Góc nhìn 10/10: Khó bứt phá
Các công ty chứng khoán nhận định thị trường khó phục hồi mạnh hơn nữa. Đối với nhà đầu tư nên tạm ngừng tham gia sâu, vẫn phải đề cao cảnh giác.
Khả năng bứt phá thấp
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Đà hồi phục của thị trường đã có dấu hiệu suy yếu sau phiên giao dịch ngày 09/10. Bất chấp việc dòng tiền đầu cơ vẫn chảy mạnh vào các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản, dầu khí, áp lực bán gia tăng trở lại đã khiến cho nỗ lực tăng điểm của chỉ số tiếp tục gặp khó khăn.
Qua diễn biến thị trường, có thể thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa thực sự ổn định sau khoảng thời gian dài thị trường lao dốc bởi thông tin xấu. Mặc dù các chỉ số vẫn duy trì được đà tăng nhẹ song sức cầu khá yếu kèm theo trạng thái lình xình tái diễn cuối phiên vẫn chưa cho tín hiệu lạc quan hơn về xu thế tăng điểm của thị trường trong ngắn hạn.
Về yếu tố thông tin, phiên giao dịch 09/10 đón nhận thông tin về việc IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2012 và 2013 lần lượt xuống còn 5.1% và 5.9%. Thông tin này đã phần nào gây ảnh hưởng xấu đến kỳ vọng của nhà đầu tư vốn mới chỉ được khơi dậy trở lại sau hai phiên tăng điểm liền trước. Trong khi đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 3 cũng không hứa hẹn cho thấy tín hiệu cải thiện hơn khi các yếu tố vĩ mô vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo đó, FPTS không đánh giá cao khả năng thị trường có thể bứt phá để hình thành xu hướng hồi phục thực sự trong giai đoạn này. Trong phiên tiếp theo, nhà đầu tư vẫn nên duy trì một tỷ lệ cổ phiếu thấp trong danh mục và hạn chế mua vào khi các chỉ số tiếp cận ngưỡng kháng cự ngắn hạn.
Xu hướng ngắn hạn được củng cố
Chứng khoán Woori CBV (Woori): Hai sàn tăng điểm ngay từ đầu phiên 09/10 theo đà của phiên trước đó, và giữ được đà tăng giá hầu như trong toàn bộ phiên. Tuy nhiên đã có lúc thị trường giảm nhẹ trở lại, nhưng sau đó cũng nhanh chóng lấy được sắc xanh.
Khối lượng tiếp tục giữ ở mức ổn định so với phiên ngày 08/10, và cao so với những phiên giao dịch trước đó. Điều này cho thấy đã bắt đầu có tín hiệu về sự trở lại của dòng tiền, mặc dù thông tin vĩ mô mang tính chất hỗ trợ vẫn chưa xuất hiện. Tuy nhiên có thể thấy chắc chắn sẽ có một hiệu ứng từ một tin tức tích cực trong được công bố trong một vài ngày tới, bởi thị trường luôn phản ánh tương lai.
Về phương diện kỹ thuật, cả 2 tiếp tục giữ vững đà tăng cùng khối lượng ổn định. Điều này cho thấy bậc tăng của xu hướng ngắn hạn được củng cố, nhưng cũng đồng nghĩa với việc các chỉ số cũng sẽ dần tiếp xúc với các ngưỡng cơ sơ, nơi mà có khả năng điều chỉnh nhẹ hoặc đảo chiều hoàn toàn. Vì vậy việc mua thêm chưa được thực hiện cho đến khi thị trường đi lên trở lại sau điều chỉnh.
Duy trì đà phục hồi
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Thị trường có dấu hiệu điều chỉnh trong phiên 09/10, đà tăng nói chung bị thu hẹp đáng kể. Dù điều chỉnh, có thể thấy lực đỡ nói chung tại vùng giá quanh tham chiếu là khá tốt. Khối lượng giao dịch 09/10 cũng giữ được ở mức tương đương phiên 08/10.
Nói chung, thị trường vẫn có nhiều khả năng duy trì tiếp đà phục hồi trong các phiên tiếp theo. Nhưng mức độ phục hồi được BSI đánh giá là sẽ không lớn. Xu hướng chủ đạo trong ngắn hạn nhiều khả năng sẽ là rập rình nhưng vẫn giữ được đà đi lên nhẹ.
Tạm ngừng tham gia sâu
CTCP Chứng khoán Á Âu (AAS): Mặc dù màu xanh vẫn chiếm đa số nhưng với diễn biến không mấy ổn định và đặc biệt, thiếu sự đóng góp của nhiều cổ phiếu chủ chốt, phiên giao dịch 09/10 mang lại nhiều lo lắng cho nhà đầu tư hơn là một sự lạc quan thường thấy sau mỗi phiên tăng điểm.
Với tiền đề như vậy, mặc dù không quá rủi ro nhưng AAS cho rằng, trong một vài phiên tới, nhiều khả năng thị trường sẽ gặp thử thách trong việc duy trì đà tăng. Khả năng tương tự cũng cần được xem xét ở một số cổ phiếu tăng nóng giai đoạn trước.
Sau 2 phiên mua vào với mục tiêu đầu tư ngắn hạn, việc tham gia sâu hơn nên được tạm thời ngừng lại chờ đợi thêm các hỗ trợ mới (nếu có).
Khó phục hồi mạnh hơn
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Đà tăng mạnh của phiên giao dịch đầu tuần đã không kích thích dòng tiền tham gia mạnh mẽ hơn trong phiên giao dịch 09/10. Tuy nhiên, điểm tích cực là yếu tố thanh khoản vẫn được duy trì khá tốt và có phần cải thiện nhẹ so với phiên đầu tuần. Trong khi đó, sự thu hẹp hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài khiến cho chỉ số giao dịch giằng co và không thể tăng điểm bứt phá do áp lực bán đến từ một nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn.
Có thể thấy, sự quan tâm của nhà đầu tư đối với TTCK đã có chuyển biến tốt trong hai phiên giao dịch gần đây, tuy nhiên, mức độ chấp nhận các mức giá cao hơn chưa nhiều, đặc biệt là đối với nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Độ rộng thị trường trong khi đó đang được hậu thuẫn tích cực từ nhóm cổ phiếu pennies do sức hút của nhóm này đối với dòng tiền đầu cơ, tuy nhiên, diễn biến này theo đánh giá của VDS là không bền vững và khó có thể giúp chỉ số phục hồi xa hơn.
VDS cho rằng tâm lý giao dịch thận trọng hiện tại khá hợp lý do thiếu vắng thông tin hỗ trợ. Do đó, thị trường có thể đảo chiều bất cứ lúc nào nếu như dòng tiền đầu cơ trở nên nguội lạnh, khi đó, các chỉ số sẽ trở lại trạng thái giằng co trong biên độ hẹp và nhà đầu tư vẫn phải chờ đợi thêm những tín hiệu chuyển biến tích cực đến từ yếu tố cơ bản của cổ phiếu cũng như tình hình kinh tế vĩ mô.
Mỹ Hà tổng hợp (Vietstock)
ffn
|