Thứ Ba, 10/04/2012 14:04

Việt Nam: Cân bằng cán cân thương mại vào 2020

Trong chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng gấp 3 lần năm 2010, bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD và cán cân thương mại được cân bằng.

Thông tin trên được ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đưa ra tại " Hội thảo tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với kinh tế và thương mại Việt Nam, khuyến nghị chính sách thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020," do dự án hỗ trợ thương mại đa biên (Mutrap) tổ chức sáng 10/4 tại Hà Nội.

Trình bày tại hội thảo, lãnh đạo Vụ xuất nhập khẩu cho biết, trong định hướng phát triển ngành hàng, Bộ Công Thương sẽ xây dựng lộ trình giảm dần xuất khẩu khoáng sản thô, đầu tư công nghệ để tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng các cơ hội thuận lợi về giá cả để tăng giá trị xuất khẩu.

Đối với nhóm hàng mới (nằm trong nhóm hàng hóa khác), sẽ tập trung rà soát các mặt hàng có kim ngạch hiện nay còn thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao để tạo sự đột phá trong xuất khẩu.

Cũng trong giai đoạn này, nhập khẩu cũng được điều chỉnh theo hướng phát triển sản xuất nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ các ngành hàng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, cải thiện thâm hụt thương mại với các thị trường mà Việt Nam đang nhập siêu.

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Chile. Việt Nam cũng đã ký kết hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với Nhật Bản, đang đàm phán FTA Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chuẩn bị khởi động đàm phán FTA với EU.

"Đây là cơ hội tốt để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cũng như giảm nhập siêu," ông Phan Văn Chinh cho biết.

Tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra những đánh giá về tác động  của việc mở cửa thị trường trong WTO và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đến hoạt động sản xuất, thương mại của Việt Nam, qua đó đề xuất các biện pháp hoàn thiện cơ chế điều hành xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương trong giai đoạn tới.

Một số thị trường cần đặc biệt quan tâm khai thác là Ấn Độ, Hàn Quốc... cũng như chú ý khai thác những động thái chính sách gần đây của Trung Quốc để tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, cụ thể là tăng giá trị và khối lượng xuất khẩu đối với hàng nông thủy sản, tổ chức lại việc buôn bán biên giới với Trung Quốc để tránh bị ép giá...

Nhìn lại 10 năm từ 2001-2010, xuất khẩu hàng hóa trung bình cả giai đoạn đạt 17,42%/năm, vượt 1,42% so với chỉ tiêu đặt ra trong chiến lược là 16%/năm. Nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng 18,42%, tuy nhiên giai đoạn này, Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu với kim ngạch là 62 tỷ USD, chiếm 15,86% so với xuất khẩu.

Cùng với những ý kiến đóng góp tại hội thảo, Bộ Công Thương sẽ đề ra những chính sách điều hành mang tính dài hạn, góp phần thực hiện những mục tiêu đề ra./.

Đức Duy

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Thách thức xuất khẩu gạo năm 2012 (10/04/2012)

>   Thoát bẫy “công ty ma” tại châu Phi (10/04/2012)

>   Hàng tồn chất cao như núi! (10/04/2012)

>   Rau quả trước ngưỡng “cấm cửa” sang EU (10/04/2012)

>   Thị trường ô tô: Gài số “de” đáng ngại (10/04/2012)

>   Tránh bão khủng hoảng: Chọn phân khúc cao cấp (10/04/2012)

>   Lạ kỳ DNNN không thể phá sản (10/04/2012)

>   Cứu doanh nghiệp: Đề xuất nhiều nhưng cần làm sớm (10/04/2012)

>   PVN vòng vo trách nhiệm (10/04/2012)

>   Quảng Ngãi: ra “tối hậu thư” cho 19 dự án (10/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật