Náo nhiệt kinh doanh ngoại tệ
Thị trường tự do lắng xuống nhưng nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp, người dân vẫn rất cao. Mảnh đất màu mỡ này đã được các ngân hàng triệt để khai thác trong thời điểm tăng trưởng tín dụng khó khăn hiện nay.
Theo kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng, mảng kinh doanh ngoại tệ trong quý 1.2012 có nhiều biến chuyển tích cực. Tại một số ngân hàng lớn, lợi nhuận đã tăng từ 50% - 100% so với cùng kỳ năm 2011. Chính điều này đã thúc đẩy các ngân hàng mở rộng mảng kinh doanh ngoại tệ bằng nhiều cách.
Cạnh tranh bằng lãi suất VND
Để có nguồn ngoại tệ kinh doanh, hiện nay các ngân hàng đang có nhiều “chiêu” để hút. Ngân hàng ACB đang có “chiêu” được cho hút ngoại tệ mạnh khi doanh nghiệp xuất khẩu nào ký kết bán USD thì sẽ cho vay với lãi suất tiền đồng chỉ 8, 9%/năm.
Nhân viên tên Thanh của một chi nhánh ACB tại TP.HCM, cho biết: “Không phải doanh nghiệp xuất khẩu nào chúng tôi cũng cho vay với lãi suất này. Chỉ những doanh nghiệp đã có hợp đồng xuất khẩu hàng hóa với phía đối tác, có thời hạn thanh toán rõ ràng thì mới được duyệt hồ sơ vay vốn giá thấp”.
Ngân hàng ACB không là cá biệt, khi một số ngân hàng khác như Eximbank, Agribank... cũng cho vay với giá thấp khi cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng. Tuy nhiên, mức lãi suất mà ACB đưa ra hiện nay theo khảo sát là “hút” ngoại tệ mạnh hơn cả. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn “đua” nguồn ngoại tệ khi hút mạnh qua kênh kiều hối như Vietinbank, Dongabank, Vietcombank, Agribank...
Chỉ ngân hàng hưởng lợi
Theo cán bộ kinh doanh ngoại tệ của một ngân hàng lớn, khi bán ngoại tệ, ngân hàng được rất nhiều thứ. “Ngân hàng được phép thỏa thuận tỉ giá với khách hàng, được thu phí thêm và... thỏa thuận cả tỉ giá khi bán”. Như vậy, về thực chất, tỉ giá niêm yết trong các thương vụ mua bán ngoại tệ của các ngân hàng thương mại chỉ mang tính chất tham khảo. Điều này được chính các khách hàng xác nhận. “Rất ít khi chúng tôi mua được giá ngoại tệ mà ngân hàng niêm yết, dù là khách hàng quen”, kế toán một công ty xuất nhập khẩu máy móc, thiết bị may mặc tại Q. Gò Vấp tiết lộ. Trong khi đó, nếu bán ngoại tệ cho các ngân hàng thì doanh nghiệp không nhận được nhiều lợi ích như vậy.
“Nói là thỏa thuận tỉ giá nhưng trong điều kiện thị trường tự do như hiện nay, doanh nghiệp nếu không bán ngoại tệ cho ngân hàng thì cũng không biết bán cho ai. Những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi đều cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng để đỡ rắc rối”, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc tại Q. Tân Phú cho biết. Theo nhìn nhận của ông này, trong điều kiện mua, bán ngoại tệ như hiện nay, khi ngân hàng bán ngoại tệ cho khách hàng thì “giá nào doanh nghiệp cũng phải mua”, như vậy chẳng khác nào thị trường ngoại tệ ở trong ngân hàng cũng “giống thị trường tự do trước đây”.
Hà Phương
Đất việt
|