Lo ngại nợ xấu, ngân hàng “chọn mặt trao vốn”
Không chỉ áp dụng mức trần lãi suất cho vay 15%/năm, hiện nhiều ngân hàng giảm lãi suất xuống dưới mức này, nhưng vẫn rất khó đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng do chưa tìm được doanh nghiệp đủ tin tưởng để trao vốn.
Tăng trưởng tín dụng của hầu hết ngân hàng đều âm trong 4 tháng đầu năm, kể cả với nhà băng lớn, có thế mạnh trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu như Eximbank cũng không tránh khỏi dư nợ âm 5%. Nguyên nhân được lãnh đạo các nhà băng lý giải là rất khó để tìm kiếm được khách hàng tốt để trao vốn.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán bên lề ĐHCĐ thường niên diễn ra vào ngày 12/5 vừa qua, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank (EIB) cho biết, không phải hạ lãi suất là có thể kích thích được tăng trưởng tín dụng. Theo ông Phước, sở dĩ dư nợ khó tăng là do doanh nghiệp có dự án kinh doanh khả thi thì lại không có nhu cầu vay vốn do thị trường còn nhiều khó khăn. Ngược lại, với các doanh nghiệp yếu có nhu cầu vay vốn, Ngân hàng không dám giải ngân vì nếu trao vốn cho những doanh nghiệp như thế, nợ xấu của Ngân hàng sẽ tăng lên.
Do đó, trong tổng số 6.000 tỷ đồng EIB dành cho khách hàng doanh nghiệp ưu đãi lãi suất, đến nay chỉ mới giải ngân được khoảng 1.500 tỷ đồng. Ông Phước cho biết thêm, với các hợp đồng tín dụng đến kỳ điều chỉnh lãi vay, Eximbank sẽ tự động giảm lãi suất theo xu hướng chung của thị trường. Tuy nhiên, để có thể kỳ vọng dư nợ tín dụng tăng trưởng mạnh lúc này không phải là điều dễ dàng.
Phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng lớn tại TP. HCM thì cho biết, không phải cho vay ra lãi suất ở mức trần 15%/năm, mà với khách hàng tốt, ngân hàng này đã “chào” lãi suất chỉ ở mức 13,5 - 14%/năm. Tuy nhiên, vẫn chưa tìm được khách hàng nào đủ điều kiện để giải ngân, vì những doanh nghiệp có dự án kinh doanh khả thi lúc này không muốn sử dụng vốn vay ngân hàng, do đầu ra của sản phẩm còn hạn chế. Trong khi đó, có không ít doanh nghiệp tìm đến ngân hàng để được vay vốn, song nếu trao vốn cho những doanh nghiệp này chắc chắn nợ khó đòi sẽ tăng lên.
“Dù dư nợ tín dụng trong 4 tháng qua âm hơn 4%, nhưng chúng tôi kiên quyết không mở rộng tín dụng bằng mọi giá, bởi nợ xấu đang có xu hướng gia tăng, nhất là 4 tháng đầu năm 2012 khi khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm. Mặt khác, nợ xấu tăng sẽ ‘ăn’ hết lợi nhuận trong kinh doanh”, vị phó chủ tịch trên nói.
Ngành ngân hàng phải cố gắng mới đạt chi tiêu tăng trưởng tín dụng 17% trong năm nay
Tại HDBank, tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2011 được kiểm soát dưới 1,63%, nhưng đã tăng lên so với cuối năm 2010. Vì thế, dù chỉ tiêu tín dụng năm nay nhận được ở mức 10%, nhưng dư nợ quý I của HDBank đã âm đến 5%. Mục tiêu kiểm soát nợ xấu của HDBank năm nay dưới 2,5% nên việc kiểm soát chất lượng tín dụng được đặt lên hàng đầu.
Để thu hút được khách hàng vay vốn, thời gian gần đây, các nhà băng ngoài việc giảm lãi suất cho vay, còn khuyến mãi cho khách hàng vay vốn.
Điển hình như ACB, Eximbank, BIDV… bên cạnh việc áp trần 15%/năm cho 4 đối tượng khách hàng theo quy định, các nhà băng này đã từng bước điều chỉnh lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, thậm chí với khách hàng tốt với lãi suất dưới 15%/năm. Còn đối với khách hàng cá nhân muốn vay vốn mua, sửa chửa nhà hay vay tiêu dùng hiện lãi suất cho vay chỉ còn dao động trong khoảng 16 - 17,5%/năm. Tuy nhiên, tình hình giải ngân vốn của các ngân hàng vẫn khá chậm.
“Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17% trong năm nay của ngành ngân hàng theo tôi phải cố gắng thì may ra có thể đạt được, vì e ngại là muốn cho vay ra cũng khó có thể cho vay được. Mọi người vẫn nghĩ lãi suất cao, nhưng lại quên một điều là môi trường kinh doanh đang tạo khó khăn cho các doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp chưa dám vay vốn để kinh doanh”, tổng giám đốc một ngân hàng tại TP. HCM nói.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, hiện vốn khả dụng của các ngân hàng đang dư thừa khá nhiều, nhưng rất khó để cho vay ra. Vì thế, việc các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay cũng có nguyên nhân xuất phát từ hai phía, chứ không hẳn chỉ có ngân hàng.
Bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nên họ cần có sự đảm bảo trước khi trao vốn cho khách hàng. Đặc biệt là trước xu hướng nợ xấu đang có dấu hiệu tăng dần. Do đó, để khơi thông được dòng vốn, cần kết hợp tất cả các giải pháp như: giảm lãi suất, kích cầu…, chứ không chỉ riêng giảm lãi vay. “Tôi cho rằng, không cần thiết phải mở rộng phạm vi áp dụng trần lãi suất, vì có thể đến tháng 6/2012 trần lãi suất sẽ được gỡ bỏ sau khi Ngân hàng Nhà nước giải quyết xong 9 ngân hàng yếu kém và xử lý xong nợ xấu của ngành”, ông Ngân nói.
Thùy Vinh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|