Bộ Tài chính hỗ trợ 20% phí bảo hiểm tín dụng xuất khẩu
Trong thời gian tới, nếu doanh nghiệp mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ được Bộ Tài chính hỗ trợ 20% tổng mức phí bảo hiểm cho mỗi đơn hàng xuất đi.
|
Gạo là mặt hàng nằm trong nhóm ưu tiên mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu |
Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị bảo hiểm tín dụng xuất khẩu do Bộ Tài chính tổ chức tại TPHCM ngày 10-4.
Theo đó, sẽ có 23 mặt hàng được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm gồm có nhóm 1 là 9 mặt hàng nông lâm thủy sản như thủy sản, gạo, điều, cà phê, chè, sắn, rau quả, sắn; nhóm 2 gồm dệt may, giày dép, điện tử và linh kiện điện tử, mây tre, gỗ…
Hiện bảy doanh nghiệp bảo hiểm tham gia vào chương trình này. Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, khi số lượng doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xuất khẩu ngày càng nhiều thì Bộ Tài chính sẽ cho phép 29 công ty bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam cùng tham gia.
Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được Bộ Tài chính hỗ trợ cài đặt phần mềm và xây dựng cơ sở dữ liệu nhà nhập khẩu, thiết kế những sản phẩm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu cũng như chương trình đào tạo cho các nhân viên bảo hiểm tín dụng.
Theo ông Phạm Đình Trọng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào thế kỷ 19 nhưng đối với Việt Nam thì cả nhà quản lý lẫn doanh nghiệp đều cảm thấy mới mẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm khi tham gia mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. “Hiện các doanh nghiệp có tâm lý nếu mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ làm tăng thêm chi phí giá thành sản phẩm, đặt biệt trong bối cảnh giá cước vận chuyển đang cao như hiện này. Vì thế, nhiều doanh nghiệp ngần ngại trong việc mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu”, ông Trọng nói.
Theo ông Trọng, trong năm 2011 có khoảng 100 triệu đô la Mỹ (giá trị các mặt hàng xuất khẩu) mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Năm 2012, Bộ Tài chính đặt mục tiêu sẽ có 2 tỉ đô la Mỹ của các đơn hàng xuất khẩu được mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Trọng thừa nhận, mục tiêu này khó đạt được vì nhiều doanh nghiệp vẫn còn xem mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu vẫn là một phần gánh nặng cho giá thành sản phẩm như đã nói ở trên.
Ông Trọng cho biết, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam chưa muốn mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu mà Thái Lan, quốc gia có chương trình bảo hiểm tín dụng xuất khẩu từ năm 1992 nhưng đến năm 2010 mới có 1% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu được mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
Vì thế, vấn đề đầu tiên là phải làm sao thuyết phục được doanh nghiệp xem mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu như một trong những chi phí phải có trong kinh doanh mới là điều quan trọng.
Theo Bộ Tài chính, mặc dù bộ có chính sách hỗ trợ tài chính nhưng doanh nghiệp có mua bảo hiểm xuất khẩu hay không là thuộc quyền quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp. Còn đối với doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính cũng không bắt buộc doanh nghiệp phải bán gói sản phẩm này nếu nhận thấy gói sản phẩm bảo hiểm này không mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Hiện có 2 cách thức mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Thứ nhất là doanh nghiệp mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu cho cả một năm tài chính cho tất cả các mặt hàng xuất khẩu. Thứ hai là doanh nghiệp chỉ chọn những mặt hàng cụ thể để mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
Giá trị mỗi hợp đồng mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu thường phụ thuộc vào tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng cũng như phụ thuộc vào từng thị trường mà 23 mặt hàng nói trên cập cảng của nước nhập khẩu.
Mục tiêu của Bộ Tài chính là trong những năm tới sẽ có khoảng 3% kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
Ngọc Hùng
TBKTSG Online
|