Chủ Nhật, 20/05/2012 09:11

Trần lãi suất mất ý nghĩa khi ngân hàng vẫn làm ngơ

Vào những ngày này, thông tin về việc NHNN nới rộng nhóm lĩnh vực được áp trần lãi suất cho vay có lẽ là bước dạo đầu cho một diễn tiến mới trong thời gian tới. Nhưng trần lãi suất do cơ quan quản lý quy định sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu các ngân hàng không thực tâm với DN và tất nhiên họ có đủ cách để “giả vờ” như trước đây.

Thực thi chính sách: Đừng "giả vờ"

Thông tin mới mẻ hơn là cơ chế áp trần lãi suất cho vay của cơ quan này sẽ có thể được áp dụng không chỉ với 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên mà cả những lĩnh vực khác trong thời gian tới.

Thực tế, Thông tư 14 của NHNN ban hành vào đầu tháng 5/2012 về áp trần 15% lãi suất cho vay đã chỉ đi sau thực tế. Bởi vì, từ trước đó, hàng loạt ngân hàng trong nhóm G12 đã triển khai nhiều gói tín dụng với mục tiêu hỗ trợ cho các ngành nông nghiệp, thủy sản, xuất khẩu và công nghiệp hỗ trợ. Có chăng, nét mới trong Thông tư 14 chỉ là đối tượng được ưu tiên bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy thế, chủ trương và thực hiện là hai việc khác nhau. Bất chấp nhiều chương trình "khuyến mãi" cho vay với lãi suất ưu đãi, thực tế vẫn phản ánh chỉ có một tỷ lệ nhỏ nhoi doanh nghiệp tiếp cận được gói tín dụng hỗ trợ của các ngân hàng, cũng như chỉ có một tỷ lệ rất không đáng kể của những gói tín dụng như thế được giải ngân thực chất.

Vốn tồn vẫn hầu như còn nằm nguyên trong các ngân hàng. Các ngân hàng vẫn tiếp tục tư thế giữa ngã ba đường. Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đã phải nói thẳng là trong thời gian qua, các ngân hàng chỉ "giả vờ" cứu doanh nghiệp mà thôi. Bởi có hàng tá lý do để các ngân hàng không quá mặn mà cho doanh nghiệp vay...

Trong chương trình "Dân hỏi, bộ trưởng trả lời" trên Đài truyền hình trung ương mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã cho rằng: doanh nghiệp phải chấp nhận đào thải. Đây là một quy luật và trong bối cảnh gần một phần ba số doanh nghiệp ở Việt Nam đã lâm vào tình trạng phải tự nguyện ngưng hoạt động cùng với tình cảnh phá sản và giải thể tràn lan càng trở nên dễ hiểu.

Tuy nhiên, nếu nhìn ngược thời gian về nửa năm trước, khi doanh nghiệp còn có khả năng vay nhưng không vay được, người ta hẳn phải đặt ra câu hỏi tại sao khi cần DN chưa được vay và tất nhiên bức xúc về thực tế DN phá sản còn ngân hàng lãi ngàn tỷ vẫn còn nguyên.

Giờ đây, khi gói "cứu trợ" 29.000 tỷ đồng mà Chính phủ mới ấn định thông qua Nghị quyết 13, như lời ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên thống đốc NHNN, là quá nhỏ và chỉ đủ giúp cho những doanh nghiệp còn sống. Tức tất cả những doanh nghiệp đã chết sẽ không còn nhiều cơ hội trong việc hưởng thụ sự cứu giúp quá muộn màng này.

Nhưng ngay cả với số doanh nghiệp còn sống, tong tình thế nền kinh tế đã bước vào thời kỳ gần giữa năm 2012 với nhiều biểu hiện khó khăn và nguy cơ giảm phát thì hẳn khối doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nằm trong nguyên vẹn thế bĩ cực của chúng, vẫn có thể bị khai tử vào bất cứ thời điểm nào. Những dự báo đang hiện dần ra, cho thấy trong những tháng tới còn có thể xuất hiện thêm vài chục ngàn doanh nghiệp nữa phải giải thể và phá sản. Và lần đầu tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu công bố một dự báo về con số khoảng 50.000 doanh nghiệp có khả năng phá sản trong năm 2012 này.

Trò đánh đố mới lại bắt đầu

Tình thế đang đòi hỏi những biện pháp "quyết liệt" hơn về lãi suất để các chính sách đi vào thực tế. Có lẽ đó là lý do vì sao NHNN lại phải nêu ra "ý tưởng" về nới rộng nhóm đối tượng cho việc áp trần lãi suất cho vay.

Nếu nhóm đối tượng về trần lãi suất cho vay được mở ra, liệu sẽ có cả những lĩnh vực như tiêu dùng, bất động sản sẽ được tham gia vay vốn. Khi đó, mức trần lãi suất cho vay có thể không phải là 15% như Thông tư 14, mà sẽ vào khoảng 16-17%. Tuy vậy, có cảm giác là cơ chế giải ngân cho những lĩnh vực không khuyến khích sẽ nhanh chóng và thông thoáng hơn cả những gói hỗ trợ tín dụng cho 4 lĩnh vực ưu tiên.

Trong trường hợp NHNN thấy cần phải giảm tiếp lãi suất để kích thích sức mua, mà điều này rất có thể sẽ diễn ra, cả hai khu vực doanh nghiệp được ưu tiên lẫn số doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực không khuyến khích sẽ có điều kiện tiếp cận với những mức lãi suất cho vay thấp hơn.

Trong thực tế, như các hiệp hội ngành nghề phản ánh, hiện nay nhiều doanh nghiệp chỉ có thể vay với mức lãi suất 12-13%. Muốn tạo ra được cơ chế cho vay giá thấp, điều đơn giản là các ngân hàng phải chấp nhận hy sinh một phần quyền lợi (chỉ là một phần  nhỏ) của họ, rút lãi suất huy động về mức 10% hoặc thấp hơn. Đồng thời, ngân hàng có kế hoạch và tiêu chí cụ thể cho vay, với thái độ cầu thị và tôn trọng doanh nghiệp. Chỉ khi đó, dòng tiền giải ngân mới mang tính thực chất và tiền mới dịch chuyển từ ngân hàng vào lưu thông, sưởi ấm cho nền kinh tế đang đông cứng.

 Việt Thắng

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Lo ngại nợ xấu, ngân hàng “chọn mặt trao vốn” (19/05/2012)

>   CEO ngân hàng to, lương nhỏ (19/05/2012)

>   Nguyên giám đốc chi nhánh Agribank bị bắt giam (19/05/2012)

>   TPHCM xử phạt hàng loạt vụ vi phạm ngoại hối (19/05/2012)

>   TPHCM kiến nghị lập công ty mua bán nợ xấu ngân hàng (19/05/2012)

>   Ngân hàng ồ ạt vay vốn ngoại (18/05/2012)

>   Vẫn chưa thể gỡ bỏ được trần lãi suất huy động! (18/05/2012)

>   BIDV góp thêm 21 triệu USD vào Ngân hàng Lào Việt (18/05/2012)

>   NHNN yêu cầu 14 ngân hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ  (18/05/2012)

>   Moody dọa hạ xếp hạng tín nhiệm của SHB (18/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật