Cho phép ngân hàng mua bán nợ: Mũi tên nhắm nhiều đích
Những khoản nợ lớn, chồng chất và đan chéo giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, giữa tổ chức tín dụng với nhau, được coi là vấn đề lớn nhất hiện nay của nền kinh tế sẽ được giải quyết từng bước khi Ngân hàng Nhà nước cho phép tổ chức tín dụng mua bán nợ lẫn nhau.
Nhưng, nợ mới sẽ được tính và phân loại theo nhóm nào khi món vay cũ đang là nợ xấu?
Thêm nghiệp vụ cho ngân hàng
Ngày 16/5, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản số 2871/NHNN-TD cho phép 14 ngân hàng thương mại lớn nhất hệ thống thực hiện mua bán nợ, theo Quyết định số 59/2006/QĐ-NHNN ngày 21/2/2006. Điểm mấu chốt là Ngân hàng Nhà nước cho phép 14 ngân hàng này mua bán nợ dưới dạng cho doanh nghiệp vay và nợ của các tổ chức tín dụng vay lẫn nhau.
Trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản này, việc xử lý nợ trong nền kinh tế hiện nay được coi là vấn đề nóng bỏng nhất. Theo phân tích của ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia thì điều cốt yếu nhất hiện nay trong điều hành của Chính phủ là làm thế nào để xử lý được nợ xấu của doanh nghiệp.
Thậm chí, Chính phủ nên bỏ ra vài tỷ USD mua lại các khoản nợ xấu của doanh nghiệp, làm lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp nhằm khơi thông dòng tín dụng từ hệ thống ngân hàng.
Trở lại với văn bản 2871, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nôm na: một doanh nghiệp A vay ngân hàng B 10 tỷ đồng xây dựng nhà máy nhưng vì không trả được nợ nên ngân hàng B có thể đàm phán bán lại khoản nợ này cho ngân hàng C và C sẽ thay B thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với khoản nợ của A.
“Đây là giải pháp làm lành mạnh hóa các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, đồn thời chia sẻ gánh nặng với Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC)”, ông này nói.
Theo ông, vấn đề mua bán nợ giữa các tổ chức tín dụng đã được quy định trong quy chế mua bán nợ của các tổ chức tín dụng số 59/2006/QĐ-NHNN, ngày 21/12/2006 nhưng 6 năm nay, hoạt động trên không được liên kết giữa các tổ chức tín dụng với nhau.
Đúng ra, việc mua bán nợ trong hệ thống chỉ dừng ở mức độ các ngân hàng thương mại thành lập “công ty quản lý nợ và khai thác tài sản” với mục đích chủ yếu để xử lý nợ nội bộ ngân hàng mình và khai thác tài sản có liên quan đến tín dụng của ngân hàng.
Vì thế, mỗi khi nhắc đến mua bán nợ trong nền kinh tế, nhiều người hay đề cập đến hoạt động của DATC, dù phần lớn nghiệp vụ trên, DATC chỉ tập trung vào các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước.
Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank phân tích, khi triển khai chủ trương này, ngân hàng bán nợ thu được tiền và thoát khỏi vùng ách tắc vốn; còn với ngân hàng mua nợ, dĩ nhiên họ bỏ ra một khoản tiền chịu thiệt trước mắt nhưng nhờ tiềm lực mạnh hơn, họ sẽ hưởng lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai.
Cùng đó, những doanh nghiệp đang là con nợ bị đem bán, họ không bị thúc bách trả nợ ngay như từng với chủ cũ mà được hưởng cơ chế mới của chủ nợ mới. Kể cả khi kết quả đàm phán mua nợ giữa bên bán và bên mua như thế nào thì tựu trung, cơ chế của chủ nợ mới đem lại hy vọng bớt bi đát hơn.
Ngoài ra, việc mua bán nợ nói trên cũng được áp dụng với các khoản nợ lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng. Ví dụ, ngân hàng A vay ngân hàng B 500 tỷ đồng nhưng C lại vay A 500 tỷ đồng. Bình thường, A sẽ đòi nợ C để trả cho B nhưng vì, C đang gặp khó khăn nên A có thể bán lại khoản nợ đó cho B. Như thế, chuyện nợ nần giữa A và B được giải quyết, sổ sách tài chính của họ sẽ lành mạnh hơn và B sẽ thành chủ nợ mới của C.
Ai được hưởng lợi?
Một câu hỏi đặt ra: việc mua bán nợ trong hệ thống tổ chức tín dụng được đề cập tại Quyết định 59 ban hành từ 2006 nhưng tại sao bây giờ mới đặt vấn đề ở mức nghiêm túc hơn?
Để trả lời câu hỏi này thì không thể không đề cập tới một thực tế là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và của doanh nghiệp, hay nói cách khác là nợ xấu trong nền kinh tế đang ở mức đáng lo ngại. Và tình trạng trên càng trầm trọng khi con số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tăng thêm mỗi ngày.
Trong khi đó, 14 “địa chủ” nói trên lại đang dư dả tiền. Trong tình thế “đốt đuốc tìm doanh nghiệp tốt”, lãi suất thị trường 2 quá rẻ, chỉ ở mức 9% - 10%/năm với kỳ hạn 1 - 3 tháng, họ đã mua trái phiếu Chính phủ, mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước. Đến nỗi Ngân hàng Nhà nước phải hãm lại các phiên giao dịch tín phiếu từ 4 - 5 phiên/tuần còn 1 - 2 phiên/tuần. Ở một bình diện nào đó, đây còn được coi là một trong những lối thoát cho kênh vốn này.
Nhưng, nếu nhìn sâu bên trong, sẽ thấy các “đại gia” đang thu về nhiều món hời như thể “địa chủ mua lúa non” ngày xưa, bởi tình cảnh không thể khác.
Chẳng hạn, trong mấy năm qua, không ít ngân hàng thương mại cho vay rất nhiều đối với dự án bất động sản. Do thị trường bất động sản đình trệ nên họ bị ngâm vốn vào đó và mất thanh khoản, buộc ngân hàng trung ương phải gia tăng tái cấp vốn. Nghiệp vụ tái cấp vốn của ngân hàng trung ương vốn dĩ là nơi thực hiện chức năng hỗ trợ thanh khoản đối với các tổ chức tín dụng đầu tư cho sản xuất nhưng cực chẳng đã, nhà điều hành đã phải nhận cầm cố cả những hồ sơ tín dụng để tái cấp vốn cho những ngân hàng thương mại mất thanh khoản vì bất động sản.
Nay, Ngân hàng Nhà nước cho phép 14 ngân hàng được mua bán nợ với hầu hết khoản nợ như nói trên, xét về bản chất, đang “xã hội hóa” hoạt động mua bán nợ, điều mà Ngân hàng Nhà nước từng làm khi tái cấu trúc Habubank với khoản nợ tới 4.060 tỷ đồng mà có vẻ không tốn một xu.
Đã chấp nhận thị trường thì phải chấp nhận luật chơi “nguy cơ của người này lại là cơ hội của người khác”. Trong số các món nợ sắp bị đem bán, có rất nhiều dự án tốt, được ví như “ruộng lúa non tơ” nhưng chủ của nó lại đang kẹt tiền. Và lúc này là thời của thâu tóm hay nói theo ngôn từ có phần nặng nề và ác ý là “kền kền rỉa xác chết” như hoạt động của các tổ chức tài chính “quỹ kền kền” trên thế giới, chuyên mua lại các chứng khoán, cổ phần của các công ty đang lâm vào tình trạng cùng quẫn. Đó là cái giá phải trả cho những ngân hàng, doanh nghiệp đặt lợi nhuận lên trên quản trị rủi ro.
Nhưng, như hai mặt của một đồng xu. Ở đây, có một vướng mắc không thể không nhắc tới là khi chủ nợ mới cơ cấu lại khoản nợ cũ, tiếp tục cho vay thì khoản nợ mới được phân loại vào nhóm nợ nào? Theo quy chế phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro hiện nay, tất cả các khoản nợ mới nối tiếp khoản nợ cũ thì phải phân loại theo nhóm nợ cũ.
Ví dụ, nợ cũ bị xếp vào nhóm 4 thì nợ sau không thể phân loại vào nhóm 1 và 2. Và như vậy, trích lập dự phòng của tổ chức tín dụng phải cao thêm, đương nhiên lãi vay phải tăng tương ứng. Do đó, áp lực tài chính nặng thêm cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Đây là điều mà Ngân hàng Nhà nước không thể không tính đến.
Nguyễn Hoài
TBKTVN
|