Chủ Nhật, 19/02/2012 11:02

Tiền gửi: Ngắn hạn và dài hạn

“Nếu chị gửi kỳ hạn một tháng, lãi suất là 13,9%/năm. Nếu chị gửi kỳ hạn 24 tháng, lãnh lãi hàng tháng, lãi suất 14%/năm” - cô nhân viên ngân hàng nói với khách hàng gửi tiết kiệm. Thấy người phụ nữ còn phân vân, cô thêm: “Gửi 24 tháng, nhưng đủ một tháng, chị có thể rút ra toàn bộ cả vốn lẫn lãi, thay đổi kỳ hạn, vẫn được hưởng lãi suất 14%”. Vị khách hàng bị thuyết phục, đồng ý gửi 24 tháng.

1. Thực chất chuyện thanh khoản

Đấy chỉ là một trong số các “chi tiết” liên quan đến tiền gửi mà nhiều ngân hàng đang thực hiện. Cách thứ hai về bản chất cũng là tiết kiệm kỳ hạn một tháng, nhưng tiền gửi được ngân hàng liệt kê vào vốn huy động trung, dài hạn và dĩ nhiên, nó làm cho cơ cấu vốn huy động thay đổi, giúp che đậy phần nào sự mất cân đối nguồn vốn. Mà đằng sau sự mất cân đối nguồn vốn huy động và cho vay là nguyên nhân của sự thiếu hụt thanh khoản.

Thanh khoản tiếp tục là câu nói cửa miệng của giới kinh doanh tiền. Người ta nhìn vào khả năng chi trả của từng ngân hàng để đánh giá thanh khoản. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận các ngân hàng chấp hành tốt quy định về khả năng chi trả, số lượng vi phạm tỷ lệ chi trả giảm xuống, nhưng vẫn còn vi phạm, đặc biệt có ngân hàng vi phạm nhiều lần.

Theo Thông tư 13, tỷ lệ khả năng chi trả cho ngày hôm sau của các ngân hàng là 15% và bảy ngày tiếp theo là 100%. Quy định này các ngân hàng đều cho là thích hợp trong điều kiện... bình thường! Vì sao chỉ trong điều kiện bình thường và thế nào là bình thường? Tổng giám đốc một ngân hàng giải thích: “Bình thường là khi xác định kỳ hạn giữa tài sản có và tài sản nợ giống như trong kế hoạch”. Diễn giải đơn giản là khi không có, hoặc có nhưng đã dự đoán được sự chênh lệch kỳ hạn giữa huy động và cho vay. Mà cái này thì đa số ngân hàng nào cũng đang vướng: huy động chủ yếu ngắn hạn, cho vay phần lớn trung, dài hạn. Cho nên mới có tình trạng ngân hàng duy trì tốt tỷ lệ khả năng chi trả trên sổ sách, nhưng thực tế thanh khoản vẫn căng thẳng.

2. Nhu cầu thoái vốn 1,4 tỉ đô la Mỹ

Một trong những số liệu được giới tài chính “săn lùng” những ngày này là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thoái bao nhiêu vốn đầu tư ngoài ngành nữa trong năm nay (nếu thị trường chứng khoán khởi sắc) hoặc những năm sau?

Tại hội thảo “Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước” mới đây, một tham luận của Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết đến năm 2008 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư 7,3 tỉ đô la Mỹ, tương đương 10% GDP khi đó vào các hoạt động không liên quan gì đến chức năng chuyên môn. Cụ thể hơn trong quí 4-2007 và quí 1-2008 cũng các chủ thể trên đã “rót” 1,4 tỉ đô la Mỹ vào chứng khoán, bất động sản và thành lập các ngân hàng mới. Phần lớn số tiền trên không thuộc vốn nhàn rỗi, nó là vốn vay ngân hàng. Bốn năm qua khi thị trường chứng khoán suy thoái kéo dài, rất ít các chủ đầu tư thoái vốn vì hai lý do: thứ nhất đó là những khoản đầu tư dài hạn ở vị trí cổ đông sáng lập, không được bán trước năm năm; thứ hai có bán cũng không tìm được người mua và bán với giá nào khi cổ phiếu nhiều công ty tụt dưới mệnh giá. Mặt khác, nếu có chuyển nhượng được, hạch toán lỗ ai chịu trách nhiệm?

Tuy nhiên, đã là vốn vay phải trả lãi, và đáo hạn phải trả gốc. Bốn năm qua nhiều khoản vay để đầu tư, nếu cộng cả lãi, đã lên đến 150-160% giá gốc. Đấy là tính lãi suất ưu đãi. Còn tính theo lãi suất của năm 2008 và 2011, thì giá trị khoản vay phải bằng 180% giá gốc.

Xét về kỳ hạn, các khoản vay để đầu tư của doanh nghiệp nhà nước hầu hết là trung, dài hạn với mức tối đa, theo như một số ngân hàng khẳng định, là năm năm. Năm nay là năm đến hạn trả. Với tình trạng thanh khoản hiện nay, việc ngân hàng tích cực thu nợ là không tránh khỏi. Trong khi đó, hiệu quả kinh doanh của khối quốc doanh không như mong đợi. Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2011 cho thấy hàng năm có 12% doanh nghiệp nhà nước lỗ trong sản xuất kinh doanh, trong khi tỷ lệ lỗ của doanh nghiệp nói chung là 25%. Nhưng mức lỗ bình quân của doanh nghiệp nhà nước gấp 12 lần doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Hiện nay, nhiều ngân hàng huy động chủ yếu ngắn hạn, cho vay phần lớn trung, dài hạn. Cho nên mới có tình trạng ngân hàng duy trì tốt tỷ lệ khả năng chi trả trên sổ sách, nhưng thực tế thanh khoản vẫn căng thẳng.

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành, vì thế, đang là vấn đề nguy hiểm với các chủ đầu tư nhà nước. Lỗ từ thoái vốn sẽ làm biến dạng bức tranh lợi nhuận của những doanh nghiệp này và ảnh hưởng không nhỏ đến bức tranh tổng thể về hiệu quả kinh doanh của khối quốc doanh nói chung. Còn nếu tiếp tục không thoái, tiếp tục khoanh lại, giữ đấy như thời gian qua, các khoản nợ vay ngân hàng để đầu tư không được trả, giải quyết thế nào câu hỏi nợ để tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước?

Hải Lý

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Ngân hàng nước ngoài chuyển mình (19/02/2012)

>   Giảm lãi suất: Cửa hẹp cho sự trì hoãn (19/02/2012)

>   Chỉ tiêu tín dụng đã đến các ngân hàng (18/02/2012)

>   Hạ lãi suất: Cần thêm mệnh lệnh từ Thủ tướng? (18/02/2012)

>   Lãi suất Vietcombank vừa giảm, vừa… tăng (18/02/2012)

>   Tỷ giá USD/VND gần và xa… (18/02/2012)

>   Cung dồi dào, giá USD tiếp tục giảm (18/02/2012)

>   Huy động vàng: “Vướng” lãi suất (17/02/2012)

>   Thời điểm hiện tại người dân nên giữ VNĐ (17/02/2012)

>   Thông tư 01 về chiết khấu giấy tờ có giá của NHNN (17/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật