Chủ Nhật, 20/05/2012 15:38

Không giải quyết được nợ xấu, khó giúp doanh nghiệp

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, một trong những vấn đề ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế hiện nay là nợ xấu của ngân hàng và do vậy muốn giúp doanh nghiệp, trước tiên cần phải giải quyết loại nợ này.

Không bán được hàng, nhiều doanh nghiệp lương thực không thể vay vốn.

Nợ xấu tăng nhanh

Theo số liệu báo cáo của UBND TPHCM, tính đến cuối tháng 3-2012, tổng nợ xấu của các ngân hàng thương mại trên địa bàn là khoảng 36.924 tỉ đồng, chiếm 4,9% tổng dư nợ, so với cuối năm 2011 là 4,3%.Trong hơn 23.000 doanh nghiệp vay vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố, có trên 1.400 đơn vị phát sinh nợ xấu, với tỷ lệ 5,8% tổng dư nợ, tập trung cao nhất là lĩnh vực bất động sản, xây dựng (4.000 tỉ đồng)...

Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), nợ tín dụng được xếp vào nợ xấu trong quí 1 là 1.211 tỉ đồng, tăng 38,9% so với cuối năm 2011. Tỷ lệ nợ xấu của riêng ngân hàng mẹ ACB đã vượt 1% so với mức 0,85% của cuối năm 2011. Tại đại hội cổ đông của ACB vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho biết ngân hàng sẽ chú trọng quản lý rủi ro tín dụng nhằm hạn chế tối đa nợ khó đòi và kiểm soát nợ từ nhóm 2 trở lên ở mức 2%, nợ nhóm 3 trở lên không vượt quá 1%.

Theo báo cáo tài chính quí 1 của Ngân hàng Công Thương, nợ xấu đã tăng từ 0,75% đầu năm lên 1,85% vào cuối quí 1, trong đó nợ nghi ngờ (nợ nhóm 3) tăng gấp 4 lần, từ 220 tỉ đồng đầu năm lên trên 900 tỉ đồng.

Trong toàn ngành ngân hàng, cuối năm 2011 tỷ lệ nợ xấu là 3,6%, tăng từ mức 3,2% hồi đầu năm. Fitch Ratings cho rằng nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam có thể cao gấp 4 lần con số được công bố khi tính theo chuẩn quốc tế. Nếu so sánh mức nợ xấu với mức vốn tự có cộng với quỹ dự phòng rủi ro tín dụng đã được trích lập, tỷ lệ này sẽ vượt quá 50% - mức báo động đỏ.

Làm gì cũng khó khi chưa giải quyết được nợ xấu

Tại một hội thảo diễn ra ngày 18-5 tại TPHCM, ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng vấn đề của nền kinh tế là giải quyết nợ xấu và khôi phục lòng tin giữa các ngân hàng và giữa ngân hàng với doanh nghiệp. Tác dụng của việc hạ lãi suất của ngân hàng hiện nay còn rất hạn chế vì các vấn đề trên chưa được giải quyết thấu đáo.

Ông Nghĩa cho biết, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp vướng vào nợ xấu, không còn tài sản đảm bảo trong khi tiêu chuẩn tài chính của doanh nghiệp cũng không đạt để có thể tiếp tục vay ngân hàng. Nợ xấu tăng cao cũng khiến ngân hàng càng thận trọng hơn đối với hoạt động cho vay.

“Toàn bộ tài sản thế chấp của doanh nghiệp sẽ 'bốc hơi' chỉ trong vòng 3 năm với mức lãi suất 20%”, ông Nghĩa nói. Việc rất cấp bách của ngân hàng là cơ cấu lại nợ, giãn nợ, tiếp tục thu hồi nợ với lãi suất cho vay trước đây. Theo ông Nghĩa, tình trạng doanh nghiệp suy kiệt vốn và ngân hàng đóng băng tín dụng, đã từng thấy ở Mỹ, Nhật và nhiều quốc gia khác là dấu hiệu không hay cho bất kỳ nền kinh tế nào nên cần tập trung để giải quyết vấn đề này.

”Chính vì vậy, chúng tôi khuyến cáo Chính phủ phải coi trọng cứu trợ cho doanh nghiệp bằng cách giải quyết bớt nợ xấu, để lấy lại lòng tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp và giữa ngân hàng với nhau. Muốn làm được điều này thì không thể chỉ dựa vào hệ thống ngân hàng thương mại mà cần phải có nguồn lực tài chính từ Chính phủ”, ông Nghĩa cho biết.

Có mặt tại hội thảo trên, ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu (ACB), cũng cho rằng nợ xấu của các ngân hàng hiện nay là rất lớn trong khi nguồn lực để có thể chia sẻ, vượt qua khủng hoảng nợ xấu không quá nhiều. Ông Giá nhấn mạnh việc xử lý nợ xấu phải được cấp bách thực hiện trong năm  2012.

"Triển vọng kinh tế Việt Nam về lâu dài phụ thuộc vào xử lý nợ xấu, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng đóng băng tín dụng và kinh tế đình trệ là điều chắc chắn”, ông Giá nói.

Cụ thể hơn, ông Nghĩa cho rằng Chính phủ cần phải mua lại tài sản xấu, làm sạch bản cân đối của các ngân hàng, đưa các doanh nghiệp có triển vọng trở lại chuẩn tín dụng. Khoản tiền này khá lớn, có thể lên đến 3 hoặc 4 tỉ đô la Mỹ. Chính phủ có thể sử dụng tín phiếu ngân hàng trung ương, trái phiếu Chính phủ, nguồn lực từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước, nhưng nhất định phải giải quyết bằng được vấn đề nợ xấu.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Ông Nghĩa cho rằng, khi quan sát nhiều doanh nghiệp, mặc dù sản xuất kinh doanh có lợi nhuận nhưng dòng tiền thì rất kém. Doanh nghiệp phải tập trung quản lý thanh khoản, đảm bảo dòng tiền của mình luôn luôn dương trong mọi trường hợp kể cả bán tài sản. Doanh nghiệp Việt Nam không có thói quen quản lý thanh khoản, quản lý dòng tiền mà chỉ có quan tâm đến lời, lỗ, đây là điều hết sức lạc hậu và sai lầm.

Ông Nghĩa thêm rằng, quản lý khoản phải thu và khoản phải chi cũng là điều rất quan trọng trong bối cảnh gần đây xuất hiện nhiều trường hợp khách hàng dây dưa trả nợ, doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau.

Theo ông Nghĩa, ở thời điểm này doanh nghiệp phải công khai điểm yếu, mạnh của mình, hợp tác với ngân hàng, với doanh nghiệp khác để cùng bàn bạc kế hoạch sản xuất trong tương lai. Ông cũng đề nghị doanh nghiệp liên kết lại, thành lập liên minh hỗ trợ lẫn nhau, ví dụ 3-4 doanh nghiệp dưới chuẩn cùng hợp tác, chia sẻ tài sản, tiền mặt…  để một trong số đó sớm đạt chuẩn tín dụng, vực dậy sản xuất, và quay lại hỗ trợ những người khác.

Thái Hằng - Thanh Thương

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Tín dụng vẫn âm (20/05/2012)

>   Tiền ngân hàng trả lại ngân hàng! (20/05/2012)

>   Chữa tận gốc việc “thủng đáy”? (20/05/2012)

>   'Có thể tự do hóa lãi suất từ tháng 6' (20/05/2012)

>   Hỗ trợ vốn cho DN: Đừng “đánh trống... bỏ dùi” (20/05/2012)

>   Doanh nghiệp và ngân hàng: 'Đồng sàng, dị mộng' (20/05/2012)

>   Trần lãi suất mất ý nghĩa khi ngân hàng vẫn làm ngơ (20/05/2012)

>   Lo ngại nợ xấu, ngân hàng “chọn mặt trao vốn” (19/05/2012)

>   CEO ngân hàng to, lương nhỏ (19/05/2012)

>   Nguyên giám đốc chi nhánh Agribank bị bắt giam (19/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật