Thứ Ba, 10/04/2012 10:40

Thách thức xuất khẩu gạo năm 2012

Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2012. Để tránh nguy cơ mất thị trường do không cạnh tranh được với các quốc gia xuất khẩu gạo khác, ngành xuất khẩu gạo cần áp dụng nhiều giải pháp nhằm nâng giá trị hạt gạo và tìm những thị trường cao cấp cho gạo thơm của Việt Nam.

Xuất khẩu gạo đối mặt thách thức lớn

Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam hai tháng đầu năm đã giảm mạnh, chỉ đạt 627.000 tấn, giảm 43% so cùng kỳ. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo trong quí 1-2012, khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước chỉ vào khoảng 1-1,1 triệu tấn, giảm khoảng 40% so cùng kỳ.

Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA, lượng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước giảm mạnh trong ba tháng đầu năm là do lượng tồn kho của các quốc gia nhập khẩu gạo của Việt Nam vẫn ở mức cao, chủ yếu ở những quốc gia châu Phi. Bên cạnh đó, những quốc gia nhập khẩu gạo của Việt Nam đã nhập đủ số lượng trong năm 2012 và chưa có kế hoạch nhập khẩu mới trong năm nay. Cụ thể, Malaysia đã ký hợp đồng đủ kế hoạch và chờ giao hàng đến hết năm 2012. Indonesia đã nhập đủ kế hoạch và chưa đưa ra kế hoạch nhập khẩu mới trong năm nay. Một số quốc gia nhập khẩu gạo khác như Bangladesh đã chuyển nguồn cung nhập khẩu gạo giá rẻ từ Việt Nam sang Ấn Độ, do thời điểm cuối năm 2011, khi các quốc gia này đưa ra kế hoạch nhập khẩu gạo cho năm 2012, giá gạo Việt Nam còn ở mức cao.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thành Biên, cũng thừa nhận tình hình xuất khẩu gạo trong năm 2012 của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu cao hơn so với nhu cầu tiêu thụ gạo toàn cầu. Nguồn cung gạo năm 2012 được dự báo tăng cao do lượng gạo gối đầu chuyển từ năm 2011 sang (khoảng 151 triệu tấn, chiếm 32% sản lượng tiêu dùng gạo toàn cầu và tăng 30% so với cùng kỳ), và dự báo vụ mùa bội thu tại các nước sản xuất. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước đang có xu hướng chững lại.

Trước những lý do khách quan và chủ quan trên, ngành xuất khẩu gạo trong nước buộc phải đối mặt với những thách thức lớn trong năm 2012. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có giải pháp mạnh, gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó giữ được vị trí dẫn đầu như những năm qua.

Hướng đến thị trường gạo cao cấp

Trước sự cạnh tranh gay gắt tại phân khúc gạo phẩm cấp trung và thấp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển hướng sang thị trường gạo cao cấp, gạo đặc sản. Tuy nhiên, đây là một phân khúc mà Việt Nam chưa có thế mạnh. Lượng gạo cao cấp, gạo đặc sản xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ thấp trong tổng sản lượng xuất khẩu những năm qua. Việt Nam có không ít loại gạo đặc sản và cao cấp nhưng do nguồn cung hạn chế và công tác tiếp thị, xúc tiến thương mại chưa tốt nên chưa có loại gạo nào đủ sức cạnh tranh về thương mại với gạo đặc sản Homali của Thái Lan hay Basmati của Ấn Độ và Pakistan.

Phát biểu tại buổi hội thảo “Giải pháp phát triển và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL” vừa được tổ chức cuối tuần trước, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng, để nâng giá trị hạt gạo xuất khẩu, vấn đề tiêu thụ lúa gạo cần được xem xét giải quyết từ gốc, tức là ngay từ khâu sản xuất, bảo quản, tạm trữ, chế biến lúa gạo hàng hóa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh, thành phố phải tổ chức thực hiện quy hoạch sản xuất lúa hàng hóa; hướng dẫn sản xuất theo hướng chuyên canh các giống lúa phẩm cấp cao, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến thóc, để nâng chất lượng, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường.

Ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam cần chú trọng đến những thị trường nhập khẩu gạo cao cấp mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đang xúc tiến việc tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu gạo đi đôi với việc củng cố, duy trì các thị trường truyền thống. Bộ cũng đã tiến hành đàm phán, ký kết các thỏa thuận mua bán gạo với một số đối tác mới như Sierra Leone, Bangladesh. “Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo không thể chỉ về lượng, mà điều quan trọng lâu dài là phải tập trung tạo ra giá trị gia tăng của hạt gạo”, ông Biên nói.

Trần Sơn

tbktsg

Các tin tức khác

>   Thoát bẫy “công ty ma” tại châu Phi (10/04/2012)

>   Hàng tồn chất cao như núi! (10/04/2012)

>   Rau quả trước ngưỡng “cấm cửa” sang EU (10/04/2012)

>   Thị trường ô tô: Gài số “de” đáng ngại (10/04/2012)

>   Tránh bão khủng hoảng: Chọn phân khúc cao cấp (10/04/2012)

>   Lạ kỳ DNNN không thể phá sản (10/04/2012)

>   Cứu doanh nghiệp: Đề xuất nhiều nhưng cần làm sớm (10/04/2012)

>   PVN vòng vo trách nhiệm (10/04/2012)

>   Quảng Ngãi: ra “tối hậu thư” cho 19 dự án (10/04/2012)

>   Đà Nẵng: 27% doanh nghiệp đình trệ, phá sản (10/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật