trong khi đó, nhiều năm gần đây, con số này ở mức trên 10%. Còn cầu đầu tư thì rõ ràng hơn, tổng vốn đầu tư xã hội trong những năm qua đang từ trên 40% GDP (trước đây, mức đầu tư như thế là quá lớn), thì năm 2012 này ước tính giảm xuống còn khoảng 30%, trong khi kế hoạch là 33,5%. Đi liền với đó, một dấu hiệu thể hiện tổng cầu cũng thấp là khả năng hấp thụ vốn của các DN biểu hiện qua tín dụng tăng rất thấp, đó là hệ quả của việc thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô.

Hiện nay, nền kinh tế tập trung vào bài toán giải quyết tồn kho của các DN và Quốc hội cũng đang bàn rất kỹ vấn đề này. Cũng trên cơ sở các báo cáo và đề xuất của Chính phủ, có thể thấy rõ là phải giải quyết bài toán tồn kho của DN, hay nói rộng hơn là phải giải quyết khó khăn cho DN. Nguyên nhân làm cho DN khó khăn chính là do tổng cầu thấp, nhu cầu thấp dẫn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, do đó DN phải cắt giảm, thu hẹp sản xuất, thậm chí không ít DN buộc phải giải thể. Vì vậy, cần phải thúc đẩy tổng cầu của nền kinh tế.

Về nguyên lý, khi nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm, tổng cầu thấp thì Chính phủ phải sử dụng các công cụ chính sách vĩ mô để thúc đẩy tổng cầu. Ngược lại, khi nền kinh tế tăng trưởng “nóng”, có nguy cơ gây ra lạm phát cao, gây bất ổn kinh tế vĩ mô thì Chính phủ thông qua chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để điều tiết tổng cầu, giảm bớt “nhiệt” trong nền kinh tế. Vì vậy, Chính phủ cần “nới” chính sách tài khóa trong điều kiện hiện nay.

Đáng chú ý, cân đối ngân sách năm 2013 sẽ rất khó khăn, do nguồn thu tiếp tục gặp nhiều thách thức, trong khi chỉ tiêu bội chi ngân sách đã được “chốt” ở mức không vượt quá 4,8% GDP. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần phải phát hành trái phiếu công trình để có nguồn mở rộng đầu tư.

Như vậy, trái phiếu công trình sẽ phát hành để tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng?

Đúng vậy, đầu tư nên tập trung vào hạ tầng cơ sở, những dự án cấp thiết và những dự án cơ bản đã có trong chương trình, trong kế hoạch hoặc tập trung hoàn thiện những dự án đang dở dang. Lý do, một là chúng ta cần phải triển khai nhanh để tạo hiệu ứng lan tỏa tốt; hai là tập trung vào những lĩnh vực đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng, để tập trung xử lý điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế hiện nay chính là lĩnh vực xây dựng và BĐS. Nhân đây phải nói thêm một chi tiết, quy mô thị trường BĐS rất lớn. Chúng ta phải thừa nhận là những năm trước, thị trường BĐS phát triển khá “nóng”, nhưng 2 năm trở lại đây đã chững lại, đặc biệt từ cuối năm 2011, thị trường này đóng băng, trong khi rất nhiều ngành công nghiệp phát triển dựa trên nhu cầu của thị trường BĐS và lĩnh vực xây dựng.

Lĩnh vực xây dựng hiện nay đang chiếm khoảng 10% GDP (khu vực công nghiệp xây dựng tổng cộng chiếm khoảng 40%; trong đó công nghiệp là 30%, xây dựng khoảng 10%). 2 năm qua, tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng là âm, thị trường BĐS đóng băng, chúng ta có thể thấy rõ là những ngành công nghiệp có liên quan đến xây dựng và BĐS đều bị ảnh hưởng rất lớn. Khi nguồn vốn từ phát hành trái phiếu công trình được đầu tư vào hạ tầng cơ sở sẽ góp phần “sưởi ấm” thị trường BĐS và lĩnh vực xây dựng, qua đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa nhanh cho các ngành công nghiệp khác.

Vấn đề ở đây là chúng ta phải tính toán và thận trọng: thứ nhất, lượng phát hành bao nhiêu, mức độ như thế nào để tránh nguy cơ gây ra lạm phát; thứ hai, tiến độ triển khai như thế nào để tạo ra hiệu ứng lan tỏa tốt nhất, sớm đi vào cuộc sống để thúc đẩy tổng cầu, thúc đẩy nền kinh tế, càng để chậm càng khó; thứ ba, chuẩn bị công tác tổ chức triển khai đảm bảo tính hiệu quả, nếu không chu đáo mà làm vội vàng hoặc đi tắt thì đơn vị sử dụng vốn có thể chưa hội đủ các yếu tố, quản lý có thể bị thất thoát, làm giảm hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn.

Theo tính toán của ông, khối lượng, thời hạn và lãi suất của trái phiếu công trình như thế nào thì hợp lý?

Đi vào những yếu tố cụ thể thì những cơ quan phát hành phải tính toán, đo lường được khả năng hấp thụ của thị trường. Theo cá nhân tôi, dựa theo tình hình cụ thể hiện nay, trái phiếu có thể có một số đặc tính sau:

Về khối lượng phát hành, tôi cho rằng, từ 50.000 - 60.000 tỷ đồng là hợp lý. Đây là mức vừa phải để nền kinh tế có thể hấp thụ một cách có hiệu quả, đồng thời không gây lạm phát.

Về thời hạn của trái phiếu, có lẽ tùy thuộc vào công trình, nhưng cần xác định rằng, nếu tính vào nguồn thu từ công trình thì chắc chắn thời hạn phải rất dài. Tuy nhiên, hiện nay phải tính tới yếu tố thị trường có khả năng chấp nhận là bao nhiêu. Tôi nghĩ, trong điều kiện kinh tế như hiện nay, chúng ta phải chấp nhận loại trái phiếu thời hạn 5 năm, thậm chí có thể một phần có thời hạn 3 năm.

Còn lãi suất, ở thời điểm hiện nay có thể vào khoảng 10%năm, nếu trái phiếu dài hạn thì nên tính tới yếu tố lãi suất ổn định trong vòng 2 năm, những năm sau áp dụng lãi suất thả nổi.

Còn thời điểm và cơ quan nào nên đứng ra phát hành trái phiếu công trình, thưa ông?

Tôi cho rằng, nên triển khai sớm nhất có thể. Tất nhiên, nên tránh dịp Tết, vì đây là thời kỳ nhu cầu tín dụng, nhu cầu vốn để thu mua nguyên vật liệu sản xuất tập trung cao. Đây cũng là giai đoạn các DN phải nộp thuế, đồng thời nhiều đơn vị chi tiêu sử dụng vốn ngân sách để cuối năm xử lý và tất toán, nên lượng tiền lưu chuyển rất nhiều. Đo lường và tính toán đảm bảo thanh khoản thị trường giai đoạn này luôn là bài toán khó cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính.

Trái phiếu công trình nên do Bộ Tài chính phát hành. Còn người mua thì cần xác định rõ, với đặc điểm của thị trường hiện nay, có lẽ trong nhiều năm tới vẫn chủ yếu là các tổ chức tín dụng (TCTD). Từ đây cũng đặt ra một vấn đề nữa là sự phối hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ sao cho hài hòa, hợp lý.

Nếu các TCTD là người mua những trái phiếu này, có nghĩa dòng tiền ra chủ yếu vẫn từ NHNN?

Trước hết, tiền để mua trái phiếu là từ các ngân hàng. Do đó, như tôi đã nói ở trên, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải linh hoạt và phối hợp chặt chẽ với nhau. Thực ra, trong chừng mực nhất định, cần xác định chính sách tiền tệ phải được xử lý ở mức độ linh hoạt nào đó thì thanh khoản mới không khó khăn, các ngân hàng mới dồi dào thanh khoản. Căn cứ vào điều kiện thị trường, nếu thanh khoản có khó khăn thì NHNN phải hỗ trợ. Thanh khoản của các ngân hàng hiện đang dư dật, bản thân các NHTM bỏ tiền ra mua trái phiếu, đến một lúc nào đó có thể sử dụng trái phiếu để tiếp cận vốn của NHNN qua thị trường mở hoặc thế chấp để vay tái cấp vốn từ NHNN.

Nhưng việc phát hành trái phiếu có thể tác động lên lạm phát, thưa ông?

Chúng ta vẫn phải hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, do vậy nếu mở rộng đầu tư quá mức thì có thể gây ra lạm phát. Trong điều kiện năm 2013, vốn đầu tư, nguồn vốn ngân sách đầu tư phát triển và kể cả trái phiếu chính phủ theo các chương trình đã được duyệt, mỗi năm là 45.000 tỷ đồng, thì tổng vốn đầu tư xã hội của năm 2013 vẫn còn khá khiêm tốn so với những năm trước đây, tính theo tỷ trọng GDP và so với cả năm 2012. Vốn đầu tư FDI có lẽ cũng chỉ tương đương như năm 2011, 2012.

Điều này có nghĩa là tổng vốn đầu tư xã hội muốn tăng được, muốn mở rộng được phải dựa nhiều vào khu vực thứ ba, tức là khu vực vốn dân doanh, mà khu vực này chủ yếu dựa vào vốn ngân hàng, vốn tín dụng. Vốn tín dụng trong điều kiện hệ thống ngân hàng còn không ít khó khăn (thực tế của năm 2012 đã cho thấy điều đó) nên dù trong năm 2013 khả năng tín dụng có thể tăng, nhưng chắc chắn tăng không nhiều (dự tính sẽ không vượt quá 15%). Hay nói cách khác là chúng ta có bổ sung trái phiếu công trình thì cũng chỉ bổ sung một phần rất thiếu của nhu cầu đầu tư, của tổng vốn đầu tư, chứ không làm cho tổng vốn đầu tư xã hội tăng quá lớn. Vì vậy, không nên e ngại việc phát hành trái phiếu công trình tăng thêm sẽ gây ra lạm phát cao.

Hồng Dung thực hiện.

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 13/11: Giảm điều chỉnh? (12/11/2012)

>   “Ném đá dò đường” - Chiến lược cắt lỗ hiệu quả thời giá xuống (12/11/2012)

>   Góc nhìn tuần 12-16/11: Ai tin thị trường sẽ tích cực? (11/11/2012)

>   “Hớ” với tín hiệu đảo chiều, tự doanh tranh thủ lướt sóng (10/11/2012)

>   Đừng hiểu sai vai trò của VSD (09/11/2012)

>   Trách nhiệm chính thuộc về đối tượng thực hiện giao dịch thỏa thuận (09/11/2012)

>   Góc nhìn 09/11: Đà tăng không chắc chắn (08/11/2012)

>   Góc nhìn 08/11: Kỳ vọng lực cầu mạnh hơn (07/11/2012)

>   10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn kỹ thuật (07/11/2012)

>   Góc nhìn 07/11: Chưa thể cải thiện (06/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật