Không đẩy vốn bằng mọi giá
Cuối tuần qua, Thống đốc NHNN đã có Văn bản 2871 yêu cầu 14 NHTM lớn (G14+1) xem xét cho vay các dự án lớn có hiệu quả. Trường hợp nhu cầu vốn vay của khách hàng vượt các hạn chế tín dụng, các NHTM có thể cho vay hợp vốn, đồng thời đẩy nhanh việc mua bán, xử lý nợ cho khách hàng. Điều này cho thấy NHNN đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp qua gói chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, việc triển khai đến các NHTM lại không dễ dàng.
Ám ảnh nợ xấu
Theo Văn bản 2871, NHNN yêu cầu trường hợp NHTM đầu mối cấp tín dụng hợp vốn chưa tập hợp đủ thành viên tham gia hợp vốn (nếu có), có thể báo cáo NHNN để khuyến nghị các NHTM khác tham gia hợp vốn.
NHNN cũng yêu cầu nhóm G14+1 chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp xử lý nợ theo các quy định hiện hành; thực hiện mua, bán nợ theo Quyết định 59 về quy chế mua, bán nợ của NHTM. Nếu NHTM có nhu cầu chào mua, bán các khoản nợ nhưng chưa tìm được bên bán/mua nợ báo cáo NHNN.
Các NHTM cũng là doanh nghiệp nên rất lo nợ xấu. Với nợ xấu do bản thân NH gây ra có thể tự xử lý, còn nợ xấu do khách hàng gây ra rất lớn và khó xử lý. Vì vậy, NHTM rất thận trọng trong cho vay. Cái khó của các NHTM hiện nay là dù thừa vốn, tín dụng âm buộc phải đẩy vốn ra nhưng không phải đẩy bằng mọi giá.
Ông TRẦN XUÂN GIÁ, Chủ tịch HĐQT ACB |
Theo đó nêu rõ giá trị khoản nợ, tình trạng khoản nợ (nội bảng, ngoại bảng), các quyền gắn liền với các đảm bảo cho khoản nợ; các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xử lý nợ theo quy định tại Quyết định 493 và 18 về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động NHTM; đề xuất, kiến nghị các biện pháp xử lý, sửa đổi phù hợp.
Với những quy định này có thể thấy NHNN đang nỗ lực thực hiện gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết 13 của Chính phủ.
Tuy nhiên, dù đưa ra các chương trình ưu đãi tín dụng với lãi vay hấp dẫn nhưng việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn rất khó. Thí dụ có NHTM đã triển khai chương trình hỗ trợ tín dụng trị giá 5.000 tỷ đồng, nhưng gần 2 tháng mới giải ngân 100-200 tỷ đồng.
Một số NHTM dù đàm phán với khách hàng để làm lại hợp đồng tín dụng nhưng gói hỗ trợ cơ cấu nợ vẫn còn rất hạn chế. Điều này cũng có nguyên nhân do NHNN quy định tái cơ cấu nợ nhưng không được giảm chuẩn và để các NHTM tự tái cơ cấu nợ.
Theo một chuyên gia NH, các NHTM luôn đứng trên lợi ích của mình để xem xét việc tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp. Có NHTM lợi dụng quy định trên của NHNN làm lại hợp đồng tín dụng, che giấu nhiều khoản nợ xấu.
Thành lập tổ chuyên trách xử lý nợ xấu
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, cho rằng nền kinh tế đang tái cấu trúc nên chắc chắn không phải doanh nghiệp nào cũng được cứu. Bởi rủi ro cho hệ thống tài chính hiện nay rất cao, trong khi nguồn lực tài chính của Nhà nước không quá dồi dào, phải dành một phần cho tái cấu trúc NH.
Tuy nhiên, khi Chính phủ kết hợp việc giải ngân đầu tư công từ vốn trái phiếu chính phủ 180.000 tỷ đồng, với việc hỗ trợ tín dụng và gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng chính sách tài khóa, đã góp phần cho dòng tiền quay trở lại.
Để các giải pháp trên đạt hiệu quả cao, ông Thành kiến nghị Chính phủ cần lập một tổ chức chuyên trách đặc biệt để xử lý nợ xấu và khơi thông tín dụng bằng nhiều nguồn lực. Bởi nguy hiểm nhất của nền kinh tế hiện nay là doanh nghiệp suy kiệt vốn và NH “đóng băng” tín dụng.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Xuân Giá cho rằng nguồn lực tài chính của Nhà nước chỉ có hạn nên không thể rải đều, mà nên tập trung ưu tiên mua bán nợ để làm “sạch” doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Theo ông Giá, các giải pháp hỗ trợ cần triển khai sớm, bởi nếu kéo dài chi phí hỗ trợ sẽ bị đẩy lên cao hơn. Hơn nữa, hỗ trợ sớm còn góp phần chặn đà đi xuống của kinh tế.
“Đồng tiền đi trước luôn là đồng tiền khôn. Nếu cứ đợi thành lập tổ này có lẽ đến năm 2015 mới có kết quả” - ông Giá nói.
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, không chỉ vận động các NHTM tự tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, mà Chính phủ phải có quyền lực tài chính thật sự để có thể mua lại các tài sản độc hại, các khoản nợ xấu từ các NHTM.
Theo đó tập trung làm sạch bảng cân đối tài sản của các NHTM, đưa hàng loạt doanh nghiệp có khả năng tồn tại trong dài hạn trở lại hoạt động, cùng với đẩy mạnh tái cơ cấu NH… là điều then chốt nhất hiện nay.
Doanh nghiệp tự cứu mình
Trả lời câu hỏi doanh nghiệp nên quản lý tài chính như thế nào trong giai đoạn hiện tại, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng qua khảo sát nhiều doanh nghiệp dù lợi nhuận cao nhưng dòng tiền rất kém. Vì vậy doanh nghiệp cần tập trung những việc sau:
Thứ nhất, quản lý tốt thanh khoản, bảng cân đối tài sản, danh mục đầu tư để dòng tiền luôn dương.
Thứ hai, quản lý các tài khoản phải thu, kể cả thanh lý tài sản, bán tài sản để tạo ra dòng tiền dương, đảm bảo khoản phải thu nằm trong tình trạng an toàn. Tránh tình trạng doanh nghiệp chiếm dụng vốn của nhau, khách hàng dây dưa không trả nợ.
Thứ ba, quản lý các khoản phải chi. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp mang tiền trả nợ NH nhưng không được cho vay lại, đã khiến họ phải vay chợ đen với lãi suất khủng.
Thứ tư, hiện nay một số NHTM tốt sẵn sàng đàm phán với doanh nghiệp để cơ cấu lại nợ. Vì thế doanh nghiệp nên công khai điểm yếu điểm mạnh của mình để cùng NH vượt qua khó khăn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên tìm kiếm những đối tác cùng ngành nghề, cùng chung tiêu chí để hỗ trợ nhau, liên minh với nhau trong vấn đề sử dụng lao động, sử dụng đầu vào, đầu ra của sản phẩm… Bởi chắc chắn các liên minh này sẽ được các NHTM ưu tiên hỗ trợ.
Theo ông Nghĩa, thời điểm này doanh nghiệp có thể tận dụng những cơ hội từ chính sách rất quan trọng, nên “nghe ngóng” những thông tin về tốc độ cũng như khả năng giải ngân các dòng vốn của Chính phủ để có thể tiếp cận những chuỗi cung ứng của mình từ các cơ hội này.
Bên cạnh đó, NHNN thiết lập lại chương trình tái cấu trúc hệ thống NH, thiết lập lại trật tự và ổn định thanh khoản các NHTM, theo đó khả năng giảm lãi suất sẽ tốt hơn. Khi đó, các doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn lãi suất rẻ dài hạn.
Thanh Thiên
sài gòn đầu tư tài chính
|