Ông Nguyễn Đức Kiên: Nên giảm lãi suất ngay
“Đừng nhìn vào lợi nhuận cao mà nghĩ ngân hàng tốt. Có những ngân hàng nợ xấu lớn mà vẫn để lợi nhuận cao vì những lý do khác nhau, gây nên rủi ro lâu dài. NHNN phải đánh giá chính xác về nợ xấu và yêu cầu các ngân hàng xử lý, hạch toán đúng nợ xấu, mặc dù điều này có thể làm lợi nhuận một số ngân hàng giảm xuống”.
Ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ tịch hội đồng sáng lập NH TMCP Á Châu đã nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn của Lao Động xung quanh những vấn đề nổi cộm trong ngân hàng hiện nay.
´ Căn cứ trên báo cáo tài chính của các NH, hiện không ít người nhận định nợ xấu không phải là vấn đề lớn. Ông có cùng góc nhìn như vậy không, thưa ông?
- Tôi cho rằng nợ xấu là vấn đề lớn nhất của các NH. Nợ xấu không chỉ gia tăng ở các ngân hàng nhỏ mà cả NH lớn. Nợ xấu theo công bố chính thức là 3,4% tổng dư nợ không phản ánh đúng tình hình thực tế. Trong giả định của tôi nợ xấu nằm trong khoảng 10%.
´ Theo ông, nợ xấu liệu có liên quan gì tới tiến trình tái cơ cấu các NH?
- Vừa qua ba NH đã hợp nhất, tạo ra một NH SCB mới. Sáp nhập là một bước đi, nhưng không phải mục đích và cũng không phải giải pháp duy nhất. Mục đích là lành mạnh hóa hệ thống NH. Việc sáp nhập một số NH yếu với nhau có khi còn làm cho NH yếu hơn.
´ Ý của ông là NH yếu cộng NH yếu có thể tạo ra một NH yếu hơn?
- Việc tạo ra NH SCB mới giúp NHNN tập trung quản lý một đầu mối. Đó là tích cực. SCB mới có tốt hơn không cần phải có thời gian mới trả lời được. Hiện SCB mới vẫn chưa đủ năng lực tài chính để thực hiện nghĩa vụ của ba NH cũ, cụ thể là chưa trả được các khoản nợ liên NH đến hạn vốn gây ách tắc thị trường liên NH.
´ Thưa ông, sự tham gia của cơ quan quản lý để giải quyết “sự cố” liên NH có thực sự cần thiết?
- Bước đầu tiên của tái cơ cấu là NHNN cần đưa hoạt động liên NH trở về bình thường, trôi chảy, không ách tắc. Việt Nam là quốc gia duy nhất phải có tài sản thế chấp mới vay được trên liên NH. Nó thể hiện niềm tin giữa các NH đang giảm sút. NHNN phải tạo được thanh khoản cho hệ thống, bởi nếu không có thể xảy ra phản ứng dây chuyền không đáng có.
´ Từ trước đến nay, một trong những biện pháp tháo gỡ thanh khoản của NHNN là bơm tiền ra qua kênh thị trường mở. Nhưng dường như giải pháp này chưa giải quyết dứt điểm vấn đề?
- Bơm tiền ra có phản ứng phụ và có thể làm gia tăng lạm phát. Giải pháp phù hợp là xem xét tăng dự trữ bắt buộc và NHNN trả lãi suất cho dự trữ bắt buộc cao hơn trần lãi suất tiền gửi hiện hành. Sau đó NHNN có thể dùng nguồn vốn từ dự trữ bắt buộc bơm vào hệ thống liên NH với lãi suất cao, thí dụ 15-16%/năm.
Ngoài ra có thể sử dụng và huy động vàng trong dân để giải quyết thanh khoản. NHNN chờ đợi chính sách mới về vàng, thì có thể lãng phí thời gian. Nên cho các NH thực hiện chính sách như trước đây được huy động, được chuyển một tỉ lệ nhất định vàng thành tiền, được bảo hiểm vàng trên thị trường quốc tế để tránh rủi ro, nhưng dưới sự quản lý chặt chẽ, trực tiếp của NHNN.
´ Nhìn từ thực trạng thanh khoản, tái cơ cấu hệ thống sắp tới theo ông, nên như thế nào?
- Tôi tin rằng những bước đi tiếp theo của tái cơ cấu đã được cơ quan quản lý chuẩn bị kỹ lưỡng. Khảo sát, đánh giá thực trạng các NH yếu kém, kể cả yêu cầu kiểm toán là bước đi đúng. Tuy nhiên khi đã bắt được bệnh, cần điều trị đủ liều, đủ thời gian, giám sát đủ mạnh. Trước hết các NH yếu kém phải tự điều chỉnh trước khi tìm nguồn lực hỗ trợ. Họ có thể mất nhiều thời gian khắc phục hậu quả về thanh khoản, xây dựng quy chế, quản trị, chiến lược, nhân lực mới.
Việc chuẩn bị của NHNN đã đủ, bây giờ cần làm sớm, thực hiện ngay các bước tiếp theo để giảm thiểu rủi ro, tránh nguy cơ NH yếu ngày càng yếu hơn.
´ Một trong những vấn đề nóng bỏng hiện tại là lãi suất. Trong lần trả lời phỏng vấn năm ngoái, ông đã cho rằng giảm lãi suất chỉ có lợi cho các NH. Ông có còn giữ quan điểm này?
- Giảm lãi suất là đòi hỏi tối quan trọng của nền kinh tế. Hai năm qua DN đã chịu lãi suất cao, khiến nhiều trong số họ làm ăn không có lãi, không hiệu quả. DN là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không có DN hiệu quả, không có tăng trưởng. Tôi nghĩ không cần chờ thêm vì đã có đủ điều kiện giảm lãi suất ngay từ bây giờ. Cá nhân tôi cho rằng lãi suất huy động không nên quá 12%/năm, cho vay không nên quá 15%/năm.
´ Đó là những mức lãi suất lý tưởng, thưa ông?
- Nếu chúng ta quyết tâm có thể làm được, đưa lãi suất cho vay về 15%/năm trước tháng 4.2012. Các NH nên đặt quyền lợi của khách hàng lên trên quyền lợi của mình vì lâu dài điều đó có lợi cho chính các NH.
´ Nhiều người kiến nghị bỏ trần lãi suất thì mới có thể giảm lãi suất nhanh...
- Hiện nay việc phân loại các NH chưa rõ ràng. Người dân chưa có đủ thông tin về sự mạnh yếu của từng NH, nên việc gửi tiền - rút tiền dễ xảy ra ở những NH yếu. Nếu không áp trần lãi suất huy động, hiện tượng đẩy lãi suất tiền gửi lên cao có thể xảy ra, các NH cạnh tranh nhau không lành mạnh. Biện pháp hành chính không thể kéo dài, nhưng hiện tại vẫn phải tiếp tục là vì thế.
Tuy nhiên dù là giải pháp hành chính hay thị trường, cũng phải kéo lãi suất xuống. Đây là mục tiêu cần phải thực hiện. Từ đầu năm đến nay, lãi suất đã giảm, nhưng giảm chậm. Tín dụng không tăng là do lãi suất chưa xuống kịp, chưa xuống đủ mức cần thiết. NH cần hành động trước, hỗ trợ DN, đó cũng là tạo sự phục hồi cho chính mình.
´ Thưa ông, phải chăng có lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong thực hiện trần lãi suất?
- Bức tranh thị phần NH năm 2011 đã thay đổi. Trước đây NH quốc doanh chiếm hơn 60% thị phần toàn ngành, nhưng nay chỉ còn khoảng 40%. Các NH cổ phần hiện chiếm 50% thị phần toàn ngành. Nhìn từ góc độ lãi suất có thể thấy rằng chính sách của NHNN những năm vừa qua đã làm ảnh hưởng đến chính các NH quốc doanh, khiến một số người suy diễn có lợi ích nhóm cho một số NH cổ phần nào đó.
Nói như vậy là chưa chính xác vì đã là chính sách thì tất cả các NH đều phải thực hiện như nhau. Thử nhìn xem, hỗ trợ thanh khoản của Nhà nước tập trung chủ yếu ở NH quốc doanh, nên không thể nói chỉ NH cổ phần hưởng lợi. Thị trường đang thay đổi và khi nó thay đổi tất cả đều phải thích nghi để tồn tại, cạnh tranh, phát triển. Do đó nếu đề cập đến lợi ích nhóm, nên nhìn nhận công bằng.
HẢI LÝ thực hiện
lao động
|