Thứ Tư, 11/04/2012 10:25

Quản trị tập đoàn kinh tế: Thất bại do công tác giám sát

TS Lê Xuân Nghĩa có cuộc trao đổi với PV Lao Động về một loạt sai phạm, yếu kém của các tập đoàn kinh tế (TĐKT) thời gian qua.

TS Lê Xuân Nghĩa nhận định: Tổng kết về sự đổ bể của 340 TĐKT lớn trên thế giới trong nhiều năm qua cho thấy nguyên nhân chủ yếu là sự giám sát của HĐQT đối với hoạt động của toàn bộ TĐKT, đặc biệt là các hoạt động về đầu tư trong một thị trường đầy biến động. Các sai phạm, yếu kém của các TĐKT của Việt Nam vừa qua cũng không nằm ngoài nguyên nhân này.

Theo ông, đâu là lỗ hổng lớn nhất dẫn tới sai phạm kéo dài của các TĐKT hiện nay?

- Theo tôi, với các TĐKT hiện nay có 2 lỗ hổng lớn. Lỗ hổng lớn nhất chính là quản trị DN. Quản trị DN có nguyên tắc quan trọng nhất là xác định rõ vai trò của HĐQT và ban điều hành (BĐH), trong đó HĐQT có nhiệm vụ giám sát toàn bộ hoạt động của tập đoàn trên nền tảng chiến lược mà HĐQT hoặc Chính phủ đã thông qua.

Để làm được việc đó, HĐQT cần một bộ máy, gồm các tiểu ban để giúp việc, ví dụ tiểu ban về đầu tư; tiểu ban kiểm toán nội bộ; tiểu ban quản lý rủi ro... Tuy nhiên, nhìn vào các TĐKT hiện tại có thể thấy rất rõ sự tách bạch giữa chức năng của HĐQT và BĐH không rõ ràng. Mặc dù các TĐKT đều có đại diện của Bộ Tài chính nằm trong HĐQT với tư cách như một thành viên độc lập và có trách nhiệm giám sát, nhưng dường như HĐQT vì không có bộ máy nên không làm nổi chức năng này và vì thế họ tìm cách chia sẻ quyền lực với BĐH. Hiện ở nhiều TĐKT, có một số chủ tịch HĐQT điều hành trực tiếp, ra các quyết định điều hành rất chi tiết thuộc về kế hoạch hằng năm của TĐKT. Và như vậy thì sẽ chẳng còn ai giám sát cả. Chủ tịch HĐQT là người cao nhất nhưng lại trực tiếp điều hành thì còn ai dám phản bác lại?

BĐH cũng vậy. TGĐ do phân định chức năng không rõ ràng, trong khi đó nếu là người có hậu thuẫn mạnh thường quyết đoán rất mạnh mẽ, đưa ra các ý tưởng đầu tư chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định xem ý định đó có thực sự tốt không.

Cuối cùng sẽ dẫn tới tình trạng giữa HĐQT và BĐH đều hướng tới quyền điều hành trực tiếp TĐKT, xem nhẹ giám sát nội bộ. Kết quả là một cơ quan có vai trò chủ yếu là giám sát và một cơ quan có vai trò điều hành hằng ngày thì cả 2 cơ quan này đều hoạt động không hiệu quả và công tác giám sát bị lãng quên. Tôi cho rằng, chính sự hoạch định chiến lược sai; quản lý chiến lược lỏng lẻo và giám sát kém của HĐQT đã dẫn đến sự thất bại của một TĐKT.

Còn lỗ hổng thứ hai nằm ở cấp vĩ mô: Đó là sự thiếu cơ quan giám sát thường xuyên của Chính phủ. Hiện nay, đơn vị được giao làm nhiệm vụ này là Bộ Tài chính, nhưng có 2 lý do để Bộ Tài chính không kham nổi có hiệu quả. Thứ nhất, do các DN VN quá lớn, quá nhiều về số lượng; nếu tính cả các DN nhỏ lên tới hàng ngàn, do vậy việc giám sát được tốt, hiệu quả rất khó khăn. Bên cạnh đó, ngay cả hệ thống giám sát của Bộ Tài chính cũng không đảm bảo 2 nguyên tắc cơ bản, đó là các cơ quan giám sát phải độc lập với cơ quan hoạch định chính sách và nguyên tắc thứ hai là phải độc lập với đối tượng được giám sát, nghĩa là giám sát viên của Bộ Tài chính tại các TĐKT không được hưởng bất cứ một quyền lợi nào từ tập đoàn.  

Theo ông, các cơ quan giám sát nên nằm ngoài Bộ Tài chính và kiến nghị cụ thể của ông về vấn đề này thế nào?

- Đúng vậy. Có thể cơ quan này mới nói lên được tiếng nói khách quan, độc lập. Hiện nay tất cả trông vào kết quả kiểm toán. Tuy nhiên, kết luận của kiểm toán không phát hiện được các vụ đầu tư ngoài ngành, đầu tư sai, không tìm ra được những rủi ro lớn mà TĐKT phải đối mặt. Cơ quan giám sát, theo tôi, phải làm được 2 nhiệm vụ: Một là giám sát từ xa, dựa vào báo cáo tài chính hằng tháng, hằng quý; tình hình vốn liếng của TĐKT; vòng quay vốn..., từ đó đưa ra các cảnh báo cần thiết.

Nhiệm vụ thứ hai là giám sát tại chỗ. Kiểu giám sát lâu nay của Bộ Tài chính là giám sát tuân thủ và thanh tra tại chỗ, không phải là giám sát rủi ro. Trong khi các TĐKT cần thường xuyên giám sát từ xa và phân tích rủi ro kết hợp với cảnh báo sớm làm cơ sở cho thanh tra tại chỗ chính xác, kịp thời. 3 - 5 năm/lần mới thanh tra thì đã quá muộn.

Còn tại sao lại phải là một cơ quan độc lập? Vì mỗi TĐKT nào cũng có hoạt động ngoài mục tiêu chính, ví dụ các tập đoàn hiện đều có cổ phần tại ngân hàng. Có TĐKT có Cty bảo hiểm; có tập đoàn có Cty chứng khoán, thậm chí có tập đoàn có Cty BĐS... Tức là trong mỗi tập đoàn có rất nhiều DN có thể tạo ra những rủi ro chéo.

Về nguyên tắc quản lý, đây là các ngành khác hẳn nhau. Vì vậy, dường như có rất nhiều lĩnh vực mà lãnh đạo tập đoàn, kể cả HĐQT và BĐH không quản lý nổi, nhất là những lĩnh vực liên quan đến tài sản. Đó là những lỗ hổng rất lớn.

Vì vậy một cơ quan giám sát tập trung và độc lập có thể làm được điều đó, có thể tìm được những rủi ro chéo từ khu vực này sang khu vực khác, từ BĐS sang CK, ngân hàng..., đặc biệt là các lĩnh vực kinh doanh  ngoài ngành của tập đoàn và có thể cảnh báo sớm tới Chính phủ các rủi ro có thể xảy ra.

Tóm lại, giám sát nội bộ yếu, giám sát vĩ mô yếu, phương pháp giám sát kém chính là những lỗ hổng dẫn tới các sai phạm kéo dài của các TĐKT.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Huệ thực hiện

Lao động

Các tin tức khác

>   "Gục ngã” trên đống tài sản - Kỳ 3: Bán lỗ vẫn ế (11/04/2012)

>   Nhiều doanh nghiệp bán tài sản trả nợ (11/04/2012)

>   Bộ Tài chính hỗ trợ 20% phí bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (10/04/2012)

>   Tôm Việt Nam lấy lại hình ảnh đẹp ở thị trường Nhật (10/04/2012)

>   Việt Nam: Cân bằng cán cân thương mại vào 2020 (10/04/2012)

>   Thách thức xuất khẩu gạo năm 2012 (10/04/2012)

>   Thoát bẫy “công ty ma” tại châu Phi (10/04/2012)

>   Hàng tồn chất cao như núi! (10/04/2012)

>   Rau quả trước ngưỡng “cấm cửa” sang EU (10/04/2012)

>   Thị trường ô tô: Gài số “de” đáng ngại (10/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật