Góc nhìn 14/11: Đi ngang và giằng co
Thị trường không có cơ sở giảm sâu nhưng cũng chưa có tín hiệu bứt phá, nhiều khả năng sẽ đi ngang và giằng co trong các phiên tới.
Chưa có tín hiệu bứt phá
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Sau nhiều phiên tăng điểm liên tiếp thị trường đứng trước áp lực điều chỉnh khá cao, trong ngày giao dịch 13/11 cả hai sàn đều không thể tránh khỏi xu thế giảm. Một số cổ phiếu trong nhóm ngành khoáng sản, bất động sản làm cảm hứng cho thị trường phiên liền trước thì đa phần đều quay đầu giảm điểm và chỉ còn lại một vài mã giữ được sắc xanh nhẹ. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung mua ròng nhẹ với giá trị 12.2 tỷ đồng, tập trung ở một số cổ phiếu như GAS, HSG, MBB, VND.
Thị trường đang đối mặt với những ngưỡng kháng cự mạnh và để có thể duy trì được đà tăng cần phải có sự gia tăng mạnh mẽ của thanh khoản hoặc một thời gian tích lũy để thị trường có thể bứt phá mạnh hơn. Nhìn vào diễn biến những phiên tăng điểm gần đây thì thanh khoản cũng không thật sự ổn định, tâm lý nhà đầu tư đang thận trọng khi những thông tin về tình hình nợ xấu vẫn đang được bàn luận và chưa có kế hoạch giải quyết cụ thể.
FPTS cho biết vẫn giữ quan điểm thận trọng và khuyến nghị nhà đầu tư giữ tỷ lệ tiền mặt cao trong danh mục khi thị trường chưa có tín hiệu bứt phá hoặc thông tin hỗ trợ tích cực hơn.
VN-Index trở lại đi ngang
CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE): Hai sàn đồng loạt giảm điểm trong phiên 13/11 do áp lực bán gia tăng sau những phiên hồi phục gần nhất. Các cổ phiếu vốn hóa cao xuống đáng kể đã tác động mạnh tới thị trường chung: VNM (-0.8%), DPM (-0.9%), VCB (-1.7%), HAG (-1.9%), CTG (-3.7%).
Nhóm chứng khoán và ngân hàng đồng loạt mất điểm, trong khi nhóm ngân hàng yếu ớt, ngoại trừ SHB (+1.9%). Số cổ phiếu giảm điểm chiếm đa số trên thị trường, nhưng mức chênh lệch so với số tăng không áp đảo như những phiên bi quan trước đây.
Khối lượng giao dịch trên cả hai sàn giảm nhẹ, nhưng vẫn đứng ở mức cao hơn so với trung bình của 50 ngày gần nhất.
Phiên giảm điểm được cho là các nhà đầu tư chốt lời sau chuỗi những phiên hồi phục và do đó không gây ngạc nhiên. Mức 388 điểm của VN-Index đang phát huy vai trò kháng cự trong ngắn hạn. Nếu sự điều chỉnh này không đưa thị trường xuống dưới 378 điểm, có thể coi như VN-Index trở lại một giai đoạn đi ngang.
Không có cơ sở giảm sâu
CTCP chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS): “VN-Index đã tiến sát đến ngưỡng 390 điểm, dù chưa phải là ngưỡng kháng cự chính thức nhưng nó cũng là rào cản kỹ thuật khá lớn với đà tăng của chỉ số. Trong khi đó, mức tăng vừa qua đã lấp trọn khoảng trống (Gap) mà phiên giảm 02/11 để lại. Vì thế nhiều nhận định cho rằng thị trường sẽ điều chỉnh, và điều này dường như không nằm ngoài dự báo.
VN-Index giảm 3.4 điểm (0.87%) có tác động khá lớn từ nhóm LargeCap khi mà hàng loạt đều giảm: VNM, HAG, MSN, VIC, FPT, DPM... Quan sát lực bán, đặc biệt là lực bán tại phiên ATC, chúng tôi nhận thấy không thực sự mạnh. Vì thế quan ngại với việc thị trường sẽ điều chỉnh giảm sâu là chưa có cơ sở. Tuy nhiên, ở thời điểm khó khăn như hiện nay, lượng người đã bán sẽ không vội vàng mua lại cổ phiếu, họ sẽ chờ đợi khi giá giảm hơn nữa và điều này cho thấy xu hướng điều chỉnh sắp tới sẽ còn tiếp diễn. Khi mức giá cổ phiếu giảm đủ hấp dẫn, lực mua từ nhóm này sẽ xuất hiện trở lại.”
Lo ngại hiện tượng pullback kỹ thuật
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Hai chỉ số thị trường kết thúc phiên giảm điểm do lực bán mạnh cuối phiên tập trung vào nhóm cổ phiếu Large Cap, đầu cơ và ngân hàng. Thanh khoản lại sụt giảm trở lại cho thấy tâm lý thận trọng chưa hề được dỡ bỏ.
Việc thị trường nhanh chóng sụt giảm trở lại chỉ sau hai phiên tăng điểm khiến sự lo ngại mà VDS đề cập đến có khả năng trở thành hiện thực. Thị trường cho thấy vấn chưa hết rủi ro cao khi dễ dàng xoay chuyển một cách đột ngột từ tăng sang giảm và ngược lại.
Việc duy trì đà tăng bền vững trong một hai phiên tới là rất quan trọng để khẳng định xu hướng lạc quan. Nếu không thì các phiên vừa qua chỉ là hiện tượng pullback kỹ thuật trong một xu hướng giảm điểm của thị trường.
Giằng co mạnh
CTCP Chứng khoán dầu khí (PSI): Phiên 13/11, VN-Index đã có đảo chiều giảm ngay sát ngưỡng kháng cự 390 điểm. Đáng chú ý là sự thoái trào xuất hiện trên một loạt các cổ phiếu vốn tạo động lực chính cho sự tăng điểm của thị trường 3 phiên trước, điển hình là nhóm vốn hóa lớn, cổ phiếu ngân hàng trên HOSE; và trên HNX là các bluechips như VCG, SHB, SCR, PVX, v.v….
Có khả năng thị trường sẽ giằng co mạnh trong những phiên sắp tới, HNX-Index dao động trong vùng 52 – 54 điểm, trong khi đó các cổ phiếu “trụ cột” trên sàn này bắt đầu có dấu hiệu chững đà tăng khi tới gần các kháng cự mạnh. Việc VN-Index đảo chiều giảm ngay tại kháng cự 390 điểm phiên 13/11 đã khẳng định ý nghĩa của kháng cự này.
PSI tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng, khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỷ lệ tiền mặt cao trong danh mục.
Mỹ Hà (Vietstock)
FFN
|