Thứ Tư, 11/04/2012 06:23

Nhiều doanh nghiệp bán tài sản trả nợ

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong năm 2011 có tới gần 80.000 doanh nghiệp (DN) phá sản, đóng cửa, ngừng hoạt động. Riêng trong quý 1/2012, cũng có khoảng 2.200 DN làm thủ tục giải thể và khoảng trên 9.700 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế.

Đây chính là nguyên nhân khiến các ngân hàng (NH) khốn khổ thanh lý tài sản để thu hồi nợ.

Rao bán nợ...

Bà P. (Q.Tân Phú, TP.HCM) có một xưởng sản xuất gia công chỉ cho các DN may. Năm 2010, nhận được nhiều đơn hàng gia công của các DN dệt may nên công ty vay thêm NH 1 tỉ đồng để đầu tư. Bắt đầu từ cuối năm 2011, đơn hàng ngày càng ít đi, trong khi cổ đông muốn rút vốn nên bà P. phải vay tín dụng đen trả cho cổ đông nhưng không trả được nên bị siết mất máy móc, thiết bị. Phần còn lại nhà xưởng đang thế chấp NH vay 300 triệu đồng. Mặc dù chưa bị vào diện nợ quá hạn nhưng bà P. chủ động điện cho NH để bán nhà xưởng rộng 600m2 ở Củ Chi với giá 1,75 tỉ đồng lấy tiền trả nợ. Nhân viên NH này cho biết, giá trên đã giảm 200 triệu đồng so với cách đây vài ngày bởi sau khi rao bán chẳng có ai hỏi mua.

Công ty Bình An đứng trước nguy cơ phát mãi tài sản trả nợ

Công ty T., chuyên về sản xuất gỗ cũng bỗng dưng rơi vào cảnh nợ nần. Công ty này trúng thầu cung cấp cửa gỗ cho một dự án chung cư trên địa bàn Q.Tân Bình, TP.HCM. Cách đây vài tháng, chủ đầu tư dự án này thông báo dự án tạm ngưng thi công vì “đói vốn”. Công ty T. "chết điếng" vì đã vay tiền NH mua gỗ và chuẩn bị cho khâu sản xuất. Số nợ NH hiện nay còn 200 triệu đồng nhưng đã quá hạn 60 ngày nên NH liên tục nhắc nhở khách hàng trả nợ. Chủ Công ty T. hiện đang tìm cách bán đất để trả nợ NH và cầm cự chờ người mua lại số gỗ trên.

Một trong những DN điển hình cho tình trạng làm ăn khó khăn dẫn đến nợ nần chồng chất là trường hợp của Công ty Bình An (Cần Thơ). Công ty này đã nợ NH số tiền khoảng 1.227 tỉ đồng. Là một trong những NH đang cho Công ty Bình An vay, ông Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB) - cho biết: “Công ty Bình An hiện đang còn nợ ACB 61 tỉ đồng thế chấp bằng máy móc, đất đai nhà xưởng nên việc thu hồi vốn là có khả năng bởi máy móc thiết bị của DN khá hiện đại. Tuy nhiên, do DN hiện nay đang gặp nhiều khó khăn nên NH chưa tính đến chuyện phát mãi tài sản của DN”.

Phát mãi từ nhà xưởng đến... máy xúc

Việc bán phát mãi tài sản gồm dây chuyền máy móc, nhà xưởng, kho bãi... của DN không hề dễ dàng trong bối cảnh hiện nay. Tại Công ty TNHH quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank - SBA), hiện đang rao bán không ít bất động sản, nhà xưởng, máy móc của các DN dưới dạng “thanh lý tài sản cấn trừ nợ”. Một số NH khác lại đang tính đến chuyện bán lại nợ. Như trường hợp tại NH TMCP Ngoại thương (Vietcombank) chi nhánh Đà Nẵng rao bán khoản nợ 190.824 USD của Công ty CP thương mại Đ.L (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam). Trong đó, nợ gốc là 130.404 USD, nợ lãi 60.419 USD, tương đương gần 4 tỉ đồng. Tuy nhiên NH đưa ra giá bán dự kiến 1,4 tỉ đồng thông qua hình thức thỏa thuận hoặc đấu giá.

Trong "kho" phát mãi ở nhiều công ty cũng tràn ngập máy móc thiết bị khi tình trạng sản xuất cầm chừng lan rộng ra nhiều DN. Từ tháng 3 tới nay, Công ty TNHH MTV quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc NH TMCP Công thương (Vietinbank - AMC) liên tiếp thông báo tổ chức bán đấu giá hàng loạt lô máy công trình, ô tô, mô tô... Thông báo mới nhất ngày 11.4, tại KCN Sóng Thần - Bình Dương, sẽ bán 7 máy đào bánh lốp với giá khởi điểm hơn 3,2 tỉ đồng. Trước đó, ngày 29.3, một lô gồm 9 máy đào và máy xúc đã được mang ra đấu giá với tổng giá trị hơn 4,3 tỉ đồng, tuy nhiên chỉ bán được 2 máy.

Ông Ngô (nhân viên xử lý tài sản nợ quá hạn của một NH) cho biết: “Chưa bao giờ NH xử lý tài sản nợ quá hạn của khách hàng khổ như hiện nay. Thị trường bất động sản đóng băng, rao nhà đất cả tuần mà không khách hàng nào điện hỏi thăm chứ đừng nói là mua. Tài sản dù có rẻ mấy cũng khó kiếm người mua. Trước đây, khách hàng cá nhân mua nhà phát mãi sẽ được NH hỗ trợ cho vay. Thế nhưng hiện nay các NH khá khắt khe, thậm chí không cho vay bởi theo chủ trương NH chỉ tập trung cho vay sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu ngắn hạn...”.

Thanh Xuân - Anh Vũ

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Bộ Tài chính hỗ trợ 20% phí bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (10/04/2012)

>   Tôm Việt Nam lấy lại hình ảnh đẹp ở thị trường Nhật (10/04/2012)

>   Việt Nam: Cân bằng cán cân thương mại vào 2020 (10/04/2012)

>   Thách thức xuất khẩu gạo năm 2012 (10/04/2012)

>   Thoát bẫy “công ty ma” tại châu Phi (10/04/2012)

>   Hàng tồn chất cao như núi! (10/04/2012)

>   Rau quả trước ngưỡng “cấm cửa” sang EU (10/04/2012)

>   Thị trường ô tô: Gài số “de” đáng ngại (10/04/2012)

>   Tránh bão khủng hoảng: Chọn phân khúc cao cấp (10/04/2012)

>   Lạ kỳ DNNN không thể phá sản (10/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật