Thứ Hai, 20/02/2012 20:00

Giảm lãi suất: Cần sự quyết đoán của NHNN!

(Vietstock) - Một trong những mục tiêu hàng đầu của việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đặt trong bối cảnh chung tái cơ cấu và đổi mới mô hình kinh tế, là trả lại thị trường tiền tệ vai trò và chức năng cơ bản cung cấp vốn lưu động (ngắn hạn) trong khi thị trường vốn (trọng tâm là TTCK – thị trường trái phiếu và cổ phiếu) là kênh huy động và dẫn vốn trung – dài hạn.

Định hướng này cần phải được NHNN truyền thông, quán triệt tới các NHTM.

Điều hành chính sách tiền tệ năm 2012, cả các năm trong và sau quá trình tái cấu trúc ngân hàng, cần phải nằm trong định hướng chung đó. Bởi lẽ nếu những giải pháp điều hành xa rời mục tiêu tổng quát, có thể sẽ khiến quá trình tái cấu trúc bị chệch hướng, không đạt được kết quả mong muốn, thậm chí trong một số trường hợp có thể làm vấn đề trầm trọng thêm, tác động tiêu cực tới nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Những hệ quả tiêu cực do mặt bằng lãi suất cao hiện nay

Vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm là mặt bằng lãi suất vẫn rất cao cho dù chỉ số CPI liên tục duy trì dưới 1% suốt từ tháng 8/2011. Ngay cả tháng 2 là tháng Tết Nguyên đán, lạm phát được dự báo chỉ ở mức khoảng  1.5%.

Trong bối cảnh lạm phát các tháng liên tục nằm trong tầm kiểm soát, lãi suất tiết kiệm cao sẽ khiến dòng tiền trong dân dồn về các NHTM. Với tư cách là một kênh “cạnh tranh” với ngân hàng trong huy động vốn, thị trường vốn trung – dài hạn sẽ trở nên kém hấp dẫn. Khi thị trường vốn không được vực dậy và rơi vào tình trạng tồi tệ như mấy năm vừa qua, gánh nặng huy động và dẫn vốn sẽ lại tiếp tục “đè” lên hệ thống ngân hàng. Điều hành chính sách tiền tệ như thế là chệch khỏi định hướng của tái cấu trúc.

Hẳn nhiên, khi lãi suất cho vay cao, doanh nghiệp sẽ là đối tượng chịu tác động trực tiếp. 50 ngàn doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản trong 9 tháng đầu năm 2011 đủ nói lên tất cả những bĩ cực mà các doanh nghiệp đã và đang phải gánh chịu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp tự thân đã phải tiến hành tái cấu trúc sâu sắc, thậm chí rất “đau đớn” để có được cơ cấu vốn lành mạnh hơn, giảm phụ thuộc vào các khoản tín dụng từ ngân hàng. Báo cáo tài chính quý III và quý IV năm 2011 của nhiều doanh nghiệp niêm yết cho thấy những nỗ lực trong hướng đi đó.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã thực hiện tái cấu trúc sâu sắc, doanh nghiệp vẫn cần phải huy động vốn (cả ngắn – trung – dài hạn) để tồn tại và phát triển. Trong bối cảnh mục tiêu tăng dư nợ tín dụng 15-17% (nằm trong định hướng NHTM thực hiện chức năng cơ bản cung cấp vốn lưu động, giảm gánh nặng huy động và dẫn vốn lên hệ thống NHTM), các doanh nghiệp sẽ phải hướng mục tiêu huy động vốn trung – dài hạn sang thị trường vốn. Nhưng mặt bằng lãi suất cao lại gây khó khăn cho việc vực dậy và phát triển thị trường vốn, chi phí vốn bị đẩy lên cao, việc huy động vốn trung – dài hạn của doanh nghiệp sẽ rơi vào bế tắc.

Như vậy, tái cấu trúc vẫn chưa phải là đã xong, doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp và thậm chí ngừng hoạt động. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ gây hệ quả nghiêm trọng lên vấn đề công ăn việc làm... bởi lẽ doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo ra nhiều việc làm lại chính là đối tượng đang “đói” vốn và bế tắc trầm trọng. 

Đối với NHTM, duy trì lãi suất huy động cao để hút vốn cũng không phải là việc làm khôn ngoan. Trong định hướng NHTM chỉ thực hiện chức năng cơ bản cung cấp vốn lưu động, tăng dư nợ tín dụng chắc chắn sẽ được NHNN kiểm soát chặt, NHTM có tăng mạnh nguồn huy động cũng chỉ tạo thêm gánh nặng chi phí trả lãi mà thôi.

Tuy nhiên, do đã quen với việc là kênh huy động và cấp vốn (ngắn – trung – dài hạn) chủ yếu cho doanh nghiệp, chưa bắt kịp với tiến trình tái cấu trúc, một số NHTM vẫn tiếp tục mục tiêu tăng mạnh nguồn huy động, thậm chí đâu đó vẫn có hiện tượng lách trần lãi suất huy động 14%? Tất nhiên, những ngân hàng yếu kém về quản trị rồi cũng sẽ học được bài học và rút ra những kinh nghiệm cho mình. Nhưng khi họ học được bài học thì hệ thống tài chính và nền kinh tế cũng phải trả giá.

Ngoài ra, hệ quả tiêu cực còn thể hiện trong những hoạt động khác “ăn theo” lãi suất ngân hàng. Bởi lẽ huy động vốn còn diễn ra ngoài kênh chính thức như ngân hàng và TTCK (thậm chí những kênh huy động “không chính thức” còn chiếm tỷ trọng khá cao hiện nay, đặc biệt đối với DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh...).

Thế là việc duy trì mặt bằng lãi suất liên tục cao sẽ gây ra những méo mó tai hại và làm chệch hướng mục tiêu tái cấu trúc.

Vậy tại sao NHNN vẫn kiên trì giữ mặt bằng lãi suất cao?

Trong số những lý do được đưa ra, ngoài áp lực kiểm soát lạm phát, theo NHNN đó còn là những khó khăn thanh khoản trong hệ thống. NHNN cho rằng, lạm phát thấp chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để hạ lãi suất. Tuy nhiên, diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng như những đợt phát hành thành công trái phiếu Chính phủ gần đây cho thấy thanh khoản trong hệ thống ngân hàng nói chung đang khá tốt. Có chăng, những khó khăn thanh khoản chỉ xuất hiện cục bộ tại một số ngân hàng mà có lẽ phần lớn trong số đó là các ngân hàng “có vấn đề” và là đối tượng phải được sáp nhập.

Giải tỏa những “lo ngại”

Thứ nhất, về kiểm soát lạm phát: Việc chỉ số giá đã liên tục được kiểm soát dưới 1% từ tháng 8/2011, ngoài những nguyên nhân kiểm soát chặt dư nợ tín dụng và tổng phương tiện thanh toán, phải kể tới sự vào cuộc quyết liệt của các ngành hữu quan như các cơ quan giám sát thị trường, “cuộc chiến” minh bạch hóa giá cả đối với các mặt hàng nhạy cảm... trong tinh thần quyết liệt tái cơ cấu và đổi mới mô hình kinh tế. Nếu năm 2012 các ngành đều tiếp tục phát huy tinh thần đó, việc hạ thấp dần mặt bằng lãi suất sẽ không gây áp lực lên lạm phát như lo ngại.

Thứ hai, khó khăn thanh khoản trong hệ thống: khi đã xác định được căng thẳng thanh khoản chỉ xuất hiện cục bộ tại một số ngân hàng – đối tượng phải được sáp nhập, NHNN cần cách ly những ngân hàng “có vấn đề” đó. Đối với những “con bệnh” này, cần phải quyết liệt tái cấu trúc trong năm 2012. Ban lãnh đạo các ngân hàng này cần phải xác định trọng tâm hoạt động năm 2012 là tái cấu trúc và đảm bảo thanh khoản (không đặt mục tiêu lợi nhuận). Trường hợp các ngân hàng đó tiếp tục chạy đua theo mục tiêu lợi nhuận, tái cấu trúc sẽ khó thành công, thậm chí càng rơi vào bế tắc và có thể sẽ lỗ nặng. Không đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2012, quá trình tái cấu trúc và ổn định thanh khoản sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều. Những ngân hàng “có vấn đề” này không những không được tăng trưởng dương dư nợ tín dụng, NHNN cần áp đặt tăng trưởng âm dư nợ tín dụng. Tỷ lệ âm bao nhiêu còn tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi ngân hàng. Họ trước hết phải tự thân giải quyết vấn đề thanh khoản thông qua việc tăng trưởng âm dư nợ tín dụng, cắt giảm chi phí, thanh lý tài sản, bán nợ (không chỉ bán các hạng mục nợ xấu), bổ sung vốn chủ sở hữu....Phần thiếu hụt thanh khoản sau đó mới cần tới sự vào cuộc của NHNN và hỗ trợ từ các ngân hàng bạn.

Như vậy khi NHNN giảm mặt bằng lãi suất, vấn đề thanh khoản cũng không đáng ngại.

Hàng loạt doanh nghiệp đã bị thua lỗ, phá sản, thậm chí không ít doanh nghiệp chịu “chết oan”, nền kinh tế đã và đang phải gánh chịu hậu quả mà một phần nguyên nhân đến từ những ngân hàng yếu kém. Tái cấu trúc các ngân hàng này, dù là biện pháp mạnh và “đau đớn”, là điều cần phải làm. Đó cũng là cách để các ngân hàng này thực hiện trách nhiệm của họ.

Bất cứ chương trình tái cấu trúc nào cũng đều không mấy “dễ chịu” và đòi hỏi sự cương quyết vì lợi ích chung của nền kinh tế. Việc có giảm được mặt bằng lãi suất, tránh gây thêm những khó khăn và hệ quả tiêu cực cho nền kinh tế, đang phụ thuộc vào sự quyết đoán của NHNN!

Phạm Tường Phán

Các tin tức khác

>   “Giấy khám sức khỏe ngân hàng”: Vé thông hành (20/02/2012)

>   Ông Nguyễn Đức Kiên: Nên giảm lãi suất ngay (20/02/2012)

>   Khổ sở với 5 "chiêu" siết nợ của ngân hàng (20/02/2012)

>   Những ngân hàng được phân loại đầu tiên (20/02/2012)

>   Lãi suất huy động vàng tăng lần đầu tiên trong năm (20/02/2012)

>   Thua kiện, Agribank phải trả cho khách hàng 38,5 tỷ đồng (19/02/2012)

>   Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại (19/02/2012)

>   Tiền gửi: Ngắn hạn và dài hạn (19/02/2012)

>   Ngân hàng nước ngoài chuyển mình (19/02/2012)

>   Giảm lãi suất: Cửa hẹp cho sự trì hoãn (19/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật