Chủ Nhật, 19/02/2012 09:48

Giảm lãi suất: Cửa hẹp cho sự trì hoãn

Ngày càng có thêm nhiều tín hiệu cho thấy NHNN không còn cửa để trốn tránh quyết định giảm lãi suất. Việc cứu hàng trăm nghìn doanh nghiệp có thể nói là quan trọng không kém việc bao bọc, giữ sự ổn định cho hệ thống ngân hàng.

Thanh khoản không còn là lý do hợp lý

Trái ngược với tuyên bố chưa giảm được lãi suất vì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang phải theo dõi tình trạng thanh khoản của các ngân hàng, các số liệu liên tục được đưa ra trong cả tháng qua cho thấy tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể.

Không những thanh khoản được cải thiện, mà dường như đang có tình trạng dư thừa vốn tại một số không ít các ngân hàng Việt Nam.

Trong thông báo đưa ra cuối ngày 16/2, Kho bạc Nhà nước cho biết đã huy động được 5.900 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong phiên đấu thầu cùng ngày.

Đây là hoạt động liên tục và được hiện theo kế hoạch được giao cho cả năm. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc huy động khá dễ dàng và lãi suất đang có dấu hiệu liên tục giảm trong những phiên đấu thầu gần đây.

Cụ thể, lãi suất đợt huy động 5.900 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ lần này đều nằm dưới mức 11,7% - thấp hơn nhiều so với mức lãi suất 14% (thậm chí có thể cao hơn nhiều nếu tính cả các chi phí khuyễn mãi...) mà các ngân hàng đang phải huy động từ người dân.

Số lượng các thành viên tham gia thầu cũng rất lớn. Trái phiếu kỳ hạn 2 năm có 9 thành viên tham gia dự thầu với khối lượng dự thầu lên tới 3.330 tỷ đồng (lãi suất đặt thầu 11,30-12,45%/năm). Kết quả, huy động được 1.800 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất trúng thầu là 11,59%/năm.

Trái phiếu kỳ hạn 3 năm có tới 19 thành viên tham gia dự thầu với 2.000 tỷ đồng đã được huy động thành công với lãi suất trúng thầu là 11,6%/năm.

Trái phiếu kỳ hạn 5 năm có tới 17 thành viên tham gia dự thầu với 2.000 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất trúng thầu là 11,68%/năm.

Có thể thấy, cả hai kỳ hạn 3 năm và 5 năm đều có lãi suất trúng thầu giảm liên tục trong ba phiên vừa qua (từ mức trên 12% năm, xuống dưới 11,7%).

Trái phiếu 10 năm cũng có 3 thành viên tham gia với 627 tỷ đồng, trong đó trúng 100 tỷ với lãi suất 11,1%.

Tính chung trong 3 phiên đấu thầu đầu năm 2012, Kho bạc Nhà nước đã huy động được tổng cộng 11.780 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng đã huy động được tổng cộng 9.000 tỷ đồng trái phiếu.

Một điều đáng nói nữa là, tình trạng huy động trái phiếu thuận lợi diễn ra trong bối cảnh NHNN vẫn đang liên tiếp hút tiền về trên thị trường mở (OMO). Tính trong gần 3 tuần qua, NHNN đã hút ròng về tổng cộng 128.000 tỷ đồng

Giảm lãi suất có lợi hơn cho nền kinh tế

Lãi suất giảm không phải để cứu TTCK như mong đợi của rất nhiều nhà đầu tư hiện nay. Giảm lãi suất là điều cần làm để cứu hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang gặp khó khăn kéo dài trong nhiều năm qua.

Số liệu 50.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh trong năm 2011 chưa phản ánh hết được thực trạng khốn đốn của hầu hết các doanh nghiệp - trụ cột của nền kinh tế. Rất đơn giản là bởi vì hầu hết các doanh nghiệp đang phải sống nhờ vào nguồn vốn ngân hàng - mà thực chất là nguồn vốn nhàn rỗi trong dân.

Không chỉ chịu ảnh hưởng của lạm phát, của chi phí đầu vào tăng cao, ảnh hưởng của việc khó xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác trong bối cảnh thế giới đang khủng hoảng, các doanh nghiệp trong nước đang oằn mình trả những khoản lãi lớn cho các ngân hàng.

Trong khi đó, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như vậy, các ngân hàng vẫn lãi lớn (cho dù đã trích lập dự phòng hàng loạt các khoản rủi ro như dùng tiền huy động đầu tư vào bất động sản, vào chứng khoán, và cho vay đối với bất động sản khó đòi...).

Theo công bố của NHNN hiện có khoảng 10 ngân hàng đang được xếp vào nhóm IV - nhóm yếu kém và không được tăng trưởng tín dụng trong năm 2012. Đây cũng chính là nhóm mà khả năng mất thanh khoản là cao nhất.

Mặc dù vậy, tất cả các tín hiệu gân đây (bao gồm cả tín hiệu lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt, có lúc xuống dưới 10%/năm) cho thấy cả nhóm này cũng không quá khó khăn về thanh khoản.

Nhưng điều đáng bàn là ngay cả trong tình trạng mất thanh khoản thì các cơ quan chức năng cũng phải tìm biện pháp nhanh chóng xử lý vi phạm của các ngân hàng chứ không thể đổ hết các khó khăn lên đầu đối tượng khác là các doanh nghiệp trong nước.

Về vấn đề lạm phát, xu hướng giảm đang rõ nét hơn khi tháng giáp Tết (tháng 1/2012) tăng khá khiêm tốn so với các năm trước đó ở mức 1%. Tháng chính Tết (tháng 2/2012) được dự báo tăng khoảng 1,5%. Đây cũng là một mức tăng thấp.

Theo đánh giá của HSBC, tới cuối 2012, lạm phát được dự báo sẽ giảm xuống còn một chữ số.

Cũng dựa trên dự báo này, HSBC cho rằng NHNN nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất quy định từ 14% xuống 13% trong quý I/2012 và sau đó tiếp tục giảm còn 9% vào cuối năm 2012.

Trong khi đó, Ngân hàng ANZ khẳng định với mức tăng trưởng vẫn giữ được ổn định và lạm phát giảm tháng thứ 5 liên tiếp, lãi suất ở Việt Nam sẽ giảm. Tổ chức này nhận thấy có một sức ép để bắt đầu cắt giảm lãi suất bất chấp mọi thông báo chính thức từ phía các cơ quan chức năng.

Mặc dù vậy, theo ANZ, NHNN có thể chờ tới hết quý I để chắc rằng đà lạm phát đảm bảo dưới 10%. Và như vậy, bước tiếp theo có thể thực hiện chu kỳ nới lỏng với 100 điểm phần trăm cho mỗi lần điều chỉnh.

Có thể nói, nền kinh tế Việt Nam từ trước tới nay đối mặt với rất nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm vẫn là những vấn đề mất cân đối và hiệu quả thấp trong doanh nghiệp nhà nước, trong đầu tư công và trong lĩnh vực ngân hàng.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp tư nhân hoạt động khá hiệu quả (nhưng ít vốn) không những không được ưu tiên mà dường như đang phải gánh những gánh nặng của các thành phần khác - một điều chắc chắn sẽ kéo chậm sự phát triển của nền kinh tế.

Mạnh Hà

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Chỉ tiêu tín dụng đã đến các ngân hàng (18/02/2012)

>   Hạ lãi suất: Cần thêm mệnh lệnh từ Thủ tướng? (18/02/2012)

>   Lãi suất Vietcombank vừa giảm, vừa… tăng (18/02/2012)

>   Tỷ giá USD/VND gần và xa… (18/02/2012)

>   Cung dồi dào, giá USD tiếp tục giảm (18/02/2012)

>   Huy động vàng: “Vướng” lãi suất (17/02/2012)

>   Thời điểm hiện tại người dân nên giữ VNĐ (17/02/2012)

>   Thông tư 01 về chiết khấu giấy tờ có giá của NHNN (17/02/2012)

>   'Lộ diện' nhà băng được phân hạng (17/02/2012)

>   Chỉ tiêu tín dụng: Quy mô, hạn mức không quan trọng bằng lãi suất (17/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật