Khó như vay tiền!
Không ai phủ nhận trần lãi suất cho vay 15%/năm là tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực nông thôn, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn vay...
Thế nhưng, ngoài DN xuất khẩu, không có nhiều DN vay được tiền từ ngân hàng (NH), nhất là DN nhỏ và vừa. Điều này thể hiện khá rõ khi dư nợ cho vay tháng 5-2012 của các NH trên địa bàn TPHCM chỉ tăng 0,4% so với tháng trước, ước đạt 762.000 tỉ đồng. Tại sao?
Câu trả lời là lãi suất vẫn còn cao, DN không đủ điều kiện hoặc không biết vay để làm gì. Trong khi đó, NH cũng từ chối cho vay khi nhận thấy khoản vay ẩn chứa rủi ro, dù bên vay thuộc đối tượng được ưu đãi lãi suất. Theo nguyên tắc tín dụng, khoản vay có độ rủi ro cao thường gắn liền với lãi suất cao (để NH bù đắp rủi ro).
Do lãi suất cho vay đối tượng ưu tiên bị khống chế ở mức 15% nên nhiều NH tìm cách không áp dụng mức lãi suất này đối với DN kinh doanh sản xuất các loại hàng hóa có độ rủi ro cao, thậm chí có NH đòi hỏi báo cáo tài chính của DN phải được một tổ chức quốc tế thực hiện kiểm toán - điều kiện mà rất hiếm DN Việt Nam có thể đáp ứng.
Dù rất cần vốn nhưng nhiều DN không vay được vì không còn tài sản thế chấp, còn NH thì vẫn “chốt” cứng bên vay phải có tài sản bảo đảm mới dám cho vay. Giải quyết vấn đề này, NH thường yêu cầu DN minh bạch mọi hoạt động, tạo điều kiện cho NH kiểm soát dòng tiền, sản phẩm làm ra… để được vay tín chấp nhưng thực chất là DN đã thế chấp bằng hàng hóa. Trong khi đó, DN lại không muốn phơi bày điểm yếu của mình, dẫn đến hai bên cứ “lệch pha” trong quan hệ tín dụng.
Do lạm phát đã được kiềm chế ở mức thấp, các NH đã nhận tái cấp vốn từ NH Nhà nước, thanh khoản của hệ thống NH tương đối ổn định, đề án hợp nhất các NH đã hoàn tất, vì vậy không có lý do gì để duy trì trần lãi suất đầu vào lẫn đầu ra. NH Nhà nước nên trả lãi suất về đúng quy luật thị trường, tạo điều kiện cho bên vay và bên cho vay gặp nhau. Khi đó, việc DN tiếp cận vốn NH sẽ trở nên dễ dàng.
Thy Thơ
người lao động
|