Thứ Tư, 23/05/2012 10:01

TS Trần Hoàng Ngân: Đây là thời điểm tốt nhất để tiếp tục giảm sâu lãi suất

Báo cáo về gói giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của Chính phủ trước Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 3 này nhận được nhiều chú ý, đánh giá từ các đại biểu Quốc hội.

Ngày 22.5, phóng viên đã phỏng vấn TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia…

Ông có cho rằng nền kinh tế đang thực sự xấu hơn nhiều so với đánh giá của Chính phủ không?

Đúng. Tôi nghĩ nền kinh tế hiện đang rất khó khăn và sự khó khăn đó không phải là không có nguyên nhân. Chúng ta đã nhìn thấy được những nguyên nhân đó. Vấn đề bây giờ là quyết liệt thực hiện các giải pháp.

Theo ông, gói các giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho sản xuất, kinh doanh mà Chính phủ báo cáo Quốc hội đã đầy đủ chưa?

Năm 2011 có khoảng 54.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và phá sản, bốn tháng đầu năm 2012, theo báo cáo của Chính phủ, có thêm 18.000 doanh nghiệp nữa, cùng với đó là hàng triệu lao động có thể mất việc làm. Tôi nghĩ Chính phủ nên nhìn xa phía sau doanh nghiệp với hàng triệu lao động này.

Theo tôi, trong nhóm giải pháp Chính phủ đưa ra, vẫn còn thiếu một mảng rất quan trọng. Hiện nay, hàng tồn kho không chỉ có sắt thép, giày dép mà còn có ở hàng nông sản, lúa gạo, con tôm, con cá. Do vậy, gói hỗ trợ phải tăng cường vào chỗ này, tức trực tiếp vào hộ nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, diện chính sách... có như vậy mới tăng được lực cầu, từ đó giải quyết được bài toán cung cầu. Đảm bảo an sinh xã hội là việc quan trọng do 70% dân số ở nông thôn, 50% lao động trên 15 tuổi là lao động trong nông nghiệp nhưng gói hỗ trợ này thực tế chưa chú ý đến phần nông nghiệp và nông thôn.

Với gói giải pháp mới, theo tôi, Chính phủ cần hết sức thận trọng trong chính sách tài khoá và phải có thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ trong chính sách này, cụ thể là việc điều hành chính sách tiền tệ theo hướng lãi suất giảm và giảm lâu dài, chứ không phải năm nay giảm năm sau tăng. Đây cũng là thời điểm tốt nhất để giảm sâu lãi suất, kể cả lãi suất huy động và cho vay. Lãi suất cần phải kéo xuống 200 điểm nữa, khoảng 12%; giảm sâu là 10% và điều hành lãi suất đó theo lạm phát cơ bản. Sẽ không đúng nếu chúng ta cứ chạy theo CPI, khi giá lương thực thực phẩm thế giới lên, giá xăng dầu lên lại đẩy lên.

Chính sách tiền tệ ổn định lâu dài thì doanh nghiệp mới dám mạnh dạn đầu tư. Cần nhớ là đến nay, nói lãi suất giảm rồi nhưng nhiều người vẫn rất cân nhắc vì họ sợ bài học năm 2009. Lúc đó, lãi suất giảm rất sâu nhưng đến năm 2010 lãi suất bị đẩy lên và năm 2011 tiếp tục lên nữa, nhà đầu tư chết chìm trong đống đầu tư của họ.

Để tăng cầu, có ý kiến đề xuất miễn, giảm mạnh hơn nữa thuế VAT và miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân...

Hiện nay ngân sách bội chi rất lớn rồi. Năm 2010, bội chi tới 5,5%; năm 2011 là 4,9% và năm 2012 này tiếp tục bội chi. Nguồn thu eo hẹp, chúng ta giãn để hỗ trợ nhưng làm sao động viên, khai thác để tăng nguồn thu chứ đừng chỉ nghĩ việc giảm, giãn là quá cần thiết trong giai đoạn này. Cần có chừng mực để chúng ta khắc phục nhìn về dài hạn.

Có vẻ như Chính phủ lo ngại đưa ra gói kích cầu nữa có thể gây tái lạm phát như bài học năm 2008 – 2009?

Chúng ta đã có quá nhiều bài học kinh nghiệm rồi. Năm 2009, khi tác động khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, lúc đó tăng GDP quý 1/2009 chỉ có 3%, chúng ta phải dùng nhiều gói kích cầu với dung lượng lớn để hỗ trợ nền kinh tế nhưng lại không kiểm soát tốt khiến lạm phát năm 2010 lên tới 11,75%. Những bất ổn vĩ mô xuất hiện trong năm 2010 dẫn đến việc chúng ta phải tăng lãi suất trở lại và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy bây giờ chúng ta phải rất thận trọng trong ưu tiên ổn định vĩ mô và có điều hành, có ổn định lâu dài. Đó mới là giải pháp căn cơ nhất.

Mạnh Quân – Việt Anh

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Tăng trưởng tín dụng nhúc nhích tăng (23/05/2012)

>   Các giao dịch ngân hàng nghi ngờ bị kiểm soát đặc biệt (22/05/2012)

>   Khó như vay tiền! (22/05/2012)

>   Ngân hàng Nhà nước phải độc lập mới đủ mạnh (22/05/2012)

>   Credit Suisse: Việt Nam có tiềm năng mạnh mẽ cho hoạt động ngân hàng đầu tư (22/05/2012)

>   Sự thật của trần lãi suất cho vay (22/05/2012)

>   Không cần thiết mở rộng đối tượng áp trần lãi vay (22/05/2012)

>   Gấp rút “phá băng” tín dụng (21/05/2012)

>   Nới lỏng tín dụng nhưng không dễ vay tiền mua nhà (21/05/2012)

>   Cho phép ngân hàng mua bán nợ: Mũi tên nhắm nhiều đích (21/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật