Thứ Hai, 01/10/2012 18:41

Góc nhìn 02/10: Còn giảm nữa!

Nhìn chung, hầu hết các công ty chứng khoán cho rằng bối cảnh hiện tại không phù hợp với đầu tư ngắn hạn, thị trường còn tiếp tục giảm chưa thể phục hồi được.

Xu hướng tiêu cực là chủ đạo

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Mối quan ngại đối với kinh tế vĩ mô quay trở lại, TTCK mất điểm mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng Mười. Sau khi các yếu tố hỗ trợ qua đi (ETFs tái cân đối danh mục, kỳ báo cáo NAV của các quỹ đã qua), mối quan ngại đối với triển vọng kinh tế vĩ mô đã quay lại chi phối thị trường. Báo cáo Kinh tế xã hội tháng Chín và 9 tháng năm 2012 của Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng kinh tế 3 quý chỉ đạt 4,73%, mức tăng khá khiêm tốn đi cùng với sự cải thiện không đáng kể ở các chỉ tiêu kinh tế khác như chỉ số sản xuất công nghiệp, hàng tồn kho và doanh thu hàng hóa bán lẻ và dịch vụ. Thêm vào đó, sau 7 tháng được kiểm soát tốt, chỉ tiêu lạm phát đã đảo chiều tăng nhanh trong tháng Tám và thậm chí vượt ngoài dự báo của giới phân tích trong tháng Chín khiến khả năng kiểm soát lạm phát ở mức dưới một con số trở nên kém chắc chắn hơn. Sau hàng loạt nỗ lực của cơ quan điều hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kết quả này rõ ràng đã không thể làm hài lòng nhà đầu tư trên TTCK. Ngoài ra, với mức tăng trưởng kinh tế khiêm tốn trong 3 quý đầu năm, khó có thể kỳ vọng KQKD của các doanh nghiệp niêm yết sẽ có nhiều đột biến so với đầu năm. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến thị trường suy giảm trở lại sau nhiều phiên nỗ lực ổn định vừa qua.

Thiếu vắng động lực nâng đỡ, nhóm cổ phiếu trụ cột của sàn HOSE đồng loạt giảm giá mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần và gây ảnh hưởng tiêu cực lên toàn bộ các nhóm cổ phiếu còn lại. Thanh khoản tăng mạnh trong phiên chiều là biểu hiện sự mất dần mất kiên nhẫn của bên bán hơn là lực cầu gia tăng. Đây sẽ là rủi ro đối với thị trường trong các phiên giao dịch tiếp theo. VDS lo ngại xu hướng tiêu cực sẽ là xu hướng chủ đạo và VN-Index sẽ lùi về mức 380 điểm trong tuần này.

Rủi ro bị giam vốn

CTCP Chứng khoán Á Âu (AAS): Giữ nguyên quan điểm thận trọng, AAS cho rằng nhà đầu tư vẫn nên hạn chế khả năng tham gia vào thị trường ở mức thấp nhất để tránh những rủi ro có thể có, dễ nhận thấy nhất là rủi ro bị giam vốn trong một thời gian dài.

Về mặt diễn biến thị trường, sau khi phá vỡ mức 393 điểm, khả năng VN-Index sẽ khó có thể sớm trở lại. Thậm chí, với một góc nhìn thực tế hơn, nhà đầu tư cần hướng về ngưỡng hỗ trợ 371 điểm như là một khả năng, dù không muốn, nhưng rất có thể sẽ xảy ra nếu thị trường tiếp tục bị bao vây bởi nhiều thông tin bất lợi như hiện tại.

Bối cảnh không phù hợp với đầu tư ngắn hạn

CTCP Chứng khoán BIDV (BSC): Chỉ số PMI Việt Nam tháng 9 được HSBC công bố tăng lên 49,2 điểm so với mức 47,9 điểm của tháng trước, cho thấy cho thấy các điều kiện hoạt động của lĩnh vực sản xuất tiếp tục giảm sút , dù mức độ đã đỡ xấu hơn.

Đánh giá chung về thị trường, BSC cho rằng dù giá cổ phiếu đang ở mức “được coi là thấp”, dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài thị trường ( thể hiện qua thanh khoản rất yếu). Rủi ro lớn nhất của thị trường hiện nay vẫn đến từ sự mất ổn định trong hệ thống tài chính ngân hàng sau “sự kiện bầu Kiên”. Việc mua vào ở thời điểm này do đó sẽ thích hợp với chiến lược đầu tư dài hạn hơn là ngắn hạn.

Thị trường còn giảm nữa

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Duy trì quan điểm bi quan khi cho rằng cả hai chỉ số nhiều khả năng sẽ phải rơi xuống vùng điểm thấp hơn nữa, 52-53 hoặc 50-51 điểm đối với HNX-Index, mới có thể tạo được đà phục hồi ngắn hạn đủ dài cho các giao dịch ngoài T+3.

Mặc dù vậy, dựa trên quan điểm phân tích kỹ thuật, BVS cũng thay đổi quan điểm đầu tư rất thận trọng trong suốt giai đoạn vừa qua và cho rằng các nhà đầu tư có thể bắt đầu thực hiện giải ngân từng phần tại vùng giá thấp trong các phiên thị trường sụt giảm mạnh sắp tới cho mục đích đầu tư ngắn hạn. Việc trải lệnh mua và khống chế tỷ trọng là hết sức cần thiết nhằm tránh cho nhà đầu tư gặp phải vấn đề bình quân giá vốn quá cao trong nhịp giảm này

Tăng tỷ trọng tiền mặt là cần thiết

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10 tiếp tục chứng kiến đà giảm điểm của các chỉ số chính trên cả hai sàn HOSE và HNX. Không khí giao dịch chậm chạp, buồn chán vẫn là nét chính của phiên giao dịch này. Tín hiệu xấu về xu thế thị trường tiếp tục xuất hiện khi chỉ số HNX-Index đã phá vỡ mốc đáy lịch sử đầu năm 2012 xuống đóng cửa ở mức 54,27 điểm. Thanh khoản trên cả hai sàn tiếp tục duy trì ở mức rất thấp.

Nhìn chung, diễn biến thị trường phản ánh tâm lý thận trọng cao độ của nhà đầu tư đang tham gia thị trường do ảnh hưởng từ những thông tin xấu liên tiếp xuất hiện trong thời gian gần đây. Trong khi đó, diễn biến chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 9 tăng nhẹ trở lại và kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa đủ tích cực để có thể đưa thị trường thoát khỏi trạng thái đi ngang, giằng co hiện tại. Bởi vậy, dự báo về xu hướng thị trường trong giai đoạn này, FPTS cho rằng xu thế chính của các chỉ số vẫn là đi ngang, giảm dần với mức rủi ro cao đang tạo áp lực lên các danh mục đầu tư ngắn hạn. Theo đó, việc tăng cường tỷ trọng tiền mặt trong danh mục là cần thiết để giúp nhà đầu tư ngắn hạn giảm thiểu rủi ro thị trường.

Mỹ Hà tổng hợp (Vietstock)

ffn

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 01 – 05/10: Sẽ tiếp tục giảm mạnh? (30/09/2012)

>   Tự doanh CTCK sẽ lỗ nặng vì “đu” theo thị trường? (30/09/2012)

>   Cơ chế kiểm soát rủi ro hệ thống của thị trường chưa hữu hiệu (28/09/2012)

>   Chuyên gia: Gây quỹ đầu tư bất động sản sẽ rất khó (27/09/2012)

>   Góc nhìn 28/09: Chỉ có thể đi ngang hay giảm điểm (27/09/2012)

>   Góc nhìn 27/09: Tới đáy nhưng đừng lướt sóng (26/09/2012)

>   Góc nhìn 26/09: Vùng đáy đang xuất hiện? (25/09/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 25/09/2012 (25/09/2012)

>   Góc nhìn 25/09: Tiếp tục màu sắc u ám (24/09/2012)

>   Góc nhìn 24-28/09: Thận trọng với CPI tháng 9 (23/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật