Thực trạng doanh nghiệp: Kho đầy, túi rỗng
12.000 doanh nghiệp (DN) trên cả nước phá sản và ngừng hoạt động trong quý I/2012 là tấm gương phản chiếu tình hình khó khăn của nền kinh tế. Lãi suất ngân hàng cao, khó tiếp cận vốn, sản xuất đình trệ, hàng làm ra không tiêu thụ được… là những vấn đề DN đang đối mặt. Trong đó, kho đầy - túi rỗng đang là nỗi lo chung và gần như vượt ra khỏi khả năng giải quyết của DN.
Tính đến tháng 3-2012, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tồn kho của nhiều mặt hàng vẫn ở mức cao, trong khi người tiêu dùng có xu hướng tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Sức mua giảm rõ rệt từ trước và sau Tết Nhâm Thìn kéo dài đến nay không những phản ánh việc giảm bớt chi tiêu do thu nhập giảm của một bộ phận lớn dân cư do ảnh hưởng của lạm phát mà còn bởi tâm lý lo lắng về những biến động kinh tế. Tồn kho tăng là vấn nạn chung của hầu hết DN, là vấn đề sống còn đối với các DN nhỏ và vừa vốn hạn chế về năng lực tài chính, hệ thống phân phối…
Vấn đề là phải tìm được giải pháp tiêu thụ hàng tồn nhằm quay nhanh vòng vốn, tháo gỡ ứ đọng sản xuất và sức mua. Ông Trần Sinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế miền Nam, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho rằng trong điều kiện sức mua kém, DN không bán được hàng thì không còn cách nào khác hơn là đẩy mạnh giảm giá, khuyến mãi để thu hồi vốn. Thậm chí, trong trường hợp bất khả kháng, DN phải chấp nhận xả hàng, bán dưới giá vốn để tìm đường sống thông qua việc quay vòng và sử dụng vốn hiệu quả hơn, tránh tình trạng mất khả năng thanh toán.
Cùng quan điểm trên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng để giải quyết hàng tồn, phải tháo gỡ sản xuất và sức mua. Muốn vậy, phải bắt đầu từ việc giảm lạm phát, kéo giá cả xuống thấp để giảm chi phí sản xuất, phải giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm thu nhập ổn định. Bản thân DN cũng phải tìm mọi cách giảm giá thành sản phẩm để bán được nhiều hàng. Quan trọng hơn, cần tổ chức sản xuất phù hợp với cung - cầu, sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Thực tế, mỗi mặt hàng, mỗi DN có tỉ lệ tồn kho khác nhau nên không thể có giải pháp chung cho tất cả. Tuy nhiên, có thể căn cứ vào từng nhóm hàng cụ thể để đưa ra những giải pháp.
Giải quyết bài toán tồn kho hiện nay không chỉ là việc riêng của từng DN mà là vấn đề chung của toàn nền kinh tế. Các cơ quan chức năng, các hiệp hội cần phải nhanh chóng hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường xuất khẩu, mở rộng tiêu thụ tại thị trường nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn… và tổ chức lại kênh phân phối, đừng để DN tự “bơi” như hiện nay.
Thanh Nhân
Người lao động
|