Chủ Nhật, 19/02/2012 10:10

Ngân hàng nước ngoài chuyển mình

Đã có ý kiến cho rằng năm 2012 sẽ chứng kiến sự chuyển mình rõ nét của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và câu chuyện thị phần sẽ không còn là chuyện riêng của các ngân hàng Việt Nam với nhau nữa.

Cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ

Các ngân hàng nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng liên doanh (gọi chung là ngân hàng nước ngoài) trên địa bàn TPHCM đã hoạt động hiệu quả hơn các ngân hàng nội địa trong năm 2011. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, so với cuối năm 2010, kết quả kinh doanh chung của nhóm này tăng gấp bốn lần. Trong đó, tổng huy động vốn cả nhóm tăng 19%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 7%, nợ xấu thấp 1,17%. Cũng theo NHNN chi nhánh TPHCM, nhóm ngân hàng nước ngoài vẫn hoạt động ổn định trong một năm nhiều sóng gió như năm 2011.

Vẫn theo NHNN, tổng dư nợ tín dụng đến 31-12-2011 toàn ngành ngân hàng ước tăng 6,3% so với năm 2010. Trong đó, ngân hàng liên doanh tăng 3,75% và ngân hàng nước ngoài tăng 9,04%. Mức tăng dư nợ tín dụng của nhóm ngân hàng nước ngoài cao hơn khối ngân hàng cổ phần (6,32%) và ngân hàng quốc doanh (tăng 5,11%).

Thị phần của khối ngân hàng liên doanh và chi nhánh nước ngoài đến nay chiếm khoảng 11,5%. Nhưng so với cuối năm 2010, huy động từ thị trường dân cư của khối này đã tăng 20,6% (trong khi khối ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,67% và các ngân hàng cổ phần tăng 14,3%) và chiếm tỷ trọng 7,5% trong hệ thống tổ chức tín dụng. Bên cạnh sự tăng trưởng thì hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài cũng được nâng lên. Đến tháng 10-2011, tỷ lệ ROA bình quân của các tổ chức tín dụng nước ngoài là 0,16% và ROE là 6,9%, cũng theo NHNN.

Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, ông Tareq Muhmood, nói với TBKTSG: “2011 là một năm kinh doanh thành công đối với ANZ. Số lượng khách hàng tăng đáng kể, ở cả ba mảng bán lẻ, bán buôn và ngân hàng thương mại. Nhiều công ty đã chuyển tài khoản giao dịch chính sang ANZ vừa để thanh toán vừa để quản lý dòng tiền. Nhiều khách hàng cá nhân cũng chuyển tài khoản lương của họ sang ANZ”. Trả lời về kết quả kinh doanh năm 2011, Tổng giám đốc Standard Chartered Vietnam, ông Louis Taylor, nói rằng ông chưa thể đưa ra thông tin chi tiết nhưng “chúng tôi đạt kết quả tốt mặc dù điều kiện kinh tế và chính sách còn nhiều khó khăn trong năm 2011. Thành tích đó được thúc đẩy nhờ những dịch vụ chất lượng cao dành cho khách hàng”.

Đích ngắm: doanh nghiệp

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nói với TBKTSG rằng năm 2012 sẽ có sự bứt phá của các ngân hàng nước ngoài, điều này sẽ tác động mạnh đến thị trường ngân hàng tại Việt Nam.

“Trong khi rất ít ngân hàng Việt Nam chấp nhận lỗ để đầu tư dài hạn thì không ít các ngân hàng nước ngoài năm 2011 đã chấp nhận giảm lợi nhuận để đầu tư mạnh nhằm tấn công vào thị trường mà các ngân hàng Việt Nam vẫn nghĩ mình đang làm chủ. Các ngân hàng nước ngoài sẽ không chỉ cạnh tranh bằng lãi suất mà bằng thương hiệu, chất lượng dịch vụ và sự sáng tạo trong sản phẩm. Câu chuyện huy động vốn sẽ không còn là chuyện riêng của các ngân hàng Việt với nhau nữa”, ông này nói.

Ông Tareq Muhmood cho biết hiện ANZ đang hoạt động như một ngân hàng nội địa, cung cấp đầy đủ các dịch vụ ngân hàng. “Tôi và đồng nghiệp đã vạch ra một chiến lược cho ba năm tới, cùng với những kế hoạch hành động và biện pháp cụ thể. Chúng tôi đang cùng nhau thực hiện từng bước của chiến lược này”, ông Muhmood nói tiếp: “Một trong những mục tiêu quan trọng của chúng tôi là tiếp tục mở rộng mảng ngân hàng thương mại, phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, tiếp tục phát triển và nâng cấp sản phẩm phục vụ cho đối tượng khách hàng cao cấp cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu cho mảng ngân hàng bán lẻ”.

Còn ở Standard Chartered, ông Louis Taylor cho biết năm 2012 ngân hàng này tiếp tục đầu tư và phát triển đa dạng loại hình kinh doanh và giải pháp tài chính tiêu dùng cho khách hàng trong nước và nước ngoài tại Việt Nam. Ngân hàng tiếp tục đặt trọng tâm vào doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh việc tích cực khai thác thị trường Việt Nam, các ngân hàng nước ngoài gần đây cũng thể hiện những băn khoăn về chính sách đối với họ. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam diễn ra tháng 12-2011 (Hà Nội), nhóm công tác ngân hàng đưa ra khuyến nghị với Chính phủ rằng nên nới rộng việc hạn chế cho vay đối với một khách hàng. Với các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh hoặc từ cơ quan hỗ trợ tín dụng xuất khẩu cần được loại trừ khỏi hạn mức tín dụng đối với một khách hàng mà ngân hàng có thể cho khách hàng đó vay.

Các ngân hàng nước ngoài cũng mong muốn Chính phủ nới rộng tỷ lệ sở hữu cổ phần nước ngoài trong các ngân hàng trong nước (hiện là 30%), đặc biệt trong bối cảnh NHNN đang mong muốn có sự sáp nhập và mua lại trong ngành ngân hàng Việt Nam. Và tuy ủng hộ quyết tâm tái cấu trúc nhằm tạo ra một hệ thống ngân hàng khỏe mạnh song các tổ chức tín dụng nước ngoài cũng đang nóng lòng đợi thông báo về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2012.

Hồng Phúc

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Giảm lãi suất: Cửa hẹp cho sự trì hoãn (19/02/2012)

>   Chỉ tiêu tín dụng đã đến các ngân hàng (18/02/2012)

>   Hạ lãi suất: Cần thêm mệnh lệnh từ Thủ tướng? (18/02/2012)

>   Lãi suất Vietcombank vừa giảm, vừa… tăng (18/02/2012)

>   Tỷ giá USD/VND gần và xa… (18/02/2012)

>   Cung dồi dào, giá USD tiếp tục giảm (18/02/2012)

>   Huy động vàng: “Vướng” lãi suất (17/02/2012)

>   Thời điểm hiện tại người dân nên giữ VNĐ (17/02/2012)

>   Thông tư 01 về chiết khấu giấy tờ có giá của NHNN (17/02/2012)

>   'Lộ diện' nhà băng được phân hạng (17/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật