Thứ Tư, 11/04/2012 15:27

Khủng hoảng dây chuyền ngành cá tra 

Việc các ngân hàng đồng loạt siết chặt tín dụng đối với ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra sau vụ lùm xùm của Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) không chỉ đẩy các doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn về vốn sản xuất mà còn châm ngòi một cuộc khủng hoảng mới cho cả hệ thống ngành cá tra, từ nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu. “Tê liệt” cả hệ thống.

Ngành sản xuất cá tra rơi vào cuộc khủng hoảng do các ngân hàng đồng loạt siết chặt tín dụng. Trong ảnh: nông dân cho cá tra ăn mì tôm thay thế thức ăn công nghiệp do gặp khó khăn về vốn sản xuất.

Sau sự việc ồn ào của Bianfishco, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra nhanh chóng bị đẩy vào cơn khát vốn bởi các ngân hàng đồng loạt thắt chặt tín dụng.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), hiện có đến 90% số doanh nghiệp cá tra có nhu cầu tăng mức vốn vay để duy trì hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu (mua nguyên liệu, mua thức ăn, trả tiền nhân công).

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, thành viên Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), cho biết: “Trước đây, doanh nghiệp cá tra chỉ cần nhập kho dự trữ vài trăm tấn cá là có thể đi vay ngân hàng được, hoặc sau khi bán cá thì doanh nghiệp cũng có thể lấy giấy tờ xuất bán này để vay vốn của ngân hàng trả nợ cho nông dân. Còn bây giờ, sau khi xảy ra vụ “lình xình” của các doanh nghiệp, các ngân hàng không áp dụng hình thức này nữa, khiến các doanh nghiệp điêu đứng. Hệ lụy là cả ngành sản xuất và chế biến cá tra nguyên liệu đều bị tê liệt”.

Thực tế, trong vòng nửa tháng qua, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL như An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang và Đồng Tháp liên tục giảm, từ mức gần 28.000 đồng/ki lô gam xuống 24.000 đồng/ki lô gam (đối với cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thịt trắng, trọng lượng 0,8-0,9 ki lô gam/con), nhưng vẫn không tiêu thụ được. Người nông dân nuôi cá tra đang đứng trước nguy cơ phá sản. “Giá cá tra giảm mạnh không phải vì cá nguyên liệu dư thừa hay tình hình xuất khẩu quá khó khăn mà do doanh nghiệp không có vốn mua cá”, ông Nguyên nói.

Không chỉ doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra và nông dân đứng trước bờ vực phá sản, mà ngay cả các doanh nghiệp, đại lý cung ứng thức ăn chăn nuôi phục vụ cho ngành cá tra cũng đứng ngồi không yên. Ông Nguyễn Hoàng Thân, đại lý doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi Nguyễn Hoàng Thân, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết gần đây doanh số bán ra của đại lý đã giảm đến 15-20% do nông dân nuôi cá tra thiếu vốn đầu tư mua nguyên liệu. “Tình hình này mà tiếp tục kéo dài, chắc chắn cả hệ thống từ cung ứng, nuôi trồng đến chế biến và xuất khẩu rồi sẽ tê liệt hết”, ông Thân nói.

Cá tra đạt 2 tỉ đô la: dễ hay khó?

Mới đầu năm 2012, Vasep rất vui mừng tổ chức sự kiện xuất khẩu cá tra của Việt Nam lần đầu tiên vượt ngưỡng 1,8 tỉ đô la Mỹ (năm 2011), tăng 26,5% so với cùng kỳ. Từ thắng lợi này, năm nay ngành xuất khẩu cá tra gánh trọng trách mang về 2 tỉ đô la Mỹ cho đất nước. Tuy nhiên, đạt được con số này không phải dễ dàng trong điều kiện ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu bị “tê liệt” như hiện nay.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, cho biết: “Nhìn chung tình hình xuất khẩu thủy sản trong quí 1 năm nay, về mặt doanh số có vẻ đã “êm”, nhưng chỉ dựa vào những con số thì vẫn chưa nói được gì”. Theo ông Hòe, thời gian tới các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng, đeo bám thị trường để giải quyết kế hoạch sản xuất. Đạt được mục tiêu tăng trưởng là điều khó bởi hiện nay ngoài những biến động về thị trường thì vấn đề tài chính cũng là một vướng mắc cho ngành cá tra Việt Nam.

Theo Vasep, trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào các nước Liên hiệp châu Âu (EU) - thị trường nhập khẩu cá tra lớn của Việt Nam, chỉ đạt 68,9 triệu đô la Mỹ, giảm gần 11% so với cùng kỳ.

Ông Nguyên cũng cho rằng, đạt được con số 2 tỉ đô la Mỹ cho xuất khẩu cá tra trong năm nay không khó nếu vấn đề vốn cho các doanh nghiệp được “khơi thông”; thị trường xuất khẩu khởi sắc trở lại.

Theo AFA, trong vòng nửa tháng trở lại đây, hàng loạt doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra tại An Giang đã thu hẹp dần quy mô sản xuất. Cụ thể, cuối tháng 3-2012, tổng khối lượng cá tra được tám doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản lớn của An Giang chế biến chỉ đạt 4.580 tấn so với con số gần 5.200 tấn đạt được trước đó nửa tháng.

Trong khi khối lượng chế biến phục vụ xuất khẩu liên tục giảm thì theo ông Hòe, giá xuất khẩu sang các thị trường từ đầu năm đến nay vẫn không tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu đạt doanh thu 2 tỉ đô la Mỹ đối với ngành cá tra trong năm nay.

Trung Chánh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Luật sư của Vinashin xác nhận chủ nợ rút đơn kiện (11/04/2012)

>   Quản trị tập đoàn kinh tế: Thất bại do công tác giám sát (11/04/2012)

>   "Gục ngã” trên đống tài sản - Kỳ 3: Bán lỗ vẫn ế (11/04/2012)

>   Nhiều doanh nghiệp bán tài sản trả nợ (11/04/2012)

>   Bộ Tài chính hỗ trợ 20% phí bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (10/04/2012)

>   Tôm Việt Nam lấy lại hình ảnh đẹp ở thị trường Nhật (10/04/2012)

>   Việt Nam: Cân bằng cán cân thương mại vào 2020 (10/04/2012)

>   Thách thức xuất khẩu gạo năm 2012 (10/04/2012)

>   Thoát bẫy “công ty ma” tại châu Phi (10/04/2012)

>   Hàng tồn chất cao như núi! (10/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật