Thứ Ba, 22/05/2012 15:00

Ngân hàng Nhà nước phải độc lập mới đủ mạnh

Tái cơ cấu kinh tế hướng tới xây dựng Ngân hàng Trung ương theo hướng độc lập thực thi chính sách tiền tệ.

Đề án tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ trình Quốc hội nhấn mạnh đến tái cơ cấu thị trường tài chính, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, thúc đẩy, hỗ trợ tái cơ cấu ngành và vùng kinh tế, góp phần tăng trưởng bền vững.

Theo đó, các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô luôn thuộc nhóm ưu tiên thực hiện để hỗ trợ và thúc đẩy các nội dung khác của tái cơ cấu kinh tế. Mục tiêu ưu tiên của quản lý kinh tế vĩ mô không chỉ là lạm phát thấp hợp lý, mà còn phải bảo đảm được lòng tin của thị trường và dân chúng đối với lạm phát kỳ vọng hợp lý; đồng thời, Chính phủ phải có khả năng và nguồn lực để đối phó thành công với những bất ổn, biến động của thị trường trong và ngoài nước.

Chính sách tiền tệ và tài khóa nhịp nhàng

Ưu tiên trước mắt của tái cơ cấu kinh tế là tái cơ cấu thị trường tài chính với trọng tâm tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính. Trước hết, quá trình này là để loại bỏ nguy cơ mất an toàn đối với hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung, đồng thời, tạo điều kiện để hệ thống tài chính phát triển bền vững và thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng trung gian tài chính và chuyển tải tác động của chính sách tiền tệ đến khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình; làm tiền đề thúc đẩy tái cơ cấu trên các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động, hiệu lực quản trị, cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; nâng cao trật tự, kỷ cương của quản lý nhà nước và đảm bảo nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng.

Đề án đặt mục tiêu điều hành linh hoạt, chủ động, có hiệu quả chính sách tiền tệ, phù hợp với nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, sự an toàn và hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc tế; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Nghiên cứu, từng bước chuyển cơ chế điều hành chính sách tiền tệ theo hướng lấy lạm phát làm mục tiêu đảm bảo kiểm soát lạm phát phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và chỉ tiêu lạm phát do Quốc hội phê duyệt; phối hợp hài hòa giữa điều hành chính sách tiền tệ và chính sách quản lý ngoại hối, chính sách lãi suất đồng Việt Nam với lãi suất ngoại tệ;

Tăng thêm vai trò và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ; phối hợp đồng bộ chính sách tiền tệ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa;

Tổ chức quản lý chặt chẽ, đồng bộ và có hiệu quả các thị trường tiền tệ, đặc biệt là thị trường phái sinh, thị trường ngoại tệ và thị trường vàng để huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế; đồng thời, góp phần bảo đảm cho các hoạt động tiền tệ, ngân hàng được thực hiện một cách an toàn, lành mạnh và đúng pháp luật.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần phát triển song song cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn, trong đó tập trung phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu, giảm dần việc huy động vốn đầu tư chủ yếu từ tín dụng ngân hàng. Tái cơ cấu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để những dịch vụ này phát triển bền vững, phục vụ hiệu quả nhu cầu của người dân.

Cũng theo Ủy ban này, với mục tiêu phát triển thị trường tài chính lành mạnh, khắc phục hậu quả của khủng hoảng và hạn chế mang tính hệ thống của thị trường tài chính, cần có Đề án chung về tái cơ cấu thị trường tài chính và lộ trình phù hợp.

Giảm chi tiêu chính phủ

Thực hiện chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chính sách tài khoá được thực hiện theo hướng chủ động giảm chi tiêu của Chính phủ trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định, qua đó, giảm bội chi ngân sách, tạo nguồn lực và khả năng để mở rộng chi tiêu kích cầu hoặc xử lý biến động bất thường khác trong thời kỳ kinh tế suy giảm.

Áp dụng khung chi tiêu trung hạn theo hướng từng bước giảm dần bội chi ngân sách xuống mức hợp lý, kiểm soát có hiệu quả chất lượng, quy mô, tốc độ gia tăng nợ công và nợ nước ngoài đảm bảo luôn ở trong giới hạn và tiêu chuẩn an toàn theo thông lệ quốc tế phổ biến.

Đổi mới cơ chế quản lý và phân cấp ngân sách giữa Trung ương và địa phương; thực hiện nghiêm kỷ luật tài khoá (dự toán ngân sách, mức thâm hụt ngân sách, quy mô, tốc độ gia tăng và mức trần nợ công), tăng cường quản lý chi và  nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản chi ngân sách.

Tăng cường công khai hoá, minh bạch hoá các thông tin về tài khoá và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước và những người đứng đầu các cơ quan nhà nước có liên quan trong phân bố, quản lý và sử dụng các khoản chi tiêu từ ngân sách nhà nước.

Và một ngân hàng trung ương độc lập

Trước mắt, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền; quyền lợi và trách nhiệm của chủ sở hữu. Làm rõ nguồn tài chính thực hiện việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính và phải có các biện pháp cụ thể để tránh thất thoát tài sản của nhà nước.

Tái cơ cấu ngân hàng thương mại Nhà nước cần gắn với tái cơ cấu DNNN; tăng cường năng lực giám sát thị trường tài chính; nâng cao vai trò, trị trí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tư cách là Ngân hàng Trung ương, nhất là trách nhiệm công bố mục tiêu chính sách, minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình. Từng bước xây dựng Ngân hàng Trung ương theo hướng độc lập thực thi chính sách tiền tệ nhằm ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng XHCN./.

Vũ Hạnh

 VOV online

Các tin tức khác

>   Credit Suisse: Việt Nam có tiềm năng mạnh mẽ cho hoạt động ngân hàng đầu tư (22/05/2012)

>   Sự thật của trần lãi suất cho vay (22/05/2012)

>   Không cần thiết mở rộng đối tượng áp trần lãi vay (22/05/2012)

>   Gấp rút “phá băng” tín dụng (21/05/2012)

>   Nới lỏng tín dụng nhưng không dễ vay tiền mua nhà (21/05/2012)

>   Cho phép ngân hàng mua bán nợ: Mũi tên nhắm nhiều đích (21/05/2012)

>   Không đẩy vốn bằng mọi giá (21/05/2012)

>   Náo nhiệt kinh doanh ngoại tệ (21/05/2012)

>   Ngân hàng đau đầu với nguy cơ hợp đồng thế chấp vô hiệu (21/05/2012)

>   Nới điều kiện cho doanh nghiệp vay mới (21/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật