Chủ Nhật, 20/05/2012 10:55

Tín dụng vẫn âm

Cuối tháng 3 vừa rồi Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu tiên báo cáo Chính phủ và công khai số liệu tăng trưởng tín dụng quí 1 âm. Sau đó vài tuần Ngân hàng Nhà nước mới chính thức chốt lại tăng trưởng tín dụng quí 1 âm 1,96%.

Bây giờ khi mà cả thị trường đang chờ đợi cơ quan quản lý ngành ngân hàng công bố số liệu tăng trưởng tín dụng tháng 4 nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc giảm lãi suất huy động, thì lại là Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lên tiếng đến ngày 16-4-2012 tín dụng vẫn âm 1,71%. Nghĩa là nửa đầu tháng 4 tín dụng chỉ tăng 0,25%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng 1,5%/tháng.

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15-17% cho năm nay để góp phần đạt tăng trưởng GDP 6-6,5% đang trở nên xa vời và rõ ràng là nhiệm vụ bất khả thi. Ngay cả khi ngân hàng được “uống thuốc tăng lực” để đẩy tín dụng tăng bình quân 2%/tháng trong tám tháng cuối năm, thì tín dụng cũng chỉ có thể tăng tối đa 14%. Mà 2%/tháng là con số không tưởng!

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã mạnh mẽ kiến nghị tăng trưởng tín dụng năm nay chí ít cũng bằng năm ngoái, tức tầm 10%. Các ngân hàng im lặng. Những ngân hàng nhóm 1 được phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17%/năm đang lo làm thế nào sử dụng hết hạn mức. Eximbank (EIB), một trong những ngân hàng luôn phải tự kìm hãm bớt tín dụng các năm trước, vừa ngậm ngùi thông báo với cổ đông trong đại hội thường niên là tín dụng quí 1 âm tới 5%. Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, cho biết sẽ nỗ lực để tín dụng đến hết quí 2 trở lại mức dương. Tuy nhiên, theo ông, cố gắng không chỉ phụ thuộc vào ngân hàng, vì mặt bằng lãi suất phải xuống nữa, doanh nghiệp mới vay.

Lãi suất (mơ ước) 10-12%/năm cho đầu ra cộng thêm việc giảm, giãn thời hạn nộp thuế chỉ phát huy tác dụng đối với doanh nghiệp còn làm ra lợi nhuận, dẫu lợi nhuận ở mức thấp 3-5% so với vốn bỏ ra. Vấn đề là còn bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp còn có lợi nhuận. Với doanh nghiệp thua lỗ do sản phẩm tồn kho chất đống, tình hình tài chính xấu, thì ngân hàng nào dám cho vay?

Vào thời điểm người bệnh ốm thập tử nhất sinh, chỉ còn thoi thóp, thì việc đầu tiên là bác sĩ phải cấp cứu đã, sau đó mới hỏi người bệnh có tiền đóng viện phí không. Với những doanh nghiệp đang ngắc ngoải cũng thế, không nên ngã giá lãi suất nào họ vay được, mà trước tiên phải cứu trợ họ đã.

Hiện tại có lẽ không phải là thời điểm thích hợp để cơ quan quản lý tính toán lãi suất cho vay ở mức nào thì tín dụng tăng trở lại. Tình thế hiện nay đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ có biện pháp thiết thực, cấp bách và dứt khoát. Nhìn ra thế giới, để cứu Hy Lạp khỏi vỡ nợ, Liên hiệp châu Âu mà chủ chốt là Đức và Pháp, đã phải xóa nợ 350 tỉ euro và bơm thêm gói cứu trợ lãi suất cực thấp. Nhờ đó Hy Lạp cầm hơi, và mới có thể nói đến chuyện thắt lưng buộc bụng. Trong số nợ được xóa, ngân hàng lớn nhất Pháp BNP-Paribas đã phải “nghiến răng” xóa hàng chục tỉ euro. Cổ phiếu BNP-Paribas trên thị trường chứng khoán những ngày đó rơi thẳng đứng, có ngày giảm tới 12%. Các cổ đông kêu gào. Nhưng nếu không làm như vậy, không cùng ghé vai với Hy Lạp, BNP-Paribas và các chủ nợ khác còn mất nhiều hơn, thậm chí mất trắng. Xóa bớt nợ để thu hồi nợ là giải pháp thích hợp.

Nên chăng lúc này các ngân hàng Việt Nam phải mạnh dạn xóa, khoanh, giãn một phần nợ, đồng thời cho những doanh nghiệp có hàng tồn kho cao như xi măng, gạch ngói, sắt thép, dệt vải, hóa chất, điện máy, sản phẩm dân dụng vay với lãi suất thấp... để giúp họ tiêu thụ. Để xóa, khoanh nợ, ngân hàng phải trích thêm dự phòng rủi ro, lợi nhuận tất yếu giảm xuống. Các cổ đông ngân hàng chịu thiệt thòi một phần, Nhà nước chia sẻ một phần bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hãy nhìn lại Vinashin. Vì sao Vinashin được xóa, khoanh, giãn nợ và được các ngân hàng bơm thêm vốn với lãi suất 0% hoặc rất thấp, còn các doanh nghiệp hiện nay thì không? Vì sao khi chấp nhận Habubank với khoản nợ Vinashin, SHB được áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bằng không tới ba năm? Phải chăng vì Vinashin quá lớn nên không thể để phá sản, còn các doanh nghiệp hiện nay nhỏ hơn thì mặc? Không thể thế! Hàng chục ngàn doanh nghiệp đã tạm ngưng hoạt động, chờ giải thể, hàng chục ngàn doanh nghiệp khác đang cầm cự để nuôi công nhân là một tổng số lớn hơn Vinashin và ảnh hưởng tới nền kinh tế hơn cả Vinashin. Tăng trưởng GDP ở mức nào đang trông chờ vào họ. Cái khác cơ bản là những doanh nghiệp đang thua lỗ đó phần lớn thuộc khối dân doanh, đối tượng chưa bao giờ được xóa nợ, còn Vinashin là doanh nghiệp nhà nước.

Do đó tăng trưởng tín dụng chỉ có ý nghĩa thực sự khi doanh nghiệp với tay được đến đồng vốn lãi suất thấp và không hoặc tạm thời không còn bị ám ảnh bởi khoản nợ đang tồn tại. Nói thế không phải để tạo cho doanh nghiệp một bản cân đối tài chính đẹp để đi vay, mà thiết thực hơn là đồng cam cộng khổ cùng doanh nghiệp trong bối cảnh “thử lửa” này để doanh nghiệp hồi phục, tiếp tục sản xuất, kinh doanh, làm ra lợi nhuận, nộp ngân sách cũng như trả lãi ngân hàng. “Có thực mới vực được đạo”, thực chính là ở chỗ đó. n

Tăng trưởng tín dụng chỉ có ý nghĩa thực sự khi doanh nghiệp với tay được đến đồng vốn lãi suất thấp và không hoặc tạm thời không còn bị ám ảnh bởi khoản nợ đang tồn tại.

Thành Nam

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Tiền ngân hàng trả lại ngân hàng! (20/05/2012)

>   Chữa tận gốc việc “thủng đáy”? (20/05/2012)

>   'Có thể tự do hóa lãi suất từ tháng 6' (20/05/2012)

>   Hỗ trợ vốn cho DN: Đừng “đánh trống... bỏ dùi” (20/05/2012)

>   Doanh nghiệp và ngân hàng: 'Đồng sàng, dị mộng' (20/05/2012)

>   Trần lãi suất mất ý nghĩa khi ngân hàng vẫn làm ngơ (20/05/2012)

>   Lo ngại nợ xấu, ngân hàng “chọn mặt trao vốn” (19/05/2012)

>   CEO ngân hàng to, lương nhỏ (19/05/2012)

>   Nguyên giám đốc chi nhánh Agribank bị bắt giam (19/05/2012)

>   TPHCM xử phạt hàng loạt vụ vi phạm ngoại hối (19/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật