Cơ chế kiểm soát rủi ro hệ thống của thị trường chưa hữu hiệu
Đánh giá của ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT, kiêm Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM (HOSE) trước trường hợp một số CTCK mất khả năng thanh toán dẫn đến việc nhiều giao dịch của nhà đầu tư bị hủy bỏ.
Tình trạng một số CTCK trong thời gian qua bị mất khả năng thanh toán đã cho thấy lỗ hổng trong quản lý rủi ro thanh toán tại khối CTCK. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Việc một số CTCK rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán đặt trong bối cảnh TTCK Việt Nam hiện nay thực sự là điều đáng suy nghĩ. Về cơ chế giao dịch, pháp luật hiện hành đã quy định rõ, khi nhà đầu tư thực hiện phải có đủ 100% số dư tiền/chứng khoán, trừ trường hợp thực hiện giao dịch ký quỹ thì tỷ lệ này thấp hơn, nhưng cũng không thể thấp dưới 60% giá trị dự kiến mua được. Khi nhà đầu tư đặt lệnh, dù theo hình thức online, qua điện thoại hay trực tiếp thì CTCK cũng phải thực hiện việc kiểm tra đủ số dư, phong tỏa số dư trước khi chuyển lệnh giao dịch đi. Tuy nhiên, việc một số CTCK để xảy ra tình trạng mất khả năng thanh toán cho thấy quy trình quản lý rủi ro thanh toán và việc tuân thủ pháp quy tại các CTCK, cũng như các công cụ giám sát bảo đảm tuân thủ chưa hữu hiệu. Có thể, CTCK đặt lệnh tự doanh mà không đảm bảo nguồn tiền thanh toán; hoặc CTCK đã dùng tiền của nhà đầu tư vào mục đích khác, đến khi phải thanh toán giao dịch cho họ thì không có; hoặc CTCK cho nhà đầu tư nợ tiền ký quỹ khi đặt lệnh mua chứng khoán, nhưng đến ngày thanh toán thì cả nhà đầu tư và CTCK đều không có tiền để thực hiện nghĩa vụ. Kết quả là một thực tế khó chấp nhận đối với nhà đầu tư, giao dịch bị hủy vì bên mua mất khả năng thanh toán.
Làm thế nào để giao dịch trên thị trường được diễn ra an toàn, thông suốt là mục tiêu chung của nhà quản lý. Ở góc nhìn của ông, mục tiêu này cần được thực hiện như thế nào?
Đảm bảo sự vận hành an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro cho người tham gia là một trong những mục tiêu tối thượng. Để đạt được mục tiêu đó, cơ quan quản lý không thể kỳ vọng vào việc tự giác tuân thủ của CTCK, mà phải có những công cụ, biện pháp đảm bảo sự tuân thủ. Hơn nữa, đành rằng là CTCK nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm theo các quy định hiện hành. Nhưng xét về cơ chế quản lý rủi ro trên phương diện toàn thị trường thì như vậy là chưa đủ, mà cần phải có cơ chế can thiệp tức thời nếu phát sinh những vấn đề trong thanh toán để ngăn chặn nguy cơ phải hủy giao dịch và giảm thiểu rủi ro hệ thống. Thị trường sẽ khó có thể an toàn nếu chỉ dựa vào sự vận hành của Quỹ Hỗ trợ thanh toán (do các thành viên giao dịch đóng góp) và khả năng cho vay của Ngân hàng chỉ định thanh toán với các thành viên nếu xảy ra tình trạng mất khả năng thanh toán giao dịch.
Sau 12 năm vận hành TTCK, cơ quan quản lý mới thực hiện giám sát chứng khoán đến từng tài khoản của nhà đầu tư, còn việc quản lý dòng tiền của nhà đầu tư mới dừng ở cấp CTCK. Có ý kiến cho rằng, để tăng tính an toàn trong hoạt động thanh toán, cơ quan quản lý nên giám sát cả số dư tiền trong tài khoản nhà đầu tư. Trong quan điểm của ông, để kiểm soát rủi ro thanh toán trên toàn hệ thống thị trường, thì cơ chế nào là khả thi với Việt Nam?
Tôi nghĩ rằng thị trường Việt Nam đi sau những thị trường phát triển khác hàng trăm năm. Vì vậy, chúng ta có rất nhiều điều để học hỏi và áp dụng mà chẳng cần phải sáng tạo ra điều gì mới mẻ. Đó cũng là cách tiếp cận đưa thị trường Việt Nam hội nhập với các thông lệ quốc tế như mong muốn, tránh tạo ra những rào cản đặc thù riêng. Để tạo ra được những công cụ, cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả thì rõ ràng nhà quản lý không thể không xác định được nguồn gốc, trạng thái và lượng hóa được quy mô của rủi ro đó. Vì dịch vụ tài chính là một lĩnh vực gắn liền với những rủi ro đa dạng, quan điểm của tôi là nhà quản lý cần có một “bộ đồ nghề” với nhiều loại tính năng và công dụng khác nhau để xử lý nhiều loại tình huống khác nhau. Nhưng trọng tâm là những cơ chế nền tảng như đối tác bù trừ trung tâm (CCP), do một cơ quan đứng giữa bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán của các bên giao dịch, nhằm loại bỏ rủi ro đối tác đối với một bên của giao dịch.
Ở một số thị trường mới nổi như Trung Quốc, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất…, để đảm bảo kỷ luật thanh toán, họ đã áp dụng cơ chế tiền kiểm, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cũng muốn gợi mở vấn đề này để các thành viên thị trường cùng bàn thảo. Ông nghĩ sao về cơ chế này?
Cơ chế tiền kiểm được đề cập đó là một hệ thống kiểm tra số dư tiền/chứng khoán của nhà đầu tư được tập trung tại VSD, thay vì được thực hiện tại cấp CTCK như hiện nay, trước khi thực hiện khớp lệnh. Xin lưu ý là những thị trường phát triển nhất trên thế giới đều không hoặc đã từng áp dụng cái gọi là cơ chế tiền kiểm này, và trên thực tế họ vẫn đang áp dụng những cơ chế quản lý rủi ro thanh toán khác một cách hiệu quả. Theo tôi, đây là cơ chế đi ngược lại với xu thế phát triển thị trường, bởi nó không những ảnh hưởng đến tốc độ xử lý lệnh giao dịch của nhà đầu tư, vốn là một trong những ưu tiên hàng đầu của hệ thống giao dịch hiện đại, khẳng định sức cạnh tranh của một TTCK, mà còn tập trung rủi ro về một mối. Thay vì để 100 CTCK thực hiện kiểm tra số dư như hiện nay, nếu 1 hoặc 2 CTCK gặp sự cố thì các CTCK còn lại vẫn tiếp tục vận hành; nhưng nếu hệ thống kiểm tra số dư tập trung kia có sự cố thì hoạt động của thị trường sẽ ngay lập tức bị gián đoạn. Đó là chưa tính đến tính hiệu quả của những khoản kinh phí đầu tư ban đầu và vận hành hệ thống công nghệ thực hiện chức năng này.
Tường Vi thực hiện
đầu tư chứng khoán
|