Thứ Tư, 23/05/2012 08:16

Tăng trưởng tín dụng nhúc nhích tăng

Lần đầu tiên trong năm 2012, con số tăng trưởng tín dụng tại hai trung tâm kinh tế Hà Nội và TP.HCM đã chuyển từ âm sang dương, tín hiệu cho thấy nguồn vốn ngân hàng đã phần nào được khai thông.

“Từ tháng 4 đến nay, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng Vietcombank đã dương rồi”, tổng giám đốc ngân hàng Vietcombank Nguyễn Phước Thanh nói.

Đã cho vay nhiều hơn

Cụ thể, ông Thanh cho biết, năm tháng đầu năm 2012, lượng tín dụng tăng thêm của Vietcombank so với cuối năm 2011 khoảng 6.000 tỉ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 3%. Để có được mức tăng trưởng như vậy, Vietcombank đã tung ra thị trường nhiều gói sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn, trong đó lãi suất cho vay tối đa một số đối tượng như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu… chỉ ở mức 12 – 13%. Với diễn biến này, ông Thanh dự báo, đến cuối năm nay, Vietcombank chỉ dùng hết hơn một nửa hạn mức tăng trưởng tín dụng 17% được ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân bổ hồi đầu năm, cố gắng lắm thì đạt mức 10%.

Hoạt động cho vay của ngân hàng ACB cũng ghi nhận có bước chuyển biến, mà theo phó tổng giám đốc ngân hàng ACB Nguyễn Thanh Toại là “có tăng, nhưng chậm”. Phó tổng giám đốc ngân hàng Vietinbank Lê Đức Thọ cũng khẳng định, dòng tín dụng của ngân hàng vẫn vận động đều, doanh nghiệp có nhu cầu, đảm bảo điều kiện vẫn được đáp ứng vốn đầy đủ, đặc biệt trong vòng một tháng qua, lượng hồ sơ và giao dịch thành công của doanh nghiệp vay vốn tại Vietinbank có xu hướng nhích lên.

Chị Tạ Hải Yến, chủ hộ kinh doanh cá thể chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm may mặc tại quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết, hộ kinh doanh này vừa được ngân hàng BIDV giải ngân khoản vay hơn 400 triệu đồng. “Tôi đã đi gõ cửa 4 – 5 ngân hàng từ vài tháng trước, song đều bị từ chối, mỗi nơi một lý do. Nay ngoài BIDV chấp thuận cho vay, nhân viên tín dụng một ngân hàng khác cũng liên lạc trao đổi về hồ sơ vay vốn. Có vẻ như ngân hàng đã trở nên cởi mở hơn với doanh nghiệp”, chị Yến nhận định.

Theo báo cáo của tổng cục Thống kê Hà Nội, đến cuối tháng 5, tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng tại Hà Nội đạt 598.071 tỉ đồng, tăng 0,98% so với tháng trước và tăng 2,04% so với tháng 12.2011. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 819.497 tỉ đồng, tăng 1,24% so với tháng trước và bằng 99,72% so với tháng 12.2011. Còn tại TP.HCM, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 5 ước đạt 762.200 tỉ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 1,6% so với cùng kỳ. Vốn huy động trên địa bàn thành phố cũng tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 11,9% so với cùng kỳ, tương ứng 903.500 tỉ đồng.

Khó đạt chỉ tiêu

“Mặc dù đã chuyển động, song bức tranh tín dụng của hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước đã phản ánh tình trạng doanh nghiệp “sống dở chết dở”, nguyên phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, nhận xét. Theo ông Nghĩa, Hà Nội là đầu mối của hầu hết các ngân hàng thương mại lớn cũng như các tập đoàn, tổng công ty của cả nước mà chỉ đạt mức tăng trưởng tín dụng 2% là quá thấp. TP.HCM, bức tranh tín dụng còn tối màu hơn khi tốc độ tăng trưởng còn thấp hơn Hà Nội.

Lý giải nguyên nhân, ông Nghĩa cho rằng, một tỷ trọng vốn lớn được các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM dồn vào bất động sản khi lâu nay, tín dụng bất động sản của TP.HCM chiếm tới 50% tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực này của cả nước (Hà Nội chỉ chiếm khoảng 20%). Thời gian qua, chính sách tín dụng đã siết rất chặt đối với khu vực bất động sản, nên tăng trưởng tín dụng trên địa bàn này cũng bị kéo lại. Mặt khác, các tập đoàn, tổng công ty lớn hầu hết có trụ sở chính tại Hà Nội, quan hệ thân thiết với các ngân hàng thương mại quốc doanh – hội sở chính cũng đặt tại Hà Nội, nên khi chính sách tiền tệ được nới ra, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn Hà Nội có điều kiện để tiến nhanh hơn.

Nguyên giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM Hồ Hữu Hạnh đặt ra một khả năng khác: tăng trưởng tín dụng của Hà Nội cao hơn TP.HCM có thể do các ngân hàng đã tìm cách đảo nợ. “Các ngân hàng có chi nhánh khắp cả nước, việc chuyển nợ nằm trong khả năng của họ”, ông Hạnh nói. Bởi theo ông Hạnh, dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM quá lớn, thị trường bất động sản vẫn đóng băng, các doanh nghiệp không dễ gì trả nợ ngân hàng được. Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh mới đây cũng cho biết, tình hình thanh khoản của các ngân hàng trên địa bàn đã tốt hơn, nhưng nợ xấu đã tăng lên khoảng 5,3%.

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng nôn nóng tăng trưởng tín dụng khi mà thị trường đầu ra cho doanh nghiệp vẫn khép cửa. Ngân hàng Eximbank, tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này vẫn “âm” khoảng 4 – 5%. Tổng giám đốc Eximbank Trương Văn Phước, cho biết, mức “âm” này nằm trong kế hoạch của ngân hàng, để tập trung thu nợ, xử lý nợ. “Nếu kiểm soát không chặt chẽ, vốn cho vay ra chỉ dùng để đảo nợ, không hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh mà còn gây nguy hiểm cho cả ngân hàng. Chúng tôi lấy chất lượng tín dụng làm tiêu chí hàng đầu, không tăng trưởng bằng mọi giá”, ông Phước nhấn mạnh.

Với tình hình trên, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ khó đạt chỉ tiêu 15 – 17%, và việc này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Thảo Nguyễn

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Các giao dịch ngân hàng nghi ngờ bị kiểm soát đặc biệt (22/05/2012)

>   Khó như vay tiền! (22/05/2012)

>   Ngân hàng Nhà nước phải độc lập mới đủ mạnh (22/05/2012)

>   Credit Suisse: Việt Nam có tiềm năng mạnh mẽ cho hoạt động ngân hàng đầu tư (22/05/2012)

>   Sự thật của trần lãi suất cho vay (22/05/2012)

>   Không cần thiết mở rộng đối tượng áp trần lãi vay (22/05/2012)

>   Gấp rút “phá băng” tín dụng (21/05/2012)

>   Nới lỏng tín dụng nhưng không dễ vay tiền mua nhà (21/05/2012)

>   Cho phép ngân hàng mua bán nợ: Mũi tên nhắm nhiều đích (21/05/2012)

>   Không đẩy vốn bằng mọi giá (21/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật